Về nội dung trên, Báo Tin tức xin thông tin đến bạn đọc như sau:
Có hai trường hợp xảy ra là mảnh đất chồng bạn đứng tên có trước và trong thời kỳ hôn nhân sẽ có cách giải quyết khác nhau.
Đối với quyền sử dụng đất của chồng bạn được xác lập trước thời kỳ hôn nhân: Điều này có nghĩa quyền sử dụng mảnh đất này thuộc sở hữu riêng của chồng bạn. Do đó, khi chồng bạn qua đời mà không để lại di chúc thì mảnh đất và ngôi nhà này sẽ được chia theo pháp luật, tức chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp thứ 2 là quyền sử dụng đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng…”.
Như vậy, trường hợp quyền sử dụng đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân (không thuộc trường hợp tặng cho riêng hay thừa kế riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng) thì quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng bạn.
Khi chồng bạn qua đời mà không để lại di chúc thì một nửa giá trị mảnh đất và căn nhà này sẽ thuộc về bạn, còn một nửa còn lại sẽ thuộc về chồng bạn. Phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chồng bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, tức chia cho bạn, bố và mẹ của chồng bạn.
Như vậy, ở cả hai trường hợp trên, bạn đều phải thực hiện khai nhận di sản thừa kế của chồng bạn. Sau đó, bạn có thể thỏa thuận với bố và mẹ chồng bạn - những người đồng thừa kế về việc bạn sẽ nhận toàn bộ mảnh đất và ngôi nhà này đồng thời bạn sẽ thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản mà bố, mẹ chồng bạn được hưởng. Thỏa thuận về sự phân chia này phải được lập thành văn bản được công chứng.
Sau khi bạn thực hiện xong việc khai nhận di sản thừa kế thì bạn thực hiện việc sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn được công nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này và quyền sở hữu nhà thì bạn mới có thể thực hiện việc chuyển nhượng căn nhà cho người khác.
Về thủ tục sang tên quyền sử dụng đất, bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng nhà nước).