Về vấn đề này, báo Tin tức xin thông tin như sau:
Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp: Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.
Đồng thời khoản 4 và khoản 5 điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định:
Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Theo căn cứ trên thì thế chấp sẽ không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý. Như vậy bạn sẽ không được bán nhà đất nếu không được ngân hàng đồng ý.
Nếu được ngân hàng đồng ý, bạn có thể thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc, lãi của khoản vay, thực hiện thủ tục giải chấp lấy sổ đỏ ra từ ngân hàng. Ngân hàng sẽ trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bên bán để bên bán giao cho bên mua.
Thông thường, khoản tiền trả cho ngân hàng là khoản của bên mua ứng ra. Vì vậy trước khi nộp tiền cho ngân hàng, việc ứng tiền trước giữa bên bán và thông thường các bên sẽ ký kết hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất sau khi được giải chấp.
Trong trường hợp bên vay thay thế biện pháp bảo đảm hoặc đưa một tài sản khác vào bảo đảm cho khoản vay và rút sổ đỏ ra để thực hiện giao dịch mua bán.
Sau khi bên vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng hoặc thay thế biện pháp bảo đảm tài sản bảo đảm như nêu trên, ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ, ra thông báo giải chấp và chủ sử dụng đất thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục với ngân hàng, hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng. Bên bán và bên mua cần chuẩn bị chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, xác nhận tình trạng hôn nhân như giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn), trích lục ly hôn và sổ đỏ của ngôi nhà sẽ chuyển nhượng.
Công việc tiếp theo là nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhà đất tại chi cục thuế quận, huyện nơi có bất động sản, rồi đến bộ phận một cửa tại Phòng đăng ký đất đai quận hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục sang tên.