Người Việt ở Nga đón Tết Tân Mão: Nỗi lo quanh bàn tiệc

Người Việt ở nước ngoài thường đón năm mới 2 lần theo lịch dương và lịch âm, và người Việt ở Nga cũng "vui Xuân" 2 lần trong một năm, đón Năm Mới (Dương lịch, kết hợp đón Giáng sinh) là chủ yếu, còn ăn Tết (Âm lịch) là phụ.

Người Việt tại Nga đốt pháo hoa đón Năm Mới trong khu vườn nhà 45, đại lộ Lenin ở thủ đô Mátxcơva.


Quanh năm tất bật mưu sinh nên người Việt ở Nga phải chạy theo "nếp sinh hoạt" của người bản địa. Mấy năm nay, dân Nga được nghỉ Năm Mới tới 10 ngày (từ 1 đến 10/1). Lý do thật đơn giản - 3 ngày nghỉ Năm Mới, 1 ngày nghỉ Lễ Phục sinh của người Xlavơ (7/1) và hai kỳ cuối tuần. Nếu các ngày nghỉ này trùng vào cuối tuần thì được nghỉ bù. Dân Nga chỉ ăn Tết tây mà không ăn Tết ta, vì vậy, bà con ta có nghỉ để đón Tết ta thì cũng chỉ "bỏ chợ" 1-2 ngày, ít có người nghỉ tới 3 ngày vì "tiếc của".

Trong bối cảnh tiền thuê chỗ bán hàng và các loại thuế phải đóng lên tới hàng chục nghìn USD/tháng thì nghỉ một ngày coi như "đốt ít nhất một vài nghìn USD", làm sao mà ngồi yên ăn Tết được.

Khi Tết Tân Mão còn cách cả tháng, người Việt, người Hoa và người các nước khác đã bàn tán xôn xao về quyết định của chính phủ Nga từ ngày 1/1/2011 sẽ cấm người nước ngoài bán lẻ tại các kiốt và các chợ nằm ngoài siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Có người tự an ủi rằng chính phủ Nga cuối năm 2006 cũng đã có quyết định tương tự, nhưng sang năm 2007 và cho đến nay vẫn không thực hiện được chủ trương cấm người nước ngoài bán lẻ.

Lễ đón Năm Mới 2011 của một nhóm cộng đồng người Việt tại Nga.

Tuy nhiên, đại đa số ý kiến đều thiên về hướng ngược lại. Bằng chứng là cuối năm 2010, ngay tại thủ đô Mátxcơva, tân Thị trưởng Sergey Sobyanin đã cho dỡ bỏ một loạt kiốt "mất mỹ quan" thuộc 7 quận trong thành phố, thậm chí đã ra lệnh đóng cửa khu chợ Emeral có hơn 400 tiểu thương người Việt bán lẻ và cư ngụ hàng ngày. Ở tận thành phố Cadan thuộc miền nam nước Nga, khu chợ của công ty Vitarus cũng bị tạm đóng cửa. "Lần này có vẻ như chính quyền làm rất quyết liệt, chớ có chủ quan mà “mất cả chì lẫn chài" như đợt đóng cửa khu "Chợ Vòm" - anh H, một tiểu thương quê Nam Định từng nhiều năm lao động hợp tác quốc tế khi Liên Xô còn tồn tại và ở lại "lăn lộn" với thị trường Nga sau những năm 1990 đến nay, cảnh báo.

Dạo một vòng quanh các chợ "Mátxcơva" (người Việt quen gọi là Liublino), "Sadovod" (chợ Chim), "Lugiơniki" (chợ Sân vận động)..., ở đâu chúng tôi cũng nhận thấy ánh mắt lo âu của bà con tiểu thương ta. Không ít người hỏi chúng tôi "Các nhà báo ơi, có tin gì khả quan hay không?", "Liệu bà con có cơ hội gì trong Năm Mới hay không? "... Chúng tôi cũng không biết trả lời bà con ta ra sao, bởi vì Nga nghỉ Năm Mới tới 10 ngày và chỉ đi làm sau ngày 11/1. Như vậy, đến thời điểm đó thì "bức tranh chợ bán lẻ" mới dần dần hiện rõ.

Chị L, một người được tiếng khá tháo vát trên thương trường, cũng phải than thở: "Chợ ế thế này mà hàng tồn kho thì cả đống, nếu sang năm phía Nga cấm người nước ngoài buôn bán thì chúng tôi biết xoay sở ra sao đây! Làm cách gì để giải phóng hàng tồn đọng và điều quan trọng nhất là không còn cơ hội sinh nhai trong khi các cháu nhà tôi vẫn phải tiếp tục học đại học và phổ thông ở đất khách quê người, chưa kể người thân ở Việt Nam cũng mất đi nguồn hỗ trợ đáng kể về tài chính".

Ở những quầy hàng bán đồ may mặc xem ra ít khách ra vào hơn vào những ngày cuối năm, bởi vì dân Nga náo nức đi mua sắm quà mừng và hàng tiêu dùng cho Năm Mới, là chủ yếu. Chính vì vậy, những quầy bán cây thông và các loại đèn màu trang trí, đồ chơi, quà lưu niệm... đều chật kín người. Tết ta chưa đến nhưng chúng tôi đã thấy mứt hộp các loại, giò chả, bánh chưng, hàng ngũ quả... đưa từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan sang, bày bán rất nhiều. Riêng loại gạo thơm của Thái Lan thì hết nhẵn. Hỏi ra mới biết khâu hải quan "trục trặc", hàng không về, các gia đình tranh nhau vét sạch nên các quầy hàng khô giờ chỉ có gạo thường bán, đa số là gạo nhập từ Việt Nam.

