Mới đây, gần 500 sinh viên Việt Nam đến từ 43 trường đại học thuộc 10 thành phố khác nhau của LB Nga đã "hòa mình" trong một sự kiện qui mô lớn đầy ý nghĩa - trại hè "Obninsk Sumer Camp 2016" lần thứ nhất mang tên "Sáu năm một chặng đường". Chương trình do BCH Liên chi đoàn thành phố Obninsk tổ chức nhân khóa sinh viên đầu tiên học chuyên ngành hạt nhân tại Obninsk phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 xây dựng tại Việt Nam tốt nghiệp mùa hè này.
Điều làm tôi ấn tượng tại trại hè là mọi việc tổ chức, lập chương trình đều do chính các sinh viên Obninsk xây dựng và thực hiện. Họ tham gia từ công tác tổ chức, vận chuyển, bếp núc, tổ chức các trò chơi, đóng kịch, biểu diễn văn nghệ, hoạt náo viên, hay điều khiển "Vũ hội sắc màu" trẻ trung. Điều có thể rút ra từ trại hè đó là ngoài việc hấp thụ được một lượng kiến thức lớn, sinh viên chuyên ngành hạt nhân Obninsk đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về các kỹ năng xã hội.
Nguyễn Trị, sinh viên năm thứ 5 Đại học Tổng hợp Nghiên cứu hạt nhân quốc gia (MePhi) chi nhánh Obninsk, đơn vị trưởng đơn vị lưu học sinh Obninsk sẽ ra trường trong mùa hè này cho biết: "Đi qua học trường MePhi này là sự may mắn. Ở đây bọn em thứ nhất là khóa sinh viên đầu tiên nên được nhà trường, được thày Phó hiệu trưởng quan tâm, tạo điều kiện cho học tập và nghiên cứu và tạo điều kiện ăn ở.
Cuộc sống sinh hoạt cũng rất thuận lợi. Bọn em năm thứ 4 cũng được đi thực tập tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, được trực tiếp thực hành trên phòng điều khiển của nhà máy. Có những bài học về các tình huống, sự cố xảy ra phải điều chỉnh như thế nào để nhà máy từ lúc khi thông số thay đổi liên tục trở nên ổn định, duy trì nhà máy, chuyển nhà máy vào trạng thái hoạt động bình thường. Những bài học đó rất bổ ích dù chúng em ở đó chỉ 2 tuần".
Sinh viên chuẩn bị công tác hậu cần. |
Phạm Văn Tuyên, sinh viên năm thứ 5 Đại học Tổng hợp Nghiên cứu hạt nhân quốc gia (MePhi) chi nhánh Obninsk thì cho biết: "Học tập bọn em được đảm bảo rất đầy đủ, rồi các phòng thí nghiệm, trang bị rất hiện đại, tiên tiến nhất. Các thầy cô giáo thường là những người tâm huyết với nghề, những người từng làm ở nhà máy điện về.
Ngoài hoạt động học tập, chúng em có hoạt động ngoại khóa như các hoạt động thể dục thể thao, nướng thịt... những lúc giải trí hay thời gian rảnh bọn em sống rất thoải mái. Rồi những người dân xung quanh cũng rất thân thiện, rất tốt, rất nhiệt tình giúp đỡ bọn em".
Phạm Đình Thắng, sinh viên năm thứ 4 Đại học Tổng hợp Nghiên cứu hạt nhân quốc gia (MePhi) chi nhánh Obninsk nhận xét: "Phía Nga tạo điều kiện rất tốt, gần như là tốt nhất cho sinh viên Việt Nam mình. Để tiếp cận được công nghệ điện hạt nhân của họ, sinh viên chúng em ngay từ năm thứ III đã được học vào chuyên ngành điều khiển lò (phản ứng). Năm thứ IV được đi thực tập. Nghỉ hè các năm luôn được nhà trường tạo điều kiện đi thăm các nhà máy. Năm thứ 5, nguyên 3 tháng hè sinh viên sẽ được thực tập tại nhà máy. Làm việc tại mô hình 1:1 , tức là giống y như thật so với nhà máy đã được xây. Cho nên sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường gần như được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể điều khiển nhà máy".
Hiệu phó Đại học tổng hợp Nghiên cứu hạt nhân quốc gia (MePhi) chi nhánh Obninsk, ông Evgeni Churkin phát biểu: "Các sinh viên Việt Nam rất tích cực trong cuộc sống của mình, không chỉ học tập, mà còn tham gia nhiều sự kiện sáng tạo, các sự kiện thể thao, những sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt tổ chức. Thật thú vị vì các em đã hội nhập vào cộng đồng sinh viên của chúng tôi. Sự kiện cắm trại đang diễn ra tại đây là nhờ sự tích cực của các em sinh viên vì họ đã đưa ra các đề xuất, hình thành ý tưởng, tổ chức. Đương nhiên trại hè này nhận được sự trợ giúp của Ban quản lý trường MePhi song điều này cũng là nhờ nhiệt huyết của các em".
Với những gì đã thấy, quả thực thế hệ sinh viên hạt nhân trưởng Mephi đã có những bước trưởng thành vượt bậc, và đây là sẽ bệ phóng tốt cho các em tự tin khi trở về Việt Nam góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.