Theo phóng viên TTXVN tại Nga, năm nay, Saint Petersburg - thành phố lớn thứ hai tại LB Nga - có vinh dự được chọn làm địa bàn trọng điểm tại châu Âu để kỷ niệm Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu. Đến với lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang trọng tại hội trường trường Đại học quốc gia Saint Petersburg có hơn 200 người Việt, gồm sinh viên và học viên các trường trong thành phố và khá đông đại diện cộng đồng người Việt. Đặc biệt, lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học quốc gia St.Petersburg, Vladimir Kolotov, đã tham dự và phát biểu vừa với tư cách một người con rể của Việt Nam, vừa với tư cách một chuyên gia am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam, các truyền thống con Lạc, cháu Hồng đã được truyền qua 4.000 năm lịch sử.
Qua 4 lần tổ chức, có thể thấy ngày lễ của Việt Nam đã tạo được sức lan tỏa tại Saint Petersburg. Tham dự buổi lễ năm nay có rất đông người trẻ, ngoài sinh viên từ Việt Nam sang Nga học tập tại các trường trong thành phố còn có các thế hệ con em trong cộng đồng được sinh ra và lớn lên tại Saint Petersburg, cùng các bạn bè người Nga.
Theo đúng truyền thống Việt, buổi lễ gồm có lễ và hội. Trưởng ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tại Saint Petersburg, ông Đào Đại Hải ôn lại nguồn gốc của dự án tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Ông nhấn mạnh đến sự thiêng liêng của hai chữ “đồng bào”, đến ý nghĩa của ngày hội trong sự kết nối giữa các kiều bào ngoài nước, giữa đồng bào trong nước và ở nước ngoài. Giáo sư Vladimir Kolotov dẫn câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo ông, câu nói này chính là cội nguồn của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành nội lực mạnh mẽ giúp Việt Nam giành độc lập, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế và đóng góp trách nhiệm cho cộng đồng thế giới.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga Trần Phú Thuận nhấn mạnh, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu thực sự là một dự án mang giá trị nhân văn to lớn, với sứ mệnh gắn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu, cùng bạn bè quốc tế bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Hướng tới đông đảo bà con, ông Trần Phú Thuận kêu gọi lan tỏa sâu rộng những truyền thống nhân văn của cộng đồng người Việt tại châu Âu nói chung, tại LB Nga nói riêng, đồng thời củng cố tình đoàn kết giữa những người Việt Nam xa xứ - là con cháu Vua Hùng. Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng công bố những thành viên cộng đồng được Ban dự án Ngày Quốc Tổ toàn cầu vinh danh vì có đóng góp tích cực.
Có nhiều cách để thúc đẩy sự lan tỏa về Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu trong kiều bào Việt Nam tại LB Nga, mà một trong số đó là tổ chức kỷ niệm hằng năm trong các cộng đồng. Đối với thế hệ thứ hai và thứ ba, truyền thống trong gia đình, câu chuyện nghe từ cha mẹ bằng tiếng Việt là cách để các cháu tiếp cận thiết thực nhất với văn hóa tổ tiên. Cháu Đào Vân Anh, 19 tuổi, đã được nghe từ cha mình, ông Đào Đại Hải, về truyền thuyết Vua Hùng, và dẫu chưa từng sống tại Việt Nam song đến hôm nay cháu thực sự cảm nhận được ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thấy mình là một thành viên của đại gia đình gần 100 triệu người Việt Nam.
Saint Petersburg được gọi là thủ đô văn hóa của LB Nga, nơi tập trung các trường đại học có lịch sử lâu đời thuộc top đầu và là nơi đã đào tạo nên không chỉ một thế hệ trí thức và lãnh đạo cho Việt Nam. Lực lượng sinh viên Việt Nam theo học tại đây luôn rất đông đảo và được bổ sung hằng năm. Dầu thời gian học dài ngắn khác nhau song các em xác định mình là một bộ phận của cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg, tích cực đóng góp phần mình vào các hoạt động ở sở tại thông qua Hội sinh viên và Đoàn Thanh niên. Bí thư Đoàn cơ sở tại Saint Petersburg Đỗ Thế Mạnh cho biết Thành đoàn đã hỗ trợ công tác tổ chức Ngày Giỗ Tổ 2024, kết nối sinh viên tham dự để lan truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Dù ở trong nước hay nước ngoài, một giá trị, một truyền thống văn hóa đẹp chỉ có thể trường tồn nếu được lớp trẻ đón nhận và chủ động lan truyền. Và những tín hiệu đáng mừng đó có thể thấy trong những người trẻ tham dự Ngày Giỗ Tổ 2024 ở Saint Petersburg. Trần Tố Nga, sinh viên dự bị trường ĐH Sư phạm quốc gia mang tên Ghersen mới sang Nga được nửa năm, cho biết khi ở Việt Nam, em chỉ nhớ rằng cha mẹ thắp hương ngày Giỗ Tổ, bản thân cũng chưa từng đến Đền thờ Vua Hùng, song giờ đây khi tham dự hoạt động cộng đồng, em đã hiểu ý nghĩa của nét đẹp văn hóa này.
Không chỉ quý trọng và tham gia giữ gìn, lan tỏa truyền thống, các bạn trẻ còn tự đặt ra cho mình nhiệm vụ và mục tiêu để phấn đấu cho xứng đáng là con Lạc cháu Hồng, như học viên năm thứ nhất Học viện Hải quân mang tên Pie Minh Thu chia sẻ với phóng viên TTXVN tại LB Nga.
Khi đã hiểu và trân trọng bản sắc của dân tộc thì dù điều kiện ở nước ngoài có khó khăn, ban tổ chức vẫn nỗ lực tái hiện những nét chính của ngày lễ. Ban thờ vị Quốc tổ được lập trang trọng với mâm bánh dày, xôi gấc. Ban hành lễ trong trang phục truyền thống thực hiện nghi lễ tế một cách trang nghiêm, dâng lên đất trời những tâm nguyện quốc thái dân an, kết đoàn và hội nhập.