Đây là chuỗi chương trình tọa đàm được tổ chức 2 năm một lần, thành lập bởi 3 tổ chức tiêu biểu gồm: Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA).
Tiếp nối Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2019 và 2021, diễn đàn năm nay được kỳ vọng tiếp tục thành công với cột mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện với gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 tại Nhật Bản. Trong số này có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ, nhiều người đã học tập, nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản trong suốt 15 - 20 năm qua. Nhiều người thậm chí đã và đang có được vị trí quan trọng trong giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học uy tín hay các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Họ cùng với lực lượng trí thức trẻ, doanh nhân khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, trở thành những cây cầu nối quan trọng cho hợp tác hữu nghị hai nước.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng thông qua những thảo luận xoay quanh chủ đề “Dòng chảy thời đại – Hướng tới tương lai” của diễn đàn sẽ làm sáng rõ hơn nhu cầu hợp tác giữa hai nước trong các năm tới. Nền tảng hợp tác khoa học và công nghệ tốt đẹp trong các năm qua cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực vào việc tạo nên trụ cột phát triển mới trong quan hệ hợp tác hai nước: đó là hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong bài phát biểu gửi tới diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá các nội dung trao đổi về hợp tác đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam với Nhật Bản đều là chủ đề thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó dự đoán và đang tái cấu trúc lại thương mại và đầu tư. Theo Bộ trưởng, hoạt động của Diễn đàn Tri thức Việt Nam tại Nhật Bản nhận được sự ủng hộ rất lớn của các chuyên gia, tri thức và các chính trị gia Nhật Bản. Bộ trưởng nhận định đây là cầu nối ý nghĩa, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua cũng như trong tương lai
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết trong thời gian qua, thông qua các nghị quyết của Đảng, các cơ chế chính sách của Nhà nước luôn coi khoa học - công nghệ và đổi mới - sáng tạo là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Ông nhấn mạnh trí thức khoa học Việt Nam ở nước ngoài là một lực lượng không thể thiếu của nền khoa học - công nghệ Việt Nam. Ông đánh giá cao lực lượng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản luôn có những hoạt động thiết thực hướng về tổ quốc với nhiều tư vấn phản biện chính sách cũng như nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tổ chức nhiều diễn đàn để kết nối chia sẻ. Ngoài ra, đội ngũ trí thức, doanh nghiệp, nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã góp phần rất lớn trong việc hình thành, thiết lập, nâng cao, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong phiên thảo luận toàn thể xoanh quanh chủ đề 50 năm Việt - Nhật, Hiệu trưởng đại học Việt Nhật, Giáo sư Furuta Motoo đã có bài thuyết trình về 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và 50 năm nghiên cứu Việt Nam của giáo sư. Theo Giáo sư Furuta, ông chọn Việt Nam để nghiên cứu vì vào thời điểm đó chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất và dường như cả thế giới đang chuyển động với trung tâm là Việt Nam.
Năm 2016, Giáo sư Furuta được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đối với ông, việc trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật giúp phát triển giáo dục Việt Nam cũng chính là cách để trả ơn những thầy cô Việt Nam, bạn bè Việt Nam. Giáo sư nhấn mạnh tài sản quý giá nhất của ông là những người bạn Việt Nam và Việt Nam là một mối tình khắc cốt ghi tâm.
Đánh giá về quan hệ Việt - Nhật, Giáo sư cho rằng mấu chốt của tương lai quan hệ Nhật Bản - Việt Nam sẽ là việc hai nước có thực sự xây dựng được quan hệ “đối tác bình đẳng” hay không. Theo Giáo sư, với sự phát triển nhanh chóng hiện nay, Việt Nam không còn chỉ là một nước đang phát triển cung cấp nguồn lao động giá rẻ cho Nhật Bản mà đã có đủ những nền tảng và điều kiện để có được mối quan hệ “đối tác bình đẳng” song phương.
Phó Chủ tịch Hội tri thức Việt Nam tại Nhật Bản Trịnh Thành Luân cho biết năm 2023 là dấu mốc quan trọng để hai nước ôn lại quá trình phát triển quan hệ song phương, đó chính là dòng chảy lịch sử. Theo anh Luân, giới trẻ cần trân trọng lịch sử và hướng tới tương lai để đặt ra cho mình những kỳ vọng, nhìn ra những cơ hội để cùng nhau cố gắng. Phiên thảo luận toàn thể “Dòng chảy thời đại - Hướng tới tương lai” cũng đã quy tụ 6 diễn giả dựa trên 6 mốc thời gian trong 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mỗi diễn giả cách nhau khoảng 10 năm. Thông qua phiên toàn thể này, các đại biểu tham dự có thể đánh giá lại toàn bộ quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước trong 50 qua cùng như cơ hội và thách thức đặt ra hiện nay cho quan hệ hai nước và cho quan hệ cộng đồng người Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai.
Trong ngày 15/10, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2023 còn có nhiều hoạt động như Triển lãm Khoa học công nghệ và thương mại Việt Nam - Nhật Bản; Ra mắt Tuyển tập Khoa học công nghệ Việt Nam - Nhật Bản và 9 phiên thảo luận với 62 diễn giả tham gia về các chủ đề “Hướng đi cho người Việt Nam tại Nhật Bản”, Công nghệ vi mạch: Thách thức và Cơ hội cho Việt Nam trong định hướng hội nhập Thế giới Năng lượng xanh và Phát triển bền vững: Việt Nam và mục tiêu Net-Zero Emissions 2050...
Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về những cơ hội, thách thức mang tính thời đại cho sự phát triển của Việt Nam về kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đưa ra các bài toán phát triển bền vững cho Việt Nam, chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh hướng tới bảo vệ môi trường và tài nguyên, đồng thời đẩy mạnh các ngành khoa học có liên quan đến năng lượng tái tạo, chất lượng cao, sản xuất sạch và tiết kiệm tài nguyên.