Theo hãng tin AP (Mỹ), sự nổi lên nhanh chóng của bà Barrett đã hoàn thành nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của những người bảo thủ nhằm sắp xếp lại bộ máy tư pháp liên bang, vốn được đẩy mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử.
Nhiệm kỳ với 200 thẩm phán liên bang được phê chuẩn
Với nhà lãnh đạo Mỹ, việc đề cử bà Barrett vào Tòa án Tối cao Mỹ là một dấu mốc ý nghĩa trong nhiệm kỳ thứ nhất. Trước đó, chiến thắng năm 2016 của ông Trump từng được củng cố bởi sự ủng hộ của những người theo đạo Tin lành da trắng, gắn liền với lời hứa của ông về việc lấp đầy ghế trống sau cái chết của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia bằng một người bảo thủ.
Ngay cả trước khi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9 vừa qua, ông Trump vẫn đang vận động tái tranh cử năm 2020 với thành tích phê chuẩn trên 200 thẩm phán liên bang trong nhiệm kỳ đầu tiên, hoàn thành một mục tiêu mang tính thế hệ của các nhà hoạt động pháp lý theo đường lối bảo thủ.
“Đề cử ngày hôm nay là nền tảng của một quá trình hơn 4 năm, khi tổng thống nắm bắt vấn đề, tập trung và kêu gọi sự chú ý đến những người rất tài năng mà ông có thể đưa vào Tòa án Tối cao,” ông Leonard Leo, thuộc Federalist Society (Hiệp hội Liên bang) - một tổ chức có ảnh hưởng theo đường lối bảo thủ, cho biết.
Theo nguồn tin từ những người nắm rõ quy trình, trong vài tuần sau chiến thắng năm 2016 của ông Trump, cố vấn Nhà Trắng Don McGahn, ông Leonard Leo và một nhóm các luật sư khác đã lập danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho hơn 100 vị trí tư pháp liên bang. Xếp đầu tiên trong số đó là vị trí trống tại Tòa án Tối cao sau cái chết của thẩm phán Scalia.
Ấn tượng từ một giáo sư luật ít tên tuổi
Bà Barrett, khi đó là Giáo sư luật tại trường Đại học Notre Dame, không được biết đến nhiều trong giới chính trị ở Indiana và hầu như không được biết đến trên toàn quốc. Tuy nhiên cái tên Barrett đã xuất hiện trong bản danh sách những lựa chọn tiềm năng cho Tòa Thượng thẩm liên bang số 7, một phần lớn là nhờ Don McGahn. McGahn biết Barrett qua các giới luật sự bảo thủ, như Hiệp hội Liên bang rất có ảnh hưởng của Leo, và đã giới thiệu bà với phái đoàn nghị sĩ bang Indiana.
Bà Barrett đã đối mặt với một cuộc chiến đề cử gay gắt cho vị trí tại Tòa Thượng thẩm số 7 vào năm 2017, nhưng qua đó lại thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump, người đã rất ấn tượng với sự bình tĩnh của bà trước những câu hỏi gai góc của các nghị sĩ Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ bang California, Dianne Feinstein về đức tin Công giáo của bà. “Tôi nghĩ trong trường hợp của bà, thưa giáo sư, khi bà đọc các bài diễn văn, kết luận mà người ta rút ra là một sự giáo điều lớn bên trong bà”, nữ Thượng nghị sĩ Feinstein nói. “Và đó là một mối lo ngại, khi bà đề cập đến những vấn đề lớn, mà nhiều người đã đấu tranh trong nhiều năm ở đất nước này”.
Cuối cùng, nữ Giáo sư luật Barrett được phê chuẩn với tỉ lệ 55-43 (trong đó có 3 phiếu của phe Dân chủ).
Con đường đến Tòa án Tối cao Mỹ
Vài tháng sau, vào mùa Thu năm 2017, Tổng thống Trump bắt đầu cập nhật danh sách các ứng cử viên tiềm năng của mình vào Tòa án Tối cao. Có 5 cái tên được giới thiệu lên ông trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục với sự có mặt của cố vấn McGahn và Leo. Trong số này có bà Barrett và Brett Kavanaugh.
Trong năm kế tiếp, sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Anthony Kennedy nghỉ hưu, bà Barrett lọt vào danh sách người kế nhiệm, và trải qua một buổi phỏng vấn xét duyệt dài 25 phút với ông Trump tại Nhà Trắng.
Trước bảng thành tích còn “nghèo nàn” của bà, một số nhân vật bảo thủ đã lo ngại