Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội trao tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể xuất sắc. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, hoạt động thi đua khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Hà Nội.
Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo. Điển hình như các phong trào thi đua "4 đổi mới kỹ thuật", "Quản lý giỏi", "Lao động giỏi", "Sáng kiến, sáng tạo, tiết kiệm trong sản xuất", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", "Bàn tay vàng".... góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong hai năm 2016-2017, phong trào thi đua đã góp phần đẩy mạnh phát triển ngành Công Thương Hà Nội và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển, giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2016 - 2017 ước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2017 ước đạt 11,2%/năm. Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, về xuất khẩu, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 1,5% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2017, hoạt động xuất khẩu của thành phố Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao so với những năm gần đây, là một trong 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch năm 2017 của thành phố, tăng 10,3% so với năm 2016 (tăng từ 4-5% so với kế hoạch).
Trong quản lý nhà nước, ngành đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND triển khai hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; trong đó, đã tập trung đẩy mạnh một số nội dung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp như phát triển công nghiệp hỗ trợ; cụm công nghiệp; tiểu thủ nông nghiệp và làng nghề gắn với du lịch. Trong lĩnh vực thương mại đã thực hiện tốt việc bình ổn thị trường; kiểm tra kiểm soát thị trường; phát triển thương mại điện tử; chương trình xúc tiến thương mại; chương trình liên kết vùng đã hỗ trợ được nhiều địa phương tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn Thành phố; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Bên cạnh đó, ngành đã vận động cán bộ, người lao động tích cực học tập nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, chỉnh sửa bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp...