Tỉnh Battambang, mảnh đất được coi là vựa lúa từ bao đời nay của Campuchia, hiện là nơi sinh sống của hàng nghìn người Campuchia gốc Việt. Trong không khí hân hoan, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Campuchia, nhiều bà con không giấu nổi những cảm xúc hướng về Đất Mẹ, về những thành tựu kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó không thể không nhắc đến việc Việt Nam đã ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tạo ấn tượng mạnh và niềm tin cho bạn bè quốc tế.
Ông Trần Văn Bảo - Chủ tịch tỉnh hội Khmer-Việt Nam tỉnh Battambang không khỏi tự hào nhắc lại Việt Nam là một trong những nước kiểm soát được dịch, không để bùng phát trên diện rộng. Cũng trong năm qua, dù phải trải qua trận thiên tai lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền đã nỗ lực khắc phục để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Là một người Campuchia gốc Việt, ông Trần Văn Bảo gửi gắm tình cảm vào sự kiện trọng đại diễn ra từ ngày 25/1 tới. Ông nói: “Bà con Việt kiều mong muốn qua Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước ta sẽ có nhiều chính sách thiết thực và hỗ trợ bà con, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Vừa qua chúng ta đã có một bước để có giấy tờ cư trú hợp pháp trên đất nước Campuchia, nhưng vẫn còn giới hạn. Chúng tôi mong muốn qua Đại hội XIII, Đảng sẽ có nhiều chủ trương, chính sách hơn nữa để giúp bà con Việt kiều vững vàng về mặt pháp lý trên đất nước bạn, để đảm bảo cuộc sống, cũng như vấn đề học tập cho con em và trong tương lai có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương”.
Ngoài mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quan tâm hỗ trợ bà con trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người cũng kỳ vọng vào những chính sách kinh tế trong nước và những dự án hỗ trợ kiều bào tại Campuchia. Ông Trần Bá Bình (64 tuổi, kiều bào huyện Thma Koul, tỉnh Battambang) tâm sự: “Mong muốn của kiều bào là sắp tới Đại hội Đảng XIII có phương hướng ưu tiên bà con ở nước ngoài. Trong nước thì phải phát triển, phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế, về mọi phương diện của Đại hội Đảng vạch ra. Qua phát triển của đất nước thì cũng quan tâm đến bà con kiều bào ở Campuchia về kinh tế. Chủ yếu bà con ở bên này về kinh tế còn khó khăn, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để bà con có thể vừa phát triển kinh tế của mình, sau đó có điều kiện để trở về đóng góp cho quê hương”.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh (37 tuổi, kiều bào tỉnh Siem Reap) lại mong mỏi Đại hội Đảng sắp tới sẽ có những chính sách hỗ trợ cho bà con cộng đồng được gắn kết, được tham gia những hoạt động, những chương trình cộng đồng nhiều hơn và hỗ trợ cho hoạt động giáo dục con em để có sự phát triển, hòa nhập với thế giới.
Trong những năm qua, bà con người Campuchia gốc Việt đã có ý thức hơn về vấn đề hội nhập xã hội sở tại, đặc biệt là việc đầu tư cho giáo dục con em. Tổng số học sinh gốc Việt đang theo học tại các trường công Campuchia ước khoảng hơn 6.500 em, hai năm vừa rồi tăng khoảng 40%. Số học sinh theo học tại các điểm trường, lớp do Hội Khmer-Việt Nam quản lý hiện khoảng 2.350 em (67 giáo viên). Đáng chú ý là khoảng 40% số này theo học trường công Campuchia, đồng thời theo học tiếng Việt tại các điểm trường, lớp do Hội quản lý. Từ 2012 đến nay, có 158 học sinh gốc Việt tốt nghiệp cấp 3 trường công Campuchia đã nhận học bổng và theo học tại các trường đại học tại Việt Nam, trong đó riêng 2 năm gần đây có học sinh nhận học bổng từ Quỹ Phát triển nguồn nhân lực trong cộng đồng người gốc Việt của Đại sứ quán Việt Nam.
Theo Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Lê Tuấn Khanh, tại hội nghị cuối năm 2020 lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại khu vực lãnh sự gồm 6 tỉnh Tây Bắc Campuchia (Battambang, Siem Reap, Oddar Meanchey, Banteay Meanchey, Pursat và Pailin) vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đưa ra ý kiến cũng như những suy nghĩ, trăn trở về tình hình phát triển của đất nước.
Trước đó, Tổng Lãnh sự quán đã thông qua các chi nhánh Hội Khmer-Việt Nam hướng dẫn cộng đồng nghiên cứu dự thảo văn kiện. Các ý kiến chung đều bày tỏ vui mừng, đánh giá cao thành tựu của 35 năm Đổi mới, 10 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao; diện mạo đất nước đổi thay nhanh chóng, tươi đẹp, khang trang hơn, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh ở cả thành thị và nông thôn; đời sống người dân ngày càng được cải thiện và vị trí, vai trò Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Kiều bào tại Campuchia luôn theo dõi và phấn khởi trước những thành tựu mà Việt Nam đạt được như ngày hôm nay; đặc biệt đồng tình, ủng hộ công tác phòng, chống tham nhũng ở trong nước; việc ban hành các chính sách thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam và khơi dậy tình yêu nước và khát vọng phát triển. Bà con mong muốn sau Đại hội XIII, Đảng có được những tham mưu, đề xuất để đưa ra thêm những chủ trương, chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho bà con kiều bào và doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, sinh sống tại nước sở tại, để kiều bào mãi mãi là bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, là nguồn lực trí tuệ và có đóng góp kinh tế không nhỏ cho đất nước.
Năm qua, những thành công trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh đã phát huy hiệu quả, giúp thắt chặt mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Campuchia, được thể hiện qua những chuyến hàng cứu trợ vật tư y tế, lương thực tình nghĩa và kịp thời, không chỉ cho nhân dân nước bạn mà cả những kiều bào tại Campuchia, một trong những cộng đồng người Việt nghèo khó nhất trên bản đồ thế giới nhưng đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.