Đây được xem như là thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, được viết tiếp bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Viết tiếp trang sử vàng
Thành cổ Quảng trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 11 km; cách tành phố Đông Hà hiện nay 14 km và cách thành phố Huế hơn 60 km. Đây là một công trình kiến trúc thành lũy cổ, đồng thời cũng là lỵ sở hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị. Suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng to lớn đối với tiến trình phát triển của dân tộc.
Cầu Quảng Trị bị phi pháo của Mỹ đánh sập nhằm ngăn chặn bước tiến của Quân Giải phóng. Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN |
Với Mỹ, coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam, nhưng phòng tuyến đó đã bị Quân giải phóng chọc thủng ngày 1-5-1972 và lá cờ chiến thắng của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, báo hiệu toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.
Không chấp nhận mất Quảng Trị, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, Chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ.
Ngày 13-6-1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” mang mật danh “Lam Sơn 72”. Để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã huy động 4 sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược.
Lực lượng tham gia chiến dịch tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ; đồng thời điều Trung tướng Ngô Quang Trưởng - một viên tướng được kỳ vọng nhiều nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa làm Tư lệnh Quân khu 1, Quân đoàn 1.
Về chính trị, chúng đặt niềm hy vọng qua kết quả cuộc hành quân này sẽ lấy lại được tinh thần, xóa được tâm lý thất bại đang phát triển tràn lan trong quân đội ngụy, đồng thời gây sức ép với ta tại hội nghị Paris. Về quân sự, chúng hy vọng sẽ phá được cuộc tấn công của quân ta, giữ vững cố đô Huế và chiếm lại được tỉnh Quảng Trị - mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung, Hạ Lào.
Đây cũng là một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang bị phá sản, do đó địch điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ. Tập trung hỏa lực cả không quân và hải quân, chúng tổ chức thành 2 hướng tiến công, hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị.
Ngày 14-6-1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân hành quân “Tái chiếm lại Quảng Trị”. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu và tàn bạo. Mở màn cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, sáng ngày 28-6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam Cộng hòa ồ ạt tiến công sang bờ Bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
Khúc tráng ca bất tử
Trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn…”.
Hàng vạn người lính bơi qua sông Thạch Hãn vào Thành cổ và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông, để rồi cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.
Các chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Sau này, khi nghiên cứu về 81 ngày đêm diễn ra ở Thành cổ Quảng Trị, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình. Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.
Trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị 45 năm qua là khúc tráng ca bi hùng của quân và dân Quảng Trị và cả nước, là bức họa đầy máu và hoa để lập nên chiến công oanh liệt, cùng với các chiến trường khác và trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm năm 1972 ở thủ đô Hà Nội, buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris cam kết rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử bi tráng hào hùng, ác liệt, đầy hy sinh đã ghi sâu vào lịch sử của dân tộc, ghi sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...
Trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân, dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.