Mẹ con chị Lương Thị Thanh Hải tại hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thủ đô năm 2017. |
“Sinh con một bề đều là gái, nhiều người hỏi tôi là chồng và gia đình chồng đối xử có gì phải suy nghĩ không? Nếu nói là không thì chưa thật lòng. Anh em bên nhà chồng, gia đình nào cũng có con trai, nhà mình toàn con gái, khi có công việc về quê dễ bị mời xuống mâm dưới ngồi, những lúc đó cũng thấy buồn”, chị Hải tâm sự.
Đây cũng là nỗi niềm của không ít gia đình sinh con một bề gái và khi không chiến thắng được mặc cảm, bị sức ép từ phía gia đình, dòng tộc, nhiều người đã “vượt rào” sinh con thứ ba, thứ tư… cố kiếm bằng được mụn con trai, khiến tỷ lệ sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Nội gia tăng.
Không chỉ bị tác động từ bên ngoài, bản thân chị Hải cũng lo lắng, sau này hai con gái lớn, xây dựng gia đình nhà chỉ còn lại hai vợ chồng với nhau, lúc bình thường không sao nhưng khi đau ốm chắc sẽ buồn.
Thế nhưng thực tế cuộc sống đã chứng minh điều ngược lại. Tình yêu mà gia đình chị dành cho hai cô con gái đã đem lại trái ngọt. “Có lần, bố chồng tôi bị ốm nằm viện dài ngày, không chịu ăn uống, cáu gắt. Con cái và ngay cả cụ bà cũng không làm cách nào cho cụ ông ăn được. Nhưng khi hai con gái tôi, đứa thủ thỉ, đứa bóp chân, bóp tay thế nào mà cuối cùng cụ ông ăn hết bát cháo và hứa sẽ ăn uống đầy đủ để xuất viện về nhà. Sau lần bố ốm, gia đình tôi càng thêm gắn kết, tôi thầm cảm ơn ông trời đã ban cho mình hai cô con gái chăm ngoan, hiếu thảo”, chị Hải vui vẻ cho biết.
Quan sát thấy nhiều gia đình khác khi ông bà, cha mẹ bị ốm, đa số con gái là người rất có trách nhiệm, tận tình hơn các thành viên khác cũng khiến chị Hải vững tâm hơn. Được chồng ủng hộ, ngoài công việc, chị còn tích cực tham gia công tác Hội Phụ nữ và công tác thiện nguyện như tham gia nấu các xuất cơm tình nghĩa đem tặng các bệnh nhân ung thư.
Trước những mảnh đời phụ nữ bất hạnh do sinh con một bề là gái, hàng ngày, hàng giờ đang phải gánh chịu những nỗi đau, dằn vặt, những trận đòn bạo lực đến từ chính những người thân trong gia đình, chị Hải mong muốn xã hội thực hiện bình đẳng giới thực chất hơn.
60 tấm gương sinh con một bề gái, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiêu biểu được tuyên dương, "mỗi nhà, mỗi cảnh" nhưng điểm nổi bật là họ đã vượt lên mặc cảm, cùng với các thành viên gia đình chăm lo, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô.
Thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng, phong phú tới cộng đồng và những người có uy tín tại địa bàn dân cư; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ… chuyển đến người dân thông điệp hãy cụ thể hóa tuyên truyền bình đẳng giới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của từng cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng, thay đổi quan niệm lạc hậu trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm lo gia đình hạnh phúc, văn minh.
Hiện nay, Hà Nội có 965.274 trẻ em gái. Hàng năm, thành phố triển khai hàng chục mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, truyền thông hơn 300 cuộc nói chuyện có nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái, phòng chống tác hại của xâm hại tình dục đối với trẻ em gái; xây dựng và nhân rộng câu lạc bộ gia đình sinh con một bề gái, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện mục tiêu chăm sóc và bảo vệ trẻ em gái vị thành niên, chống lại nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.