Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, với chủ đề "Giấc mơ của em", cuộc thi năm nay nhằm mục đích nâng cao nhận thức chung về đối tượng gia đình đa văn hóa, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em các gia đình đa văn hóa, khuyến khích các em tự tin, phát triển để thành đạt trong xã hội và cuộc sống. Cuộc thi còn nhằm mục tiêu đánh thức vai trò kết nối của các nhà ngoại giao nhân dân thông qua cải thiện khả năng giao tiếp và kết nối song ngữ của con em các gia đình đa văn hóa.
Tham gia cuộc thi có trên 100 học sinh tiểu học trên toàn quốc, các em đã vượt qua các kỳ tuyển tại khu vực và địa phương để lọt vào chung kết. Vòng chung kết cuộc thi năm nay có tổng cộng 20 học sinh tham gia và chia làm 2 bảng. Bảng nhỏ gồm các em từ lớp 1 đến lớp 3 và bảng lớn từ lớp 4 đến lớp 6.
Các học sinh đã tham gia trình bày tổng cộng 5 phút bằng tiếng Hàn và trong vòng 2 phút 30 giây bằng các ngôn ngữ gốc. Lọt vào vòng chung kết, có tổng cộng học sinh nói tiếng Việt. Kết quả chung cuộc, ở bảng lớn, học sinh Kim Su Cheong, lớp 6 trường tiểu học Ansan có mẹ người Việt Nam đã đạt giải cao nhất. Ở bảng nhỏ, học sinh Ha Chi Su giành giải Ba.
Ông Sim Jeong-seop, Giám đốc điều hành Trung tâm Il-shihoil một tổ chức công ích và là đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi cho biết so với cuộc thi lần đầu năm 2022, số lượng học sinh năm nay tham gia nhiều hơn, tự tin hơn và chất lượng thí sinh vào vòng chung kết được đánh giá cao hơn. Người Hàn Quốc từ trước đến giờ vốn vẫn cứ tự hào sống với ý niệm "đất nước một dân tộc", bây giờ với toàn cầu hóa, thì người Hàn Quốc phải làm quen với cuộc sống đa văn hóa. Đối với khái niệm đa văn hóa, người Hàn Quốc cũng phải có cách nhìn khác, dẹp bỏ những khái niệm phân biệt và thiên kiến đã từng có trong quá khứ.
Chùa Jogyesa, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc, đã tham gia hỗ trợ cho cuộc thi năm nay. Hòa thượng Ji-hyeon, trụ trì chùa Jogyesa ở Seoul cho biết Hàn Quốc đã bước vào thời đại một xã hội đa văn hóa, với những người nhập cư là một trục của nền kinh tế vì thế cần có thái độ tiếp nhận thân thiện, hỗ trợ, hòa đồng. Thông qua cuộc thi hùng biện song ngữ này, hy vọng rằng các gia đình đa văn hóa sẽ được khích lệ, động viên, giúp họ có cuộc sống thuận lợi hơn và được quan tâm hơn nữa.
Hiện có khoảng 2,5 triệu người nhập cư đang sinh sống ở Hàn Quốc, bao gồm các gia đình đa văn hóa. Số lượng trẻ em sinh ra trong các gia đình đa văn hóa dự đoán sẽ vượt 5 triệu vào năm 2050. Trong số các gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc, gia đình Hàn - Việt chiếm tỷ lệ khá cao và được đánh giá có độ hòa nhập và thích nghi với xã hội Hàn Quốc vào loại tốt nhất.