Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2014, tức ngày thành lập Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam, nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được tổ chức rộng khắp ở CH Séc, nơi có đông người Việt sinh sống. Các hoạt động kỷ niệm diễn ra dồn dập vào những ngày cuối tuần, từ 17 đến 19/10, vô hình trung trở hành các sự kiện hướng về cội nguồn và tôn vinh văn hóa Việt.
Nét "duyên dáng Thu" của CLB Phụ nữ An Đông (nguồn ảnh: Ngọc Mai). |
Chị Hoàng Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại CH Séc, cho biết: "Hằng năm hầu hết các CLB phụ nữ ở các địa phương đều tổ chức Ngày Phụ nữ Việt Nam dưới những hình thức và quy mô khác nhau. Năm nay một vài CLB không tổ chức ngày của giới mình ở quy mô lớn là vì mới đây họ đã tiến hành đại hội hay làm nòng cốt trong các sự kiện lớn của cộng đồng.
Theo quy định của Hội, Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Praha, còn các CLB tiến hành các sự kiện chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tại địa phương mình".
Năm nay CLB Phụ nữ An Đông (Praha 10) tổ chức kỷ niêm Ngày Phụ nữ Việt Nam một cách hoành tráng. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ của chị em chợ An Đông, CLB Phụ nữ Hoa Hồng, CLB Phụ nữ Hương Việt, CLB Phụ nữ Kladno (Klátnô)... là các trò đố vui, thi nữ công gia chánh. Tiết mục được chăm chút nhất là màn múa hát "Một thoáng quê hương" với sự tham gia của các chị em ở chợ An Đông và con em của họ thể hiện.
Chị Phạm Thanh Hương, Chủ tịch CLB Phụ nữ An Đông, cho biết, CLB tập hợp 106 chị em đang buôn bán ở chợ An Đông và khu vực lân cận, là nơi chị em chia sẻ buồn vui sau những ngày bươn trải trên thương trường, cùng nhau tổ chức sinh nhật, đi tham quan, làm từ thiện, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái để thế hệ thứ hai không trở thành "người Séc mang ngoại hình Việt"...
"Một thoáng quê hương" tại chợ An Đông, Praha. (nguồn ảnh: Ngọc Mai). |
Hội Phụ nữ Việt Nam tại CH Séc là thành viên của Hội Người Việt Nam và là một đoàn thể xã hội rất mạnh. Hội có 27 CLB trực thuộc, nơi ít nhất có gần 50 chị em, nơi nhiều nhất có 200 hội viên. Các CLB thường mang những cái tên dịu dàng như Hương Việt, Hoa Hồng, Hương Sen, Mây Trắng...
Ngoài các sự kiện đặc thù của phụ nữ thì các CLB còn tham gia tích cực, thậm chí là người chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động lớn của cộng đồng như Tết Thiếu nhi 1/6, lễ hội Rằm Trung Thu, các đêm văn nghệ của các hội đoàn. Đặc biệt, các CLB Hương Việt, Hoa Hồng ở Praha thường được Hội Người Việt Nam giao trách nhiệm tham gia các hoạt động đối ngoại như Liên hoan các sắc tộc thiểu số, Ngày hội nhập, Lễ hội ẩm thực, Ngày Văn hóa Việt Nam tại CH Séc... Một số lượng không nhỏ hội viên phụ nữ đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các chi hội người Việt, hội đồng hương, Hội Phật tử và các chi hội Phật tử tại địa phương, làm trụ cột trong các tổ chức từ thiện.
Những món ăn đoạt giải cao trong cuộc thi nữ công gia chánh của CLB Phụ nữ An Đông. (nguồn ảnh: Ngọc Mai) |
Do đặc thù mô hình kinh doanh của người Việt ở CH Séc mà phụ nữ thường nắm vai trò kinh tế chính. Điều này diễn ra trong vài chục năm nay khiến cho các chị em trở nên năng động, không bị phụ thuộc vào nam giới. Tuy nhiên, không vì thế mà chị em lơ là vai trò làm vợ, làm mẹ. Cuộc sống ở nơi xa quê hương còn đặt lên vai người mẹ chức năng giữ gìn và truyền lại tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau vốn được sinh ra và lớn lên ở Séc.
Mỗi khi gặp gỡ các chị em lại trao đổi với nhau kinh nghiệm hay như quy ước chỉ nói tiếng Việt trong gia đình, tổ chức lớp học tiếng Việt, đưa con về thăm ông bà vào dịp hè hằng năm, đăng ký cho trẻ tham gia các hoạt động trại hè của cộng đồng, thường xuyên chuẩn bị trong gia đình những bữa cơm thuần Việt, hướng dẫn cho con cách thức cúng giỗ, khấn vái tổ tiên, thắp hương tại gia hay tại các ngôi chùa, niệm Phật đường vào các ngày rằm, ngày đầu tháng Âm lịch, dự lễ Vu Lan, Phật Đản...
Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Praha)