Câu chuyện “tương thân tương ái” lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở Malaysia đã thu hút được sự tham gia của không ít doanh nghiệp, đặc biệt Tập đoàn Sơn KOVA thông qua Công ty Sơn KOVA Malaysia.
“Mình trao yêu thương sẽ nhận lại hạnh phúc”, tâm niệm ấy đã thôi thúc anh Nguyễn Như Hảo cùng những thành viên trong Ban Liên lạc người Việt tại bang Johor (Malaysia) rong ruổi trên xe mang hàng trợ giúp tới những người Việt gặp khó khăn trong mùa dịch COVID-19.
Cũng như các Ban Liên lạc người Việt ở Malaysia khác, thành viên Ban Liên lạc người Việt tại Johor trong tuần vẫn phải đến nhà máy, công trường làm việc hay bươn trải mưu sinh cùng cửa hàng tạp hóa. Cho nên trừ trường hợp cấp bách, công việc thiện nguyện chủ yếu thực hiện vào cuối tuần, khoảng thời gian mà đáng lý ra họ hoàn toàn có quyền dành cho gia đình.
Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và Malaysia trở thành một trong những nước có nhiều ca nhiễm bệnh nhất khu vực, Ban Liên lạc bận rộn hơn hẳn. Cùng với việc Malaysia tiến hành phong tỏa đất nước, áp dụng Lệnh Hạn chế đi lại (MCO) để phòng chống dịch, số người Việt Nam tại Malaysia bị ảnh hưởng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Johor, nơi tập trung nhiều lao động người Việt.
Để giúp đỡ các trường hợp khó khăn, thành viên Ban Liên lạc chia nhau, người đi vận động doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp, người ghi nhận các trường hợp cần cứu trợ… Tất cả số tiền quyên góp đều được các anh chọn sử dụng để mua gạo, trứng và mì tôm giúp các hoàn cảnh khó khăn. Những ai tham gia hoạt động phân phát hàng cứu trợ đều phải tự túc xe cộ, đi lại, ăn uống…
“Thật may mắn, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Đại sứ quán và trong khi Malaysia hạn chế đi lại, Đại sứ quán còn soạn thảo công hàm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động cứu trợ”, anh Hảo tâm sự. “Khoảng 1 tháng trước, chúng tôi đã trao hơn 60 phần quà và lần này, với sự trợ giúp của Tập đoàn Sơn KOVA dưới sự chỉ đạo của bà Chủ tịch Nguyễn Thị Hòe, chúng tôi tiếp tục trao hơn 200 phần quà, mỗi phần quà gồm 1 bao gạo, 1 thùng mì tôm và 1 vỉ trứng, tuy nhỏ, nhưng nhằm san sẻ khó khăn với những hoàn cảnh khó khăn”, anh Hảo cho biết thêm.
Nhận được hàng cứu trợ sáng 31/5, anh Lê Đình Việt 32 tuổi, ở Hà Tĩnh rưng rưng cảm động. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Malaysia, anh Việt cho biết anh sang Malaysia du lịch từ ngày 5/3, dự định về ngày 29/3, nhưng bị kẹt lại tới nay vì Malaysia phong tỏa đất nước từ ngày 18/3. Dù rất tằn tiện, nhưng những đồng tiền dắt lưng cũng dần hết, anh Việt may mắn gặp được nhóm công nhân người Việt ở Johor cho tá túc. Khi các nguồn cung cấp cạn kiệt, cũng không thể đi làm để kiếm sống qua ngày, anh Việt may mắn nhận được hàng cứu trợ tận nơi đang ở.
Chị Phạm Thị Dung, sinh năm 1984, quê ở Bắc Giang, là một trường hợp đặc biệt khó khăn. Rời quê sang Johor mưu sinh, chi Dung không ngờ mắc bạo bệnh. Ba tuần trước, chị Dung bị ốm liệt giường, tới nay, ăn uống, vệ sinh chủ yếu nhờ chị em lao động người Việt sống ở quanh đó. Nhận quà cứu trợ, chị Dung không nói lên lời, những dòng nước mắt cứ thế lăn dài trên má.
Đánh giá cao hoạt động của các Ban Liên lạc người Việt trên địa bàn trong mùa dịch COVID-19, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết từ khi dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát ở Malaysia, Đại sứ quán đã ra thông báo đề nghị công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc, du lịch trên địa bàn chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng đối với dịch bệnh. Sau đó, Đại sứ quán nhanh chóng phân công cán bộ liên hệ với đầu mối thông tin cũng như nhóm từ thiện tại các địa phương của Malaysia để xác minh và nắm tình hình. Khi có thông tin bước đầu, Đại sứ quán phát động phong trào quyên góp bằng cách gửi thư kêu gọi cộng đồng người Việt chung tay đóng góp, hỗ trợ, cứu giúp người gặp khó khăn. Tới nay, hàng trăm trường hợp khó khăn ở Kuala Lumpur, Kuantan, Penang, Johor… đã được cứu giúp.
Theo Đại sứ Lê Quý Quỳnh, sự ủng hộ, quyên góp có thể giá trị không giống nhau và được thực hiện theo những cách khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa lớn lao, bởi đó là những nghĩa cử cao đẹp mang đầy tính nhân văn, ấm tình người. “Cho yêu thương nhận lại yêu thương là món quà tinh thần vô giá. Tôi mong muốn những hành động trân quý đó xuất hiện ngày càng nhiều để người Việt trên địa bàn thực sự trở thành cộng đồng đoàn kết, tương thân tương ái”, đại sứ Lê Quý Quỳnh bày tỏ.