Từ hành trình yêu thương đến hành trình của máy thở
Giọng khản đặc, chiếc điện thoại reng reng liên hồi, thi thoảng lại ngắt quãng cuộc nói chuyện, nhà báo Trần Mai Anh cùng các cộng sự của Quỹ Hạt vừng đang dồn lực xử lý “núi việc” sau buổi Livestream #2: “Những quà tặng biết thở” được tổ chức thành công nhằm huy động nguồn lực mua máy thở gửi tặng khẩn cấp một số bệnh viện trong Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang điều trị các ca mắc COVID-19.
Buổi livestream kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ (từ 20 giờ ngày 29/8 vắt sang ngày 30/8) đã thu hút hơn 1.500 người theo dõi. Chị Trần Mai Anh gọi livestream đó là “Buổi đấu giá 2 ngày và 3 tỷ niềm tin” có tổng giá trị thu về từ các kỷ vật và ủng hộ trực tiếp gần 3,1 tỷ đồng.
Dù các khoản tiền đấu giá chưa được chuyển về hết, nhưng chỉ hơn nửa ngày, ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, Quỹ Hạt Vừng đã trao tặng 1 máy xét nghiệm khí máu động mạch i-SmartCare 10 trị giá 250 triệu đồng cho Bệnh viện dã chiến số 13, Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh; trao tặng 5 máy thở oxy dòng cao HFNC trị giá hơn 313 triệu đồng cho Bệnh viện dã chiến 12, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
“Quỹ Hạt vừng nhanh chóng ký hợp đồng trao tặng 3 máy thở xâm lấn Puritan Bennett 560 trị giá 720 triệu đồng cho Bệnh viện Dã chiến số 14 TP.Hồ Chí Minh do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách; tiếp tục mua máy thở, vật tư y tế từ toàn bộ số tiền đấu giá đã được chuyển đến. Chúng tôi sẽ không để tồn quỹ, vì cứu người như cứu hoả”, nhà báo Trần Mai Anh cho biết.
Hành trình yêu thương giờ đây là hành trình của máy thở. Còn một chút hơi thở thì sẽ còn sự sống. Thêm mỗi máy thở có thể ít nhất cứu sống được một mạng người. Bởi ban đầu, cái tên “Hạt vừng” nhỏ bé, giản dị ra đời xuất phát từ việc nhóm thiện nguyện cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ gần 400 công nhân thu gom rác ở Hà Nội bị nợ lương, từng gây xôn xao dư luận tháng 6/2021.
Nhà báo Trần Mai Anh kể: “Nhóm chúng tôi khởi đầu gồm 4 anh chị em: Nhà báo Bùi Ngọc Hải, đạo diễn Việt Tú, nhà văn Hoàng Anh Tú và tôi. Vừa bất bình trước bất công, vừa thương vô vàn những con người đang phải sống cùng cực vì không nhận được tiền lương nên chúng tôi đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Chỉ trong ít ngày, hàng nghìn người đã ủng hộ, từ nhiều số tiền rất nhỏ, rất lẻ nhưng vô cùng giá trị, như những hạt vừng dù bé nhưng lấp lánh. Tên gọi "Hạt vừng" giản dị cũng ra đời từ đó’.
Dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát cũng là lúc TP Hồ Chí Minh bắt đầu lâm nguy. Số ca mắc COVID-19 tăng cấp số nhân, nhiều người tử vong khiến Nhóm rất lo lắng về sự quá tải của hệ thống bệnh viện, thiếu máy thở, khí ô xy. “Thở thì không thể chờ”, ngày 28/6, Quỹ Hạt vừng đã kêu gọi Chiến dịch “Ủng hộ máy thở cho Sài Gòn”. Chỉ chưa đầy 3 tuần, hàng nghìn “Hạt vừng” lại tiếp tục tham gia chiến dịch với hàng nghìn chuyển khoản lên tới số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Có những người đóng góp tới 2 - 3 lần…
“Trong khi liên lạc với nhiều bệnh viện, chúng tôi biết được, có bệnh viện thiếu loại máy thở này, trong khi ở bệnh viện kia lại tạm thời chưa sử dụng, vậy là nhóm Hạt vừng kiêm luôn cả việc điều chuyển máy thở giữa các bệnh viện. Sau khi đóng góp, người ủng hộ biết rõ mình đang ủng hộ nơi nào, kết quả số tiền mình gom góp đã được biến thành máy thở lúc nào, sao kê ủng hộ được cập nhật hàng ngày trên một link gốc hoặc quét sao kê qua QRcode riêng. Cũng chính niềm tin có thể nhìn thấy, nên không ít người ủng hộ 2, 3 thậm chí tới 4 lần theo từng chiến dịch”, nhà báo Trần Mai Anh cho biết.
Sau 2 tháng triển khai, Quỹ Hạt vừng đã gửi trao hàng trăm máy thở, máy tạo oxy và các bộ phụ kiện y tế đi kèm cho nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành có diễn biến dịch căng thẳng. Hạt vừng vẫn đang tiếp tục nhận được những lời đề nghị giúp đỡ khẩn về máy oxy dòng cao HFNC, máy thở CPAP, máy tạo oxy, máy đo nồng độ oxy từ Cần Thơ, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương…
“Đổi kỷ vật lấy nhịp thở” và giọt nước mắt gửi trao yêu thương
"Kỷ vật sẽ có giá trị không thể đong đếm được khi kỷ vật đó có thể làm được là giúp đỡ đồng bào...”, đọc lời nhắn và những tâm tư của Vận động viên (VĐV) khuyết tật (đua xe lăn) Trần Phúc Đạt, nhà báo Trần Mai Anh thấy nghèn nghẹn. Chị tự nhủ, càng phải cố gắng hơn nữa khi sự yêu thương, tình yêu dân tộc đang cứ thế nối dài...
“Còi cần thời gian suy nghĩ và triển khai những dự án gây quỹ khác nhau để ra tiền mua máy thở bởi lượng ủng hộ cũng lên xuống hình sin theo từng chiến dịch cũ - mới, trong khi số lượng ca nhiễm thì tăng mạnh”, nhà báo Trần Mai Anh trải lòng trên Facebook cá nhân.
Và, ý tưởng “Hiệu Tạp hoá Tình yêu” đã được Quỹ Hạt vừng và những người bạn ra đời. “Chúng tôi kêu gọi bạn tặng lại những món đồ mà bạn cho là giá trị. Với mạng lưới các KOLs - những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng, nghệ sỹ, nhà báo và tờ báo bè bạn, chúng tôi sẽ bán đấu giá món đồ bạn tặng với giá trị cao nhất và sử dụng số tiền đó mua máy thở cho tuyến đầu. Thêm một bàn tay, thêm một mạng người có thể được cứu”, Quỹ Hạt vừng nêu thông điệp.
Thông qua Fanpage Quỹ Hạt vừng, mọi người bắt đầu gửi đến "Hiệu Tạp hoá Tình yêu" các đồ vật, kỷ vật thân yêu của mình. Giá trị đó tình bằng tiền đã mua đồ, cũng tính bằng những kỷ niệm gắn với từng con người mà không tiền nào mua được. Tất cả tìm đến "Hiệu Tạp hoá Tình yêu" để tìm kiếm những “phép màu”, biến đổi thành những chiếc máy mang lại oxy, mang lại hơi thở, mang lại sự sống.
Từ những kỷ vật đó, Quỹ Hạt vừng đã tổ chức bán đấu giá trên Fanpage của Quỹ cũng như tổ chức livestream phiên đấu giá với tên gọi: “Đổi kỷ vật lấy máy thở”; “Quà tặng biết thở” để có kinh phí mua máy thở. Theo dõi 2 buổi livestream gần đây, nhiều người không khỏi xúc động khi lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của những người tham gia đấu giá.
Cảm kích về chương trình xuất phát từ trái tim, giúp người dân Việt Nam gửi sự yêu thương tới đồng bào của mình, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang gồng mình chống dịch, VĐV Trần Phúc Đạt đã dành tặng 2 vật phẩm để đấu giá ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch. Đó là chiếc áo có chữ ký của huyền thoại bóng đá thế giới Roberto Carlos và tấm huy chương vàng (HCV) mà VĐV điền kinh Trần Phúc Đạt giành được tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018.
