Tham gia đoàn còn có đại diện lãnh đạo Hội Khmer – Việt Nam, Tỉnh hội Khmer – Việt Nam tỉnh Kampong Chhnang và Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Chúc Tết bà con kiều bào tại địa điểm tạm cư bên bờ sông thuộc ấp Chong Kok, phường Phsar Chhnang, thành phố Kampong Chhnang, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Đại sứ quán Việt Nam rất quan tâm, đã, đang và sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa nhằm góp phần hỗ trợ, giúp đỡ bà con kiều bào nghèo tại Campuchia, đặc biệt là bà con kiều bào nghèo trong diện phải di dời ở khu vực Biển Hồ có thể ổn định cuộc sống.
Đại sứ cho biết ủng hộ các nỗ lực trên, các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, như các doanh nghiệp cao su, sẵn sàng chào đón bà con đến tham quan, tìm hiểu để tính toán chuyển đổi nghề nghiệp. Đại sứ cũng kêu gọi và đề nghị bà con cần cố gắng hết sức, tạo điều kiện cho con em có thể đi học các trường của Campuchia khi lãnh đạo tỉnh đã khẳng định đã chỉ đạo các trường nhận con em kiều bào vào học tập. Như vậy, con em kiều bào mới có thể hòa nhập vào cuộc sống nước sở tại, thay đổi tương lai bản thân và các thế hệ sau này.
Đại sứ Vũ Quang Minh và các thành viên trong đoàn đã trao quà chúc Tết cho 1.000 hộ kiều bào nghèo tại điểm tạm cư ấp Chong Kok, phường Phsar Chhnang, thành phố Kampong Chhnang.
Theo chương trình, ngày 22/1, Đại sứ Vũ Quang Minh và đoàn sẽ tiếp tục đến chúc Tết và trao quà cho 500 hộ kiều bào nghèo tại điểm tạm cư thuộc huyện Kampong Tralach, Rolea Paea và Cholkiri.
Trước đó, cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang ông Chhua Chann Doeun (Chua Chăn Đươn), đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm và có những giải pháp tích cực, sớm giải quyết các khó khăn của bà con người gốc Việt trong diện bị di dời tại các điểm tạm cư của tỉnh Kampong Chhnang hiện nay.
Từ đầu tháng 10/2018 đến nay, chính quyền tỉnh Kampong Chhnang đã thực hiện kế hoạch di dời, nhằm giải tỏa các làng nổi trên Biển Hồ nhằm giải quyết ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản và giúp thay đổi cuộc sống không ổn định trên sông nước của bà con. Thực hiện kế hoạch này, hàng nghìn hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu, trong đó có người gốc Việt sinh sống trên các làng nổi đã phải di dời. Theo kế hoạch của tỉnh, đến tháng 6 tới, các hộ nuôi cá bằng bè mặc dù vẫn được nuôi cá trên Biển Hồ, nhưng phải chuyển đổi công năng của các nhà bè này thành bè chỉ để nuôi cá, việc sinh hoạt phải di dời lên cạn sinh sống.
Tỉnh Kampong Chhnang có khoảng 2.400 hộ dân người gốc Việt. Mặc dù sinh sống đã nhiều đời trên Biển Hồ, nhưng đa số bà con người gốc Việt này vẫn chưa được chính quyền công nhận là công dân Campuchia, chưa được cấp quốc tịch Khmer.