Cùng với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước châu Âu, cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc đưa hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa và con người Việt Nam đến với nhân dân nước sở tại, tạo cầu nối và tăng cường mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước châu Âu, nhất là quan hệ về kinh tế, thương mại, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 36-CT/TW ban hành năm 2004 và Chỉ thị 45-CT/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc gắn bó giữa cộng đồng người Việt với quê hương đất nước, tạo thêm sức mạnh cho cộng đồng hội nhập sâu và tạo được vị thế với nước sở tại.
Kể từ khi được thành lập ngày 29/10/2016, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại và đối nội hiệu quả trên địa bàn, góp phần tạo nên một cộng đồng người Việt đoàn kết, có vị thế tại các nước cũng như trên toàn châu Âu. Trong 4 năm qua, theo lời mời của Nghị viện châu Âu, Ban chấp hành Liên hiệp hội đã hai lần thăm Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ (12/2016) và Strasburg, Pháp (12/2018), làm việc và giao lưu với các nghị sỹ châu Âu thân thiết với Việt Nam để triển khai các công tác đối ngoại.
Để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng và trao đổi kinh nghiệm hoạt động hội đoàn, Liên hiệp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, chủ động gặp gỡ và báo cáo tình hình cùng các kiến nghị của cộng đồng người Việt với các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm châu Âu, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Cộng hòa Séc (4/2017) và Cộng hòa Pháp (8/2019); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Cộng hòa Áo (10/2018) và Cộng hòa Séc (4/2019); Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm Cộng hòa Séc (10/2019)...
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu chia sẻ những "dấu mốc" quan trọng trong 4 năm qua là những hoạt động hướng về quê hương đất nước, văn hóa, thể thao... với quy mô khu vực được tổ chức thành công với sự phối hợp của cộng đồng ở nhiều nước, tạo ra sự lan tỏa xã hội, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nổi bật trong số đó là việc tổ chức thành công Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 tại Praha (CH Séc), năm 2019 tại Vácsava (Ba Lan) với sự tham dự của trên 2.000 kiều bào tại 19 nước châu Âu; Cuộc thi “Áo dài phu nhân toàn châu Âu" năm 2018; Giải bóng đá cộng đồng Việt Nam toàn châu Âu tại Hungary năm 2019; Trại hè thanh niên sinh viên toàn châu Âu được tổ chức tại Séc, Hungary, Hà Lan...
Ông Thắng cũng cho biết cộng đồng Việt Nam tại các nước luôn đề cao việc bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, nhất là các thể loại văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận như hát Xoan, Quan họ, ca trù, chèo… Một trong các hoạt động luôn được cộng đồng quan tâm và hưởng ứng tích cực là duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng Việt, đặc biệt là đối với con em thế hệ thứ hai, thứ ba
Tại các nước Trung - Đông Âu, đa số trong cộng đồng người Việt là những người được đào tạo chuyên môn cao, sang học nghề, hợp tác lao động... nay ở lại làm ăn sinh sống và định cư lâu dài. Họ là những người cần cù, chịu khó, tuân thủ luật pháp, ngày càng hội nhập tốt, có vị thế và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, đồng thời luôn mang tình cảm thiết tha đối với quê hương đất nước.
Trong đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary... đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng chỉ sau vài ngày phát động, phối hợp chặt chẽ với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các địa phương trong công tác hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào trong nước, mặc dù bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, mất thu nhập do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu.
Riêng tại Ba Lan, Hội người Việt Nam đã thành lập Ban điều hành quyên góp và thường xuyên bàn bạc, cập nhật thông tin theo hình thức trực tuyến để đề ra các phương án phù hợp. Hội cũng thành lập đoàn công tác trực tiếp đi thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho một số trường học, sửa chữa cầu đường ở một số địa điểm tại 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, tâm sự: “Đã là người Việt Nam, thì dù có ở phương trời nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn tự hào về đất Việt của mình. Và đặc biệt, mong muốn bạn bè trên toàn thế giới, hiểu biết nhiều hơn về quê hương Việt Nam thân yêu. Những năm gần đây, người dân Séc nói riêng và châu Âu nói chung ngày càng quan tâm và hiểu rõ hơn về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Tất cả những hoạt động quảng bá, kết nối đã minh chứng về tình yêu quê hương đất nước, mà chúng tôi luôn luôn khẳng định và tự hào: Chúng tôi là người Việt Nam!“.
Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc đang nỗ lực để hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, chất lượng hơn, lao động làm ra của cải cho chính gia đình mình và cho sự phát triển kinh tế - xã hội Séc, đồng thời giữ gìn hình ảnh "một dân tộc thiểu số mẫu mực trong 14 dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc", như đánh giá của Tổng thống Séc Milos Zeman. Trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, người Việt đã chung tay với chính phủ và nhân dân Séc đẩy lùi dịch bệnh, khởi đầu bằng việc may và tặng hàng trăm nghìn khẩu trang, hỗ trợ vật tư y tế, vật dụng thiết yếu với tổng trị giá trên 5 triệu Korun (hơn 5 tỷ đồng).
Tại Hungary, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở đây ngày càng lớn mạnh, vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng ngày càng được nâng cao. Theo Tiến sĩ Phùng Kim San, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary, phần lớn bà con đã có địa vị pháp lý, đời sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, có tiềm lực về kinh tế và trình độ khoa học - kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Slovakia, Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải cho rằng Nghị quyết 36-CT/TW đã làm cơ sở đoàn kết dân tộc, gắn bó người Việt Nam trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài, bởi dù ở đâu, người Việt vẫn đau đáu tình cảm yêu quê hương và tinh thần dân tộc. Ông cũng hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn chỉnh chính sách thu hút nhân tài, trí thức doanh nhân kiều bào, nhất là thế hệ trẻ có nhiều điều kiện ngày càng gắn bó với cội nguồn, kịp thời nêu gương những người Việt Nam ở nước ngoài đã làm rạng danh dân tộc, chú trọng đưa tiếng Việt và văn hóa Việt đến với lớp trẻ để tăng thêm hiểu biết và tình yêu quê hương đất nước.
Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc và luôn hướng về quê hương đất nước là tâm niệm từ trong mỗi trái tim người Việt ở nước ngoài. Đối với họ, Tổ quốc là cội nguồn, nên họ luôn luôn hướng về người thân nơi quê nhà, hướng về biên giới, biển đảo thân yêu, chia sẻ với những nạn nhân chất độc da cam hay những đồng bào trong nước gặp khó khăn. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các chủ trương chính sách đã được ban hành, nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho kiều bào đã được tổ chức, tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng người Việt xa quê hương, gắn kết người Việt ở bất kỳ nơi đâu. Đây cũng là động lực quan trọng để các hội đoàn người Việt ở ngoài nước phát triển, lớn mạnh với những hoạt động ngày càng thiết thực và hiệu quả.