Xã Ngọc Thanh nằm trải dài theo dãy núi Tam Đảo. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên gần 8.000 ha, trong đó có hơn 4.300 ha đất lâm nghiệp. Với vùng đất nhiều sỏi đá này, trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế là một "bài toán khó" với người dân trong vùng.
Trong cái khó, ló cái khôn, sau nhiều năm bươn chải kiếm sống, ông Hoàng Quốc Vượng nhận thấy thị trường gỗ để làm nguyên liệu giấy đang phát triển. Trong khi đó, địa phương lại có rất nhiều diện tích đồi bỏ hoang nhiều năm. Từ suy nghĩ đó, ông quyết định trồng cây bạch đàn và cây keo để bán cho các nhà máy giấy làm nguyên liệu sản xuất.
Ông cho biết, gần 30 năm trước, việc nhận đất rừng chỉ cho thu nhập là
khoản tiền hỗ trợ hàng năm cho việc khoanh nuôi, bảo vệ. Vì thế, nhiều
hộ không muốn nhận đất rừng.
Ông Hoàng Quốc Vượng phát cỏ chăm sóc rừng trồng. |
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, ông Vượng đã phải theo cha mẹ lên rừng và sống nhờ rừng. Khoảng năm 1990, chương trình trồng rừng PAM ra đời, ông quyết định biến vùng đất mà người ta gọi là “chó ăn đá gà ăn sỏi" đẻ ra tiền. Ông Vượng đã mạnh dạn nhận hơn 100 ha đất để trồng rừng, trong đó có hơn 60 ha đất rừng sản xuất và 40 ha rừng phòng hộ.
Để có vốn đầu tư, vợ chồng ông đã cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn anh em họ hàng. Không chỉ khó khăn về vốn mà vùng đất vợ chồng ông Vượng nhận trồng rừng lúc đó còn khô cằn, cách xa nơi ở, đường đi... Bắt tay vào trồng rừng, ông Vượng và gia đình gặp nhiều khó khăn về kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Ông đã đến gặp những người đi trước trong nghề trồng rừng để học hỏi kinh nghiệm; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và học hỏi thêm kinh nghiệm trồng rừng ở các tỉnh lân cận.
Thời gian trôi qua, giờ đây, gia đình ông Vượng đã có trên 100 ha rừng trồng, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Mồ hôi, công sức của ông Vượng cùng gia đình đổ xuống giờ đã cho thành quả. Vùng đồi núi hoang vu giờ đã thành cánh rừng xanh ngát.
Với phương pháp thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm, ông Vượng thu về bình quân khoảng 1 tỷ đồng từ riêng việc bán gỗ nguyên liệu giấy. Ông Vượng cho biết, trung bình mỗi ha keo lai, bạch đàn đến chu kỳ khai thác (sau 5 - 7 năm trồng) nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn gỗ nguyên liệu.
Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, ông Vượng còn tạo việc làm thường
xuyên cho gần chục lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu
đồng/người/tháng. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ngày nào không lên rừng,
không "thăm" rừng là ông Vượng lại thấy không yên tâm.
Ông đã cùng các con nghiên cứu và đưa cây dó bầu về trồng trên vùng đất
Ngọc Thanh. Ông vào Khánh Hòa học hỏi kinh nghiệm và lên Sơn La để mua
cây giống. Sau nhiều lần trồng thất bại vì sâu bệnh, cuối cùng, sau 7
năm, cây dó bầu trên diện tích đất rừng của gia đình ông đã phát triển
tốt. Tận dụng tán cây rừng, gia đình ông Vượng còn nuôi ong lấy mật. Mỗi
năm thu về hơn trăm lít mật ong, trừ chi phí, gia đình ông có thêm hàng
chục triệu đồng.
Tận dựng tán cây rừng, ông Vượng nuôi ong lấy mật. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu về hơn trăm lít mật ong, thu lãi về hàng chục triệu đồng.
|
Không dừng lại ở đó, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông Vượng còn phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng bền vững. Hiện, vợ chồng ông Vượng đã có cơ ngơi rộng lớn hơn 100 ha gồm: rừng keo, dó bầu, ao cá, hàng trăm con lợn và hàng trăm đàn ong.
Chọn hướng phát triển kinh tế từ rừng, với bàn tay và ý chí quyết tâm, ông Vượng đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành những cánh rừng. Ông xứng đáng là gương điển hình về nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.