Là những sinh viên Việt Nam đầu tiên học ngành năng lượng nguyên tử tại Nga nên các em được chính quyền địa phương, Đại sứ quán nước ta và nhiều ban ngành trong nước dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Và có lẽ các em xứng đáng nhận được sự quan tâm đó do đặc điểm của ngành nghề và nơi theo học. Nhóm các em có 30 người, 26 nam và 4 nữ, tuổi đời 19-20, quê quán trải dài theo đất nước, từ Quảng Ninh lên Gia Lai và đến tận Bạc Liêu.
Điểm dừng chân của các em trên đất Nga là thị trấn nhỏ Obninsk thuộc tỉnh Kaluga, cách Mátxcơva 120 km về phía tây nam. Mặc dù nằm gần xa lộ Kiev (từ Mátxcơva đi Ucraina) và cách thủ đô nước Nga không xa, nhưng Obninsk vẫn được coi là "thành phố cấm" đối với người nước ngoài bởi nơi đây bố trí
Học viện năng lượng nguyên tử (OIATE) trực thuộc Viện nghiên cứu hạt nhân quốc gia (NIYAU - "MIFI") cùng Học viện trung tâm về nâng cao tay nghề (CIPK) của ngành năng lượng nguyên tử Nga.
Nhóm sinh viên năng lượng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Nga và các thầy cô giáo Nga. |
Các em được bố trí ở tại nhà khách của CIPK nằm trên con phố mang tên Kurchatov, "cha đẻ" của ngành năng lượng hạt nhân Nga. Nhà khách CIPK giống với khách sạn 3 sao và nhóm sinh viên Việt Nam được bố trí ở một nửa tầng hai với các căn phòng khép kín, mỗi phòng có 2-3 em.
Ngoài các căn phòng xinh xắn được sửa chữa mới hoàn toàn, "Khu SV Việt Nam" còn có phòng họp-giải trí với chiếc máy thu hình cỡ lớn, các salon và mạng Internet phục vụ học tập-sinh hoạt.
Vì là những ngày đầu xuân 2011 nên chúng tôi thấy có cả một cây thông lớn với đầy đủ đèn-hoa nhiều mầu sắc bố trí ngay trong phòng. Ở cuối hàng lang, chúng tôi thấy có thêm một phòng học lớn để các em có thể "dùi mài kinh sử" ngoài giờ lên lớp, còn đối diện là nhà bếp tập thể với các bếp điện, bồn rửa và đầy đủ bàn ghế ăn cho hàng chục người.
Trong các năm 2012-2013 tới, OIATE sẽ đón tiếp thêm mỗi năm 30 sinh viên Việt Nam nên phía bạn đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn-ở cho các "sứ giả đầu tiên" của ngành năng lượng hạt nhân non trẻ của nước ta.
Các em được phân ra 5 lớp học tiếng Nga, còn đầu năm 2011 sẽ học các môn tự nhiên theo 2 nhóm. Vì là ngành học mang tầm quan trọng chiến lược nên OIATE chỉ nhận những học sinh khá và giỏi trở lên.
Chính vì vậy, hàng năm có tới 15% số sinh viên Nga phải rời trường do không bảo đảm chất lượng học tập. Ban giám hiệu OIATE cũng đã thông báo với phía Việt Nam rằng trường sẽ không áp dụng bất kỳ ngoại lệ nào cho sinh viên nước ngoài khi thực hiện quy định này.
Sau năm học dự bị, các em sẽ phải hàng ngày "tới trường" cách đó 3-4 km, tít tận "trong rừng sâu".
Chúng tôi cùng hai đại diện Phòng công tác lưu học sinh thuộc Đại sứ quán nước ta tới Obninsk với sứ mệnh xem xét nơi ăn, chốn ở, điều kiện học tập và nghe những đề nghị ban đầu của các em.
Đón chúng tôi có đầy đủ 29 em (một em đã phải về nước vì lý do sức khỏe) và cô giáo chủ nhiệm Tachiana Solovieva. Về việc học tập của các em, cô giáo Solovieva vui vẻ khen: "Thời sinh viên tôi được học cùng một số bạn Việt Nam theo ngành sư phạm nên biết họ rất chăm chỉ và thông minh.
Rất mừng là lớp trẻ Việt Nam ngày nay vẫn gìn giữ và phát huy tốt truyền thống hiếu học đó. Các em đi học chăm chỉ, làm bài đầy đủ và chấp hành tốt nội quy của nhà trường. Ngay cả quy định phải về nhà trước 23 giờ đều được các em thực hiện răm rắp.
Nhiều em có kiến thức tự nhiên rất tốt, trình độ tin học cao và biết cả tiếng Anh, điều kiện thuận lợi khi học ngoại ngữ, kể cả tiếng Nga khác hệ. Tôi và nhiều đồng nghiệp coi các em như con cháu trong nhà. Cả 5 thành viên lớp do tôi làm chủ nhiệm đã không chỉ một lần là khách quý của gia đình tôi".
Tham tán kiêm Trưởng phòng công tác lưu học sinh của Đại sứ quán nước ta, ông Trương Duy Phúc thông báo, sang Năm Mới, học bổng của các em sẽ được tăng thêm 20% (hiện tại là 350 USD/tháng) và ngành năng lượng Việt Nam đang nghiên cứu khả năng trợ cấp thêm cho "các sứ giả năng lượng hạt nhân đầu tiên" của đất nước.
Hỏi thêm về nguyện vọng hay lời nhắn nhủ gia đình-người thân trong nước, các em chỉ đồng thanh nói rằng mặc dù rất nhớ nhà, nhưng tất cả đều quyết tâm học giỏi để sau này về phục vụ tốt cho các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga)