Chuyện phiếm với Việt kiều Úc

Nghe các anh chị Việt kiều say sưa kể về những câu chuyện, suy nghĩ của mình đối với đất nước, con người Việt Nam, tôi nhủ thầm: “Thật không ngờ...”. Những câu chuyện đó hội tụ cả lòng yêu nước lẫn sự thận trọng, tính lãng mạn và cả khiếu hài hước. Đó là những chuyện rất đáng ngẫm.


Thiên tình sử


Chàng và mẹ đáp chuyến bay từ Ôxtrâylia về Việt Nam vào một ngày đẹp trời với ý định để chàng gặp gỡ và cưa cẩm một người con gái. Do hai bên phụ huynh đã biết nhau từ thuở lên ba nên chàng yên tâm chuẩn bị bài chinh phục nàng. Không còn người thân ở Việt Nam, mẹ và chàng thuê nhà ở cạnh nhà nàng cho tiện đường đi lại. Thế là chiều chiều, bên hàng nước cạnh nhà nàng (ở trung tâm thủ đô) có một chàng Romeo đứng gảy đàn ghita và nghêu ngao hát...


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trong buổi gặp gỡ Việt kiều tại Sydney nhân chuyến thăm Ôxtrâylia tháng 4/2012.
Ảnh: Quang Minh (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chị kể lại câu chuyện tình lãng mạn của hai vợ chồng trong tiếng đàn ghita da diết mà anh đang trau chuốt. Chị bảo hồi đó thanh niên tỏ tình với nhau không mạnh mẽ như thanh niên bây giờ, thế nên sự mạnh dạn, chân thành và không phô trương của anh khiến chị thấy anh như... “người rừng”. Ấy vậy rồi chị cũng gục ngã trước “người rừng”, khiến mẹ chị lo lắng con gái theo chồng sang Úc, không người thân thì biết nương tựa vào đâu lúc khó khăn... Chị cười: “Bây giờ thì bà yên tâm rồi”.


Bà yên tâm vì anh chị sống với nhau rất hạnh phúc, có 3 đứa con ngoan và một cửa hàng tạp hóa làm kế sinh nhai. Chị bảo lãng mạn là cần thiết, nhưng phải có sự yêu thương, tinh thần sẻ chia và trách nhiệm trong cuộc sống gia đình thì mới làm nên hạnh phúc. Cuộc sống ổn định và có phần dư dả, thi thoảng anh chị lại về Việt Nam để thăm người thân và đi du lịch. Gặp người Việt Nam sang Ôxtrâylia sinh sống hay công tác, anh chị đều giúp đỡ nhiệt tình bất cứ khi nào họ cần đến mình. Những hành động nghĩa tình đó đang góp phần vun đắp tình người, tình yêu quê hương, đất nước cho cộng đồng người Việt Nam tại Ôxtrâylia.


Cười ra nước mắt


Nghe những giai thoại về nước của các anh chị Việt kiều ở Ôxtrâylia thì có thể cười ra nước mắt. Có anh nghe người ta bảo ở Việt Nam nhiều người “đầu gấu” lắm, ra ngoài đường là phải dằn mặt ngay. Thế là xuống sân bay, anh bắt taxi, mặt đanh lại: “17 Hàng Bạc”. Thái độ của anh trên cả chặng đường từ sân bay về nhà khiến chị vợ cũng thấy ngại, phải xã giao vài câu với anh tài xế. Sau vài hôm ở Việt Nam, anh thủ thỉ với vợ: “Anh thấy người Việt mình bây giờ cũng văn minh lịch sự chứ có ghê gớm như người ta bảo đâu em nhỉ. Anh ngượng quá”. Chị mỉm cười tâm đắc.


Có anh lại thấy người ta đồn về Việt Nam cẩn thận không bị lừa như chơi, dân bắt chẹt du khách kinh lắm. Mang theo sự thận trọng, anh cùng gia đình vợ đi ăn cơm tiệm. Ăn uống xong xuôi, đại gia đình giật mình khi thấy anh đang to tiếng với nhân viên nhà hàng. Hóa ra anh không chịu thanh toán tiền khăn lạnh vì cho rằng phí khăn ăn phải đi kèm trong chi phí cho bữa ăn. Anh bảo tiền không thành vấn đề, nhưng họ đang lừa anh vì nếu dùng khăn mất tiền thì họ phải thông báo trước. Lời qua tiếng lại, bố vợ anh phải nói nhỏ với chị: “Thôi con bảo nó trả tiền đi, nhập gia tùy tục...”. Và người trả tiền khăn ăn cho nhà hàng là chị.


Những Việt kiều tiêu biểu được khen tặng tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam diễn ra tháng 12/2012.
Ảnh: Võ Giang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)


Nhiều Việt kiều tại Ôxtrâylia mỗi lần về nước là chuẩn bị “lương khô” và thuốc tân dược rất kỹ lưỡng. Họ đặc biệt lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam, lo cho sự an toàn của con cái họ. Các cậu bé, cô bé con của Việt kiều ở đây đều ăn cơm Úc, tắm nước Úc và tiếp nhận nền giáo dục Úc. Đến chính các anh chị Việt kiều cũng phải quán triệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho con mình và con người khác, tránh các trường hợp dị ứng thực phẩm chứ chưa nói đến việc để mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Lo ngại này cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt kiều đôi khi phải trăn trở có nên về nước hay mang theo con về nước để thăm người thân hay không. Tâm lý lo sợ đó vẫn còn hiện hữu trong khá nhiều Việt kiều ở Ôxtrâylia.


Kết nối


Những câu chuyện có thật trên cho thấy Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối với Việt kiều ở Ôxtrâylia. Công tác này vừa góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới Việt kiều nói riêng và Ôxtrâylia nói chung, vừa hạn chế những thông tin tuyên truyền sai lệch về đất nước, con người Việt Nam khiến nhiều Việt kiều ngại về nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cố gắng giải quyết những vấn đề còn bất cập để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút Việt kiều về nước. Đó là những việc cần làm trong bối cảnh các thế lực phản động lưu vong người Việt tại Ôxtrâylia đang hô hào, lôi kéo, ngăn cản, thậm chí đe dọa nhằm ngăn cản các Việt kiều về nước hay đóng góp kiều hối cho đất nước.


Tại Ôxtrâylia, các hoạt động như giao lưu thể thao với Việt kiều, tổ chức Diễn đàn doanh nhân Việt Nam tại Ôxtrâylia với sự tham gia của Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ và nhiều cơ quan đại diện khác, tổ chức các cuộc hội thảo, gặp gỡ có sự tham gia của Việt kiều... là những hoạt động thiết thực để gắn kết Việt Nam với cộng đồng người Việt tại đây. Đó cũng là sự ghi nhận và cổ vũ kịp thời những tấm gương Việt kiều yêu nước để từ đó nhân rộng điển hình. Tôi vô cùng ấn tượng với câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” trong bài “Để gió cuốn đi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Với tôi, tấm lòng cần phải có đó ở mức khái quát nhất chính là lòng yêu nước.



Đỗ Vân(P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN