Cứ đến khoảng tháng 4 hằng năm, theo truyền thống, người dân Moskva thường đến các khu nghĩa trang đi tảo mộ, thắp nến tưởng nhớ người thân của mình. Đây là lần thứ hai tôi đi cùng chị Lê Thị Phượng và cậu con trai Mikhail Lê của chị đến thắp hương cho bố chị, ông Lý Phú San, một trong 5 chiến sĩ cộng sản Việt Nam tình nguyện chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô, cùng vợ là bà Đặng Thị Loan.
Ông Lý Phú San tên thật là Lê Phan Chăn sinh ngày 01/6/1900 tại Tân Ước, Thanh Oai, Hà Đông, nay là thành phố Hà Nội. Năm 1986, theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô, ông được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất vì lòng dũng cảm thể hiện trong các trận chiến ở ngoại ô Moskva chống phát xít Đức. Ông cũng được tặng Huy chương "40 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" và Huy hiệu của Lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt.
Lần thăm mộ ông Lý Phú San năm nay cũng đông vui hơn vì cùng tôi còn có thêm 2 phóng viên, hai vợ chồng người bạn thời đại học, đồng thời cũng là những thành viên tích cực của cộng đồng người Việt sống ở Nga đã hơn 30 năm. Tháng 6, thời điểm vào hè, thời tiết nước Nga thật tuyệt, cây cỏ xanh mướt, hoa oải hương trổ rực rỡ. Tuy nhiên do thời tiết, thổ nhưỡng ưu đãi, cây cỏ cũng mọc che kín các tấm bia mộ, phải mất một lúc, Mikhail mới xác định được vị trí mộ ông bà ngoại mình.
Câu chuyện gia đình tôi quen biết chị Phượng và cháu Mikhail khá tình cờ. Năm 2015, trong nhiệm kỳ phóng viên thường trú đầu tiên tại LB Nga, tôi tháp tùng Đại sứ Việt Nam tại LB Nga khi đó là Nguyễn Thanh Sơn đến thăm gia đình chị Phượng. Qua trò chuyện, được biết cháu Mikhail và con trai tôi cùng vào đại học một năm, chị Phượng, trước kia công tác ở Bộ Giáo dục Nga, ngỏ ý sẽ giúp tư vấn để con trai chúng tôi vào đại học, và chúng tôi quen gia đình chị từ đó.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng chứng kiến giai đoạn khó khăn của chị năm 2016, khi chị đau ốm nằm viện và Mikhail vừa đi học vừa phải chăm sóc mẹ. Song rõ ràng, khó khăn càng hun đúc lòng quyết tâm của Mikhail, cháu đã học giỏi để được nhận học bổng của Nga và nay đã tốt nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định tại một ngân hàng. Cháu còn có nhiều hoài bão phấn đấu như học thêm ngoại ngữ tiếng Trung, tham gia dự án viết phần mềm cùng nhóm bạn. Tôi thật mừng cho chị Phượng vì sau bao năm một tay chèo chống con thuyền gia đình, dạy con, nay cháu Mikhail đã trưởng thành, gia đình chị cũng đã dọn đến ở một căn hộ mới, khang trang hơn.
Cùng với cháu Mikhail và mọi người nhổ cỏ, dọn dẹp xung quanh mộ trước khi thắp hương, tôi cảm thấy lòng sảng khoái hệt như khi thắp nén hương cho bố mình hay ông bà nội ngoại khi còn ở Việt Nam. Trước kia, khi còn nhỏ, thời kỳ Việt Nam đi lại còn rất khó khăn, năm nào bố cũng đưa tôi đi tảo mộ, thắp hương cho các cụ. Và thế là đã thành thói quen, sau mỗi lần châm lửa thắp nén hương trên mộ tổ tiên, tôi lại thấy lòng thư thái trở lại.
Tâm sự với chúng tôi, chị Phượng cho biết bố chị, ông Lý Phú San từng tham gia Quốc tế Cộng sản III, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Theo tiểu sử trích ngang do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, năm 1924, ông Lý Phú San đến Paris và sống ở đó. Trong thời kỳ ở Pháp và ở Liên Xô sau này, ông có thu nhập khá và điều đáng quí nhất qua lời kể của chị Phượng là bố chị giàu lòng bao dung, thường giúp đỡ tiền, hỗ trợ những người khó khăn, sống cùng. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết: “Cha tôi là người hầu như không bao giờ kể về bản thân, cuộc sống của bản thân mình cho tới lúc hấp hối. Chỉ bạn bè đến thăm cha kể thì bấy giờ mẹ tôi và tôi mới được biết”.
Qua tiểu sử trích ngang do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, khi ở Paris, ông Lý Phú San là thành viên của tổ chức cách mạng hoạt động bí mật. Ông đã nhiều lần thay đổi bí danh (Lê Công Bình, Bình, Swelton), có hộ chiếu Trung Quốc với tên Kong Minh Song. Năm 1932, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu bác đến Liên Xô học tại Đại học Cộng sản phương Đông song chiến tranh nổ ra và bác tình nguyện vào quân ngũ. Trong giai đoạn tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva, bác làm nhân viên y tế trong một bệnh viện quân y, chính vì thế trong 5 chiến sĩ Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva chỉ mình bác còn sống sau những trận đánh ác liệt. Bác phục vụ trong Hồng quân đến tháng 4/1942, sau đó cùng bệnh viện sơ tán đến vùng Ural và làm công nhân một nhà máy ở tỉnh Sverdlovsk, trước khi về Việt Nam.
Trước mộ cha, mẹ mình, trong bối cảnh nước Nga đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, chị Phượng trả lời câu hỏi của phóng viên với sự mộc mạc, chân thật của những người đã sống ở Nga lâu năm, trải qua nhiều khó khăn, thậm chí là cay đắng. Chị nói: “Buồn và nhớ, cảm giác cứ càng đến ngày Chiến thắng phát xít Đức 9/5 hay ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, là con là cháu bao giờ cũng tưởng nhớ đến những người đã khuất. Và đặc biệt trong gia đình tôi có người cha đã từng cống hiến trong cuộc Chiến tranh vĩ đại đó. Lúc nào đến ngày đó, tình thương và nỗi nhớ càng đậm đà hơn. Và không bao giờ có thể quên được cuộc đời gian truân của người chiến sĩ đã đứng lên bảo vệ tổ quốc”.
Người con hết mực yêu thương của chị Phượng cũng thể hiện đã trưởng thành, chín chắn khi trả lời phỏng vấn. Mikhail Lê sinh năm 1997, cao 1m9 và nhìn bề ngoài không ai nghĩ trong cháu có dòng máu Việt. Trả lời câu hỏi của tôi “Mỗi khi đến Ngày Chiến thắng cháu cảm thấy thế nào?”, Mikhail nói: “Quả thực rất khó dùng ngôn từ để mô tả cảm giác của cháu. Một mặt đó là cảm giác tự hào vì cháu có một người ông như thế, đã tham gia chiến tranh (Vệ quốc vĩ đại). Điều quan trong là ông vẫn sống sau tất cả những điều khủng khiếp. Mặt khác cháu chưa từng trải qua thời kỳ gian khó như vậy, không biết trực tiếp về ông nên không thể hiểu rõ những cảm giản gần gũi với ông sẽ thế nào. Đương nhiên cháu thực sự tự hào về họ song rất khó để mô tả cảm nhận thực sự về ông”.
Với câu hỏi thứ hai, tấm gương ông có giúp gì cho cháu trong cuộc sống hay không, Mikhail trả lời rằng: “Theo một nghĩa nào đó thì có, ông có thể định hướng giống như ngôi sao Bắc cực, như một hình mẫu lý tưởng ở một mức độ nào đó. Ngay cả trong những lời mẹ kể với cháu về ông, cháu hình dung ra một hình mẫu hoàn hảo mà con người cần hành xử trong cuộc sống, về nguyên tắc là con người không dễ từ bỏ và làm đến cùng bất chấp mọi khó khăn, luôn luôn phải có mục tiêu để đi tới và đi đến cùng ở một mức độ nào đó”.
Tôi tâm đắc mãi với những từ “không buông bỏ và đi đến cùng”, quả thực đó chính là phẩm chất rất đáng quí của những người cộng sản trung kiên trước kia, và nếu một thanh niên ngày nay có những quyết tâm phấn đấu như vậy, chắc chắn họ sẽ đạt được những thành quả, không chỉ cho bản thân mà giúp ích nhiều cho xã hội. Tuy nhiên điều còn khiến tôi xúc động hơn là tấm gương của những người cộng sản chân chính, họ làm nhiều, đóng góp nhiều song hầu như rất giản dị và gần gũi, chẳng hề kể về mình, thầm lặng với vai trò và đóng góp không thể phủ nhận.
Năm nay, gia đình chị Phượng có thêm niềm vui khi nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, LB Nga khánh thành nhà thờ chính rất hoành tráng của Các Lực lượng vũ trang Nga ở Kubinka, ngoại ô Moskva. Bên cạnh nhà thờ này là tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” gồm 1.418 bước, ghi lại lịch sử từng ngày, đêm của cuộc Chiến tranh Vệ quốc thần thánh và ông Lý Phú San nằm trong danh sách 7 chiến sỹ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của bảo tàng. Kho lưu trữ ảo này gồm dữ liệu của hơn 30 triệu người, được cập nhật thường xuyên. Khách thăm quan bảo tàng chỉ cần đánh tên họ là có thể tra cứu ảnh và tiểu sử tóm tắt của những người anh hùng đó.