Vừa nhắc tới từ Tết, mắt chị Lý Thị Hậu, quê ở Thanh Oai, Hà Nội, đang làm giúp việc tại Khu hành chính Đặc biệt Ma Cao (Trung Quốc) đã đỏ hoe. Sau đó, dường như không ngăn được nỗi lòng, những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên má người phụ nữ mà tôi đồ rằng thời xuân sắc, sự mặn mòi của chị là “cơn khát” của bao trai làng.
“Nếu có được một người chồng tử tế, em đã không phải lặn lội sang đây”, chị Hậu nghẹn ngào tâm sự. Tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể tiếp tục giấc mơ học đường, cô gái xứ Đoài ấy sớm theo chồng “bỏ cuộc chơi”. Nhưng người đàn ông mà Hậu nương tựa không những không trở thành trụ cột kinh tế gia đình, mà còn khiến chị phải bao lần lao tâm khổ tứ.
Những buổi sinh hoạt cộng đồng do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Công và Ma Cao tổ chức thu hút rất nhiều chị em lao động Việt Nam tại Ma Cao tham gia. |
Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cuối cùng chị Hậu quyết định vay tiền đi xuất khẩu lao động. Thấm thoắt đã 2 năm có lẻ và đây cũng là lần thứ 3, chị Hậu phải ăn Tết xa nhà. “Tết ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình, nhưng…”. Chị Hậu không nói hết, nhưng tôi biết sự ngập ngừng đó ẩn chứa nỗi dằn vặt giữa một bên là nỗi nhớ con của người mẹ trẻ và một bên là mong muốn chắt chiu, dành dụm những mong ngày trở về trả hết nợ, có chút vốn phục vụ sinh kế.
Giống như chị Hậu, chị Nguyễn Thị Kim Vân ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải dứt ruột để lại quê nhà 3 đứa con nhỏ, bươn bả xứ người. Sau 5 năm làm nghề giúp việc ở Đài Loan (Trung Quốc), bị các công ty môi giới lao động sang tay tới 3 lần, tích lũy chẳng được bao nhiêu, chị Vân còn phải chịu thêm nỗi đau “mất” chồng. Không vượt qua áp lực xa cách, anh đã ngã vào lòng một người phụ nữ khác. Chị không trách anh và càng thương những đứa con nhỏ vốn đã phải xa mẹ, giờ còn rơi vào cảnh san sẻ tình cha.
Vì tương lai các con, kể từ khi sang Ma Cao tới nay đã được hơn 3 năm, chị Vân không cho phép mình nghỉ ngơi. Theo quy định trong hợp đồng, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ Tết, chị Vân hoàn toàn có thể xả hơi, ra công viên gặp đồng hương tâm sự hay góp tiền cùng bạn bè nấu nướng những món ăn Việt Nam để thưởng thức cho vơi nỗi nhớ nhà.
Chăm sóc con ông bà chủ, chị Vân khắc khoải nỗi nhớ con mình. |
Nhưng những ngày đó, nếu đồng ý tăng ca, chị sẽ được chủ trả gấp đôi tiền lương (từ 100 patacas (tiền Ma Cao) lên 200 patacas/ngày). Và năm nay cũng vậy, 3 ngày Tết, chị Vân sẽ lại tăng ca. Qua một số người bạn của chị Vân, tôi còn được biết hơn 3 năm nay, người phụ nữ tần tảo, hết lòng vì con cái ấy chưa hề sắm cho riêng mình một chiếc áo hay đôi giày nào. Tất cả số tiền kiếm được, gồm 2.500 patacas (gần 6,5 triệu VND) lương cứng và 400-500 patacas tiền tăng ca, chị dành gửi về Việt Nam cho con ăn học nhằm thoát khỏi cảnh nghèo.
Cũng đi xuất khẩu lao động vì lý do kinh tế, nhưng chị Lê Thị Bằng, quê ở Duy Tiên, Hà Nam, không phải nặng gánh gia đình như chị Hậu và chị Vân. Dẫu vậy, chị Bằng vẫn rất cần cù, tận dụng thời gian lao động ở xứ người để kiếm thêm chút tiền gửi về giúp chồng con “nở mày mở mặt”. Sáng 6 giờ, chị Bằng có mặt ở nhà chủ, làm những công việc theo hợp đồng, 6 giờ tối rời nhà chủ về căn gác trọ tồi tàn trú đêm ăn qua loa rồi lại tất tả đi đổ rác thuê. Cuộc sống lặp đi lặp lại như một vòng quay.
Hình ảnh ngày Tết với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, với chị Bằng, giờ đã trở thành hoài niệm. “Ở Ma Cao không có bánh chưng xanh như quê mình, thèm quá thì ra cửa hàng mua bánh tày (do người Việt Nam làm bán, thành phần gồm gạo nếp, thịt lợn, thêm một số gia vị trong nhân như hành, tiêu, gói giống hình bánh giậm). Tưởng nhớ ông bà tổ tiên cũng chỉ có cách ra chùa thắp nén nhang thơm”, chị Bằng bùi ngùi.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)