Tại phiên đấu giá HCV của VĐV khuyết tật Trần Phúc Đạt, doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường đã chốt giá 200 triệu đồng khi mua lại chiếc HCV với giá khởi điểm 5 triệu đồng. Bất ngờ hơn, ngay sau khi đấu giá thắng, doanh nhân này đã gửi tặng lại chiếc HCV này cho chính chủ nhân của nó. "Tôi lại muốn đấu giá thắng vì mục đích của tôi là để tặng lại cho anh Đạt", doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường chia sẻ.
Nếu những ai theo dõi buổi đấu giá tối 14/8, cũng sẽ nhớ câu nói của một người trả giá tới 400 triệu đồng để sở hữu “hộp nhạc vương giả”. "Đây là số tiền lớn với tôi... nhưng tôi chấp nhận sống kham khổ trong năm tới để dành tiền đó cho Sài Gòn", chủ sở hữu Reuge - chiếc hộp nhạc giấu tên chia sẻ.
Là một nhà hảo tâm đã tặng chiếc túi Hermès Kelly bản giới hạn, ca sỹ Lệ Quyên đã bày tỏ sự cảm kích đối với ý nghĩa lớn lao mà chương trình mang đến cho những bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tại TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ về món quà dành tặng cho chương trình đấu giá, Lệ Quyên tâm sự: "Đây là một trong những cái túi Quyên rất thích, nhưng ít xách vì nó đặc biệt nhất. Nó không giống bất cứ cái túi nào của Quyên cả. Vì nó rất thời trang, có thể mix được với rất nhiều phong cách thời trang khác nhau. Giá trị hiện tại của chiếc túi này khoảng 25 nghìn đô (khoảng 550 triệu đồng), mới đến 99%. Quyên đã sở hữu chiếc túi 4 năm, nhưng số lần xách chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Kết thúc phiên đấu giá, chiếc túi Hermès Kelly phiên bản giới hạn của Lệ Quyên thu về được 600 triệu đồng…
Hiệu Tạp hóa Tình yêu của những hạt vừng đã và đang có rất nhiều món đồ được mọi người khắp cả nước trao tặng cho nhóm Hạt vừng để tiền đấu giá được 100% biến thành máy thở cứu người.
Đó là tấm HV bóng đá SEA Games đầu tiên của Việt Nam do cầu thủ Trọng Hoàng tặng với tình thần của anh “Giá trị cuộc sống nằm ở những điều mình có thể cho đi chứ không phải nhận lại”.
Đó là cây bàng vuông được Lữ đoàn 146 gửi tặng về đất liền trên chuyến tàu vận tải đang từ Trường Sa trở về Quân cảng Cam Ranh, với nhắn nhủ của những người lính “5 cây bàng vuông - một thứ “đặc sản” của Trường Sa được chính những người lính ươm trồng bằng công sức và tình yêu cuộc sống được gửi về nhằm sẻ chia, động viên người trên đất liền đang cam go chiến đấu với “giặc” COVID-19 hãy yên tâm, chúng tôi ở ngoài này vẫn bền gan, vững chí, chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”....
Những ai đã tham gia đấu giá và những ai quyết tâm trả mức giá cao nhất để sở hữu kỷ vật đều bày tỏ tấm lòng, sự tri ân và cùng nguyện cầu cho tuyến đầu bình yên, dịch bệnh được sớm đẩy lùi. Hành trình của kỷ vật sẽ đi mãi, đi mãi và cứu sống nhiều người. Trên tất cả, hàng ngàn hạt vừng không chỉ quyên góp được cả máy thở và thiết bị y tế khác, chung tay với các y bác sĩ tuyến đầu cứu mạng người mà đang truyền đi một thông điệp về tình yêu thương, lòng trắc ẩn.
Một lần nữa khẳng định: Người Việt Nam là một cộng đồng biết yêu thương!