Dân ta ở Nga đón Xuân theo cách "sinh hoạt ở đâu thì vui đó". Tại những "ốp" (kí túc xá) có đông sinh viên hoặc tiểu thương người Việt như "ốp trường MIIT" (Đại học Giao thông đường sắt), "ốp MADI" (Đại học Giao thông đường bộ), "ốp MESI" (Đại học Kinh tế), "ốp RUDN" (Đại học Hữu nghị các dân tộc), "ốp giày", "ốp An Đông" và "ốp Mekong" ở Mátxcơva, các "ốp" tương tự ở Ecaterinburg, Kazan, Krasnodar, Rostov và Pyatigorsk...,


Ban quản lý lưu học sinh hoặc Ban quản trị "ốp" thường tổ chức họp mặt đầu Xuân, phát quà cho các cháu, liên hoan văn nghệ... vào chiều 30/12. Những gia đình thuê "Kva" (căn hộ) của người Nga thì thường rủ nhau tụ tập vào một nơi để đón Tết. Những gia đình ở các khu nhà ở thuê của Cục Phục vụ ngoại giao đoàn thuộc Bộ Ngoại giao Nga, thường mừng Xuân theo "nhóm bạn chơi".

Trước hoặc sau khi quây quần bên mâm cỗ, họ hay rủ nhau ra "đồi Lenin" (nay là đồi Chim Sẻ) hay ra Quảng trường Đỏ chụp ảnh lưu niệm, cho trẻ em đốt pháo và xem bắn pháo hoa. Trong bối cảnh nạn đốt pháo gây nhiều tai nạn đáng thương trong những năm qua, chính quyền Nga vừa siết chặt quy chế kinh doanh pháo, vừa cảnh báo các bậc cha mẹ không cho trẻ nhỏ nghịch và đốt pháo.


Đã trở thành thông lệ, trong chiều tối Giao thừa, Đại sứ quán nước ta tổ chức cho cộng đồng và các gia đình trực thuộc cơ quan đại diện "ăn Tết" sớm để họ còn kịp về "cúng Giao thừa". Ngoài những món ăn truyền thống của Việt Nam, nổi bật là bánh chưng xanh, hành muối và giò chả, chương trình liên hoan văn nghệ "cây nhà lá vườn" luôn được tổ chức và hưởng ứng nhiệt liệt, làm cho bà con tạm quên đi nỗi nhớ quê hương và người thân vào dịp Xuân về.

Xuân 2011 chưa gõ cửa, nhưng cảnh chen chúc máy bay về Việt Nam đã trở nên nhức nhối. Rất nhiều bà con ta có bố mẹ già ở quê, hoặc để con cái cho ông bà trông nom trong khi “bôn ba xứ Tuyết' nên thường tranh thủ "sum họp" vào ba ngày Tết.


Vì vậy, giá vé máy bay khứ hồi đầu tháng 11 mới khoảng 800 - 900 USD, sang tháng 12 đã vọt lên trên 1.300 USD. Đã thế, mấy ngày có mưa băng khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn, hàng chục nghìn hành khách rơi vào cảnh "ăn chực, nằm chờ" ở hai sân bay quốc tế chính là Sheremetievo và Domodedovo, nên nhu cầu đi lại càng trở nên cấp thiết hơn. Có người có vé rồi, nhưng ra sân bay đến 2 - 3 lần mà vẫn chưa được làm thủ tục để "cất cánh". Đã xảy ra trường hợp máy bay của Vietnam Airlines không xuống được sân bay

Domodedovo nên phải hạ cánh xuống sân bay Vnukovo, khiến hàng trăm hành khách lẫn người đi tiễn - đi đón phải lội tuyết, vượt băng tới địa điểm mới và khiến máy bay phải cất cánh chậm tới 6 - 7 tiếng. Ngày 26/12/2010, khi mưa băng làm mất điện khu sân bay Domodedovo trong 10 tiếng liên tục, những hành khách không có xe nhà, phải viện đến dịch vụ "tắcxi", thường phải trả 300-400 USD cho một chuyến đi thông thường chỉ mất tối đa 50 USD. Hàng chục nghìn con người bị "nhốt" trong gian nhà của sân bay trong cảnh tối mịt và thiếu thốn đủ thứ nên rất nhiều người đành phải "gật đầu" chấp nhận cái giá "cắt cổ".

Mỗi khi Tết đến là mọi dịch vụ điện thoại gọi về Việt Nam "tắc tịt", đặc biệt từ khoảng 18 giờ (giờ Mátxcơva, tức 22 giờ giờ VN) của đêm Giao thừa. Hàng chục nghìn người đua nhau gọi điện chúc mừng người thân, bạn bè. Ở nơi xa, ai cũng muốn vào giây phút trọng đại của một năm được nói vài lời với người thân. Vào 20 giờ (24 giờ Hà Nội) trở đi, toàn bộ các mạng di động và điện thoại đều gần như ngừng hoạt động do quá tải.

Tết Tân Mão sắp về mà mối lo liên quan đến tương lai buôn bán sau ngày 1/1/2011 chưa được giải tỏa. Tâm trạng day dứt đó đang bao trùm bên mâm cỗ của người Việt ở thủ đô Mátxcơva cũng như tại hầu hết các tỉnh, thành lớn của LB Nga. Mong sao, năm Tân Mão này cộng đồng người Việt tại Nga vượt qua được những khó khăn trước mắt để tiếp tục làm ăn, sinh sống trên mảnh đất đã quá gắn bó này, để lại có những cái Tết tươi vui hơn.

Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN