Vượt qua “Nỗi đau da cam”, vươn lên làm kinh tế

Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, bị nhiễm chất động da cam; hứng chịu nỗi đau đớn tột cùng khi 7 người con lần lượt ra đời đều bị tật nguyền vì chất độc da cam; nhưng cựu chiến binh Lường Văn Lả, 65 tuổi, ở bản Chạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đã vượt lên số phận, trở thành hộ làm kinh tế giỏi, còn giúp đồng đội và làm công tác xã hội.

Năm 1971, khi đang đi học lớp Trung cấp nông lâm tại Sơn La, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Lường Văn Lả cùng toàn bộ học sinh trong trường làm đơn tình nguyện ra tiền tuyến. Trong bộ quân phục của người lính cụ Hồ, ông thuyên chuyển qua nhiều đơn vị, hết vào Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, lại về Tây Bắc rồi sang Bắc Lào. Là người lính trinh sát, ông tham dự mọi trận đánh mà đơn vị ông được giao nhiệm vụ. Có lẽ những ngày tham gia mặt trận phía Nam, ông đã bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe giảm sút.

Vợ chồng ông Lường Văn Lả trước căn nhà sàn khang trang của mình.


Năm 1977, ông Lả phục viên trở về quê hương, xây dựng gia đình. Ngày ra ở riêng, bố đã mất sớm nên chẳng để lại gì, người anh cho vợ chồng ông 5 chiếc bát mang ra ngôi nhà dựng tạm bên góc rừng, hai vợ chồng ông bắt đầu xây dựng cơ nghiệp. Bất hạnh xảy ra khi lần lượt 7 người con của ông sinh ra đều bị tật nguyền, 2 người đã chết, 3 người bại liệt nằm một chỗ, chỉ còn 2 người lành lặn nhưng suy giảm trí nhớ, không thể đi học bình thường. Nghe mọi người bảo bị con ma làm nên nuôi được con trâu, con lợn nào, gia đình ông đều bán đi mời thầy về cúng mà con không khỏi. Đến khi cơ quan chức năng về khám bệnh, ông mới biết cả ông và các con đều bị nhiễm chất độc da cam.

Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông lao vào sản xuất, lao động để có tiền nuôi con. Được vay 5 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, ông mua 1 con trâu và mấy con lợn, gà giống về chăn thả. Một mình loay hoay cả ngày đêm, ông đào 1 cái ao cá rộng 900 m2 để thả cá thịt. Rồi đám ruộng trồng lúa lấy cái ăn, đám nương trồng ngô để nuôi gia súc, bán được con nào, ông lại quay vòng trở lại đầu tư vào sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương với 1 đàn bò, 1 đàn dê, đàn lợn và gà vịt; 5 ao cá của ông mỗi năm cũng thu trên 1 tấn cá, tổng mức thu nhập của cả gia đình mỗi năm cũng được từ 70 - 80 triệu đồng (ngoài khoản tiền trợ cấp thương tật của ông và các con mới được hưởng từ năm 2007). Gia đình cũng mua được máy xay xát, xe máy, ti vi, làm được ngôi nhà sàn khang trang.

Ông Lả đang bắt cá tại ao cá của gia đình.


Không chỉ lao động sản xuất nuôi sống gia đình, ông Lường Văn Lả còn tham gia tích cực công tác xã hội. Xuất ngũ trở về, ông nhận chức vụ Chi hội trưởng Cựu chiến binh của bản từ đó đến nay. Cả chi hội có 12 người, cũng đều trong hoàn cảnh khó khăn. Từ kinh nghiệm sản xuất của mình, ông bàn với anh em đóng góp tiền mua 2 con bò về làm quỹ hội. Từ 2 con bò mẹ, đến nay đã sinh sản ra đàn bò 7 con, các cựu chiến binh thay nhau nuôi rẽ, khi bò đẻ thì được hưởng bê con và trả bò mẹ cho chi hội. Đến nay số tiền đóng góp đã hoàn trả hết cho người góp vốn và đang sinh lời từ đàn bò này. Năm 2014, thấy các cháu trong bản phải đi học mẫu giáo quá xa, bản lại không có nhà văn hóa xã, ông đề xuất và hiến 2.000 m2 đất để xây dựng lớp mẫu giáo và nhà văn hóa bản…
Chu Quốc Hùng
Làm giàu từ kinh tế tổng hợp
Làm giàu từ kinh tế tổng hợp

Ban đầu, còn chưa biết làm gì để cải thiện cuộc sống, anh Quang đã đi tìm hiểu những mô hình làm kinh tế hay và hiệu quả trong xã và các địa phương lân cận. Về sau anh chọn cho mình hướng phát triển kinh tế từ làm nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN