Vào những năm đầu thế kỷ 21, phong trào chơi quần vợt của người Việt Nam tại LB Nga bắt đầu phát triển mạnh với các giải Thương vụ Open, qui tụ hầu hết những người đam mê bộ môn banh nỉ ở xứ sở Bạch Dương. Năm 2007, giải Thương vụ Open bước sang trang mới khi câu lạc bộ (CLB) quần vợt Konkovo đang lớn mạnh đứng ra tổ chức giải Konkovo Open. Bước ngoặt này cho thấy sự khát khao của những người Việt Nam yêu quần vợt tại LB Nga, luôn mong muốn được giao lưu nhiều hơn để cọ sát, học hỏi, nâng cao trình độ. Sau giải Konkovo Open một ý tưởng quan trọng đã nảy sinh. Đó là việc thành lập hội những người đam mê tennis tại LB Nga với sứ mệnh qui tụ tất cả các tay vợt và phát triển phong trào tennis của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga lên tầm cao mới.
Và thế là ngày 1/6/2008, Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga (ViTAR) chính thức được thành lập với sự góp mặt của các CLB Konkovo, CSKA, Thương vụ, Rizhsky, Omsk, Yekaterinburg, các CLB nữ Star, CLB Meteor, Nữ Moskva, Pizhskyi, gồm hơn 80 hội viên trong đó có các hội viên danh dự như Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Bùi Đình Dĩnh; Phó Đại sứ, Trưởng Ban Công tác cộng đồng Nguyễn Ngọc Bình, những người đã có những đóng góp lớn, trực tiếp trong việc hình thành ViTAR. Tập trung dưới mái nhà của Đại sứ quán, ViTAR lấy khẩu hiện và tôn chỉ hoạt động là “Vui-Khỏe-Đoàn kết”. Ông Phan Tuấn Khanh được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của ViTAR và tiếp tục được tín nhiệm giao cương vị này cho tới ngày nay.
Là một cộng đồng lớn, đương nhiên ViTAR cũng không thể thiếu những ngày hội hoành tráng. Đó là thời khắc tất cả các thành viên, hội viên đều háo hức ngóng chờ. Giải ViTAR Open hàng năm chính là những ngày hội như vậy, mỗi năm một thu hút hơn, có đông đảo người yêu thích môn banh nỉ tham dự hơn. Từ số lượng hơn 80 hội viên tham gia, sau đã tăng lên đến hơn 150 người, ViTAR Open là minh chứng hùng hồn cho một sức hút đến cuồng nhiệt.
Nhắc đến ViTAR, chúng ta cũng không thể không nhắc đến những tay vợt, với niềm đam mê vô bờ bến, đã đem đến những trận đấu đầy cảm xúc như Phan Tuấn Khanh, Đặng Văn Sơn (Sơn VAMA), Phạm Hồng Hải (Hải tám ngón), Phạm Hiến Chương (Chương xẻo), Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Tula), Nguyễn Ngọc Toàn (Toàn-Thúy), Đoàn Công Thịnh … Giữa hai CLB CSKA và CLB Konkovo kỳ phùng địch thủ cũng có những “lời nguyền” khó giải, dù CLB CSKA đông thành viên hơn, song trong các giải thi đấu, vận động viên của CSKA thường khó bước qua được cửa ải là các vận động viên CLB Konkovo.
Năm 2008, ViTAR lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu giải ở Cup Bông Sen Vàng tại Berlin (Đức) và hai tennis thủ nữ ViTAR - Vũ Thị Bạch Tuyết và Nguyễn Thanh Hằng đã ngay lập tức vô địch nội dung đôi nữ. Năm 2009, vận đông viên Toto Nguyễn Gia Bảo Tri cũng vào chung kết và giành huy chượng bạc tại giải quần vợt của người Việt Nam ở CH Séc.
Có thể nói kể từ khi giải ViTAR Open chính thức ra mắt đã từng bước giúp kết nối và phát triển cộng đồng banh nỉ của người Việt Nam ở châu Âu. Sức cuốn hút của giải không chỉ nằm ở khát khao chinh phục những đường banh khó và lạ, mà ẩn trong đó là sự giao lưu, kết đoàn và cộng hưởng đầy sức mạnh. Đây là lý do giải luôn được cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga rộng lớn cũng như ở các nước châu Âu háo hức chờ đợi mỗi khi hè về.
Như một lẽ tự nhiên, trái tim càng khỏe mạnh, cơ thể cũng sẽ càng cường tráng. Sức hút của ViTAR Open giúp cho ViTAR ngày càng lớn mạnh. Trong đó, sự kiện trở thành thành viên đầu tiên và duy nhất của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) ở nước ngoài năm 2009 đã đánh dấu son vào lịch sử phát triển của ViTAR. Năm 2009, ông Đặng Hữu Hải, Chủ tịch VTF đã sang xứ sở Bạch Dương, kết nạp ViTAR thành thành viên chính thức của VTF. Cuối năm đó, Chủ tịch ViTAR Phan Tuấn Khanh đã đưa tài năng trẻ Nguyễn Minh Tuấn, con anh chị Nguyễn Văn Bút – Hương về Việt Nam thi đấu giải chuyên nghiệp. Tay vợt Nguyễn Minh Tuấn, tập tennis từ năm 7 tuổi, 12 tuổi sang đào tạo chuyên nghiệp ở Florida, đã có trận thua sát nút tài năng tennis lớn nhất Việt Nam là Lý Hoàng Nam.
Nói đến tài năng tennis trẻ ở LB Nga cũng không thể không nhắc đến vận động viên Nguyễn Gia Bảo Tri (Toto), con anh Nguyễn Gia Bảo và chị Vũ Thị Bạch Tuyết vốn cũng là những tay vợt nức tiếng của ViTAR. Năm 2013, em Nguyễn Gia Bảo Tri đã có trận đấu đầy cảm xúc, phải đánh lại, trong khuôn khổi giải ViTAR Open với vận động viên chuyên nghiệp từ Việt Nam sang là Hoàng Thành Trung hay “Trung Vũng Tàu”.
Từ khi giải thường niên ViTAR Open được tổ chức, sân chơi tennis của người Việt Nam tại LB Nga không chỉ luôn có sự góp mặt của các tay vợt ở những vùng xa xôi của nước Nga như Yekaterinburg, Omsk, hay St. Petersburg mà có có sự hiện diện của các tay vợt khách mời Việt Nam từ trong nước và các nước khác. Các đoàn Lạng Sơn, Đắc Lắc, Tp HCM, Hà Nội, Sapa, Hải Phòng… thường xuyên hiện diện trong các giải ViTAR Open thường niên ở thủ đô Moskva. Trong nhiều năm VTF đã cử các vận động viên nằm trong Top 5 của quần vợt Việt Nam sang tham dự giải. Hàng loạt đoàn vận động viên Việt Nam từ các nước Ba Lan, Đức, CH Séc, Hungary, và gần gũi nhất là đoàn các tay vợt người Việt Nam từ các thành phố Kharkov, Odessa, và Kiev của Ukraine cũng nhiều năm liền tham dự giải. Cũng cần biểu dương CLB Neva của Chủ tịch Đào Đại Hải, đã nhiều năm liền song hành của ViTAR tổ chức giải ViTAR-Neva Open để bạn bè của ViTAR từ Việt Nam, CH Séc, Ban Lan, Đức biết tới Thủ đô phương Bắc cổ kính của nước Nga. Các hội viên ViTAR cũng tích cực tham gia giải tennis của người Việt ở châu Âu. Tennis đã trở thành sân chơi không chỉ để giao lưu mà còn gắn kết những người Việt Nam đam mê banh nỉ trên toàn thế giới.
Song hành cùng với những hoạt động thể chất phấn khích, ViTAR cũng có những hoạt động ý nghĩa hướng về Tổ quốc, trở thành cầu nối để lan tỏa, sẻ chia với các sự kiện của đất nước. Trong không khí sôi sục hướng về Hoàng Sa, Trường Sa trước tình hình Trung Quốc gây hấn, đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam, các giải ViTAR-Incentra Open Hè 2013 và 2014 đã gây quĩ ủng hộ biển đảo quê hương được 6.000 USD, góp một phần nhỏ bé cùng Chính phủ, nhân dân trong nước và kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2015, các thành viên ViTAR cũng quyên góp được 5.000 USD ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung.
Nói đến ViTAR cũng không thể không nhắc đến các mạnh thường quân hay các nhà tài trợ giúp giữ lửa cho các giải đấu. Trong số này có ông Hồ Sỹ Huy, nguyên Chủ tịch CLB tennis Sông La, hay Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra), Vietnam Airlines, và còn nhiều mạnh thường quân khác đã chung tay giúp thúc đẩy phòng trào yêu tennis của người Việt Nam tại LB Nga.
Những nỗ lực, hình cảm, tâm huyết của các tín đồ yêu tennis dành cho ngôi nhà chung ViTAR cũng giúp sản sinh ra một thế hệ các tennis thủ trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, sở hữu kỹ thuật tốt, cho đến nay đã bắt đầu giành được các thứ hạng cao trong hệ thống giải ViTAR. Trong số này có thể kể đến các thành viên CLB Future, trong đó có em Hồ Sỹ Hải Sơn là con trai ông Hồ Sỹ Huy, em Đỗ Khôi Nguyên con trai Chủ tịch CLB Sông La hiện nay Đỗ Cảng Hưng, hay em Ma Trương Hoàng Anh con trai ông Ma Văn Khoa.
Mười lăm năm là một chặng đường không dài cũng không ngắn, song với ngôi nhà ViTAR là vô vàn kỷ niệm thân thương, chân quí, cùng sự đùm bọc, đoàn kết để có thể viết lên một trang sử vẻ vang, đáng tự hào cho các tín đồ banh nỉ ở LB Nga.