Đây là một trong những dự án bảo tồn lớn nhất di sản thế giới được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trong nhiều thập kỷ qua. Dự án bảo tồn Stonehenge lần này sẽ tập trung khắc phục các vấn đề nảy sinh do xói mòn và gia cố các chỗ sửa chữa trước đó được phát hiện bằng phương pháp quét tia laser.
Stonehenge là một trong những công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng nổi tiếng nhất thế giới với những phiến đá có niên đại từ cách đây khoảng 4.500 năm.
Giám tuyển cấp cao về tượng đài của English Heritage, bà Heather Sebire, cho biết Stonehenge là công trình vòng tròn đá độc nhất vô nhị về mặt cấu trúc và sự sắp đặt đặc biệt. Trải qua 4.500 năm chống chọi với mưa nắng, trên bề mặt các khối đá đã xuất hiện những vết nứt và lỗ hổng.
Trong khuôn khổ dự án này, ông Richard Woodman-Bailey, 71 tuổi, người từng đặt một đồng xu dưới một trong các khối đá khổng lồ này vào năm 1958 trong đợt bảo tồn lớn gần đây nhất (khi ông mới 8 tuổi) sẽ trở lại đây để đặt một đồng xu mới trị giá 2 bảng. Cha của ông Woodman-Bailey cũng chính là người giám sát, chỉ đạo trong đợt trùng tu bảo tồn Stonehenge năm 1958.
Stonehenge là một quần thể công trình với 82 đài tưởng niệm nhỏ, 30 khối đá, mỗi khối nặng khoảng 25 tấn và 5 tảng đá lớn với trọng lượng lên tới 50 tấn. Theo ý kiến các nhà khoa học, Stonehenge bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ 19 trước Công nguyên và được hoàn tất vài trăm năm sau đó. Ở các mỏ đá, người ta đã đục ra những khối đá lớn, sau đó lăn chúng hoặc chở theo đường sông để đưa đến nơi xây dựng gần Amesbury. Tại đó các tảng đá được chôn xuống đất 1m.
Đá ở Stonehenge có hai loại: những khối cứng chắc để tạo ra vòng ngoài của công trình và những khối đá mềm hơn lấy từ các vỉa than và quặng (do đó chúng được gọi là đá xanh), tạo ra vòng trong của Stonehenge.
Các nhà khoa học cho biết những tảng đá xanh được lấy từ núi Prezeli, nằm cách Stonehenge khoảng 200 km.
Stonehenge và các khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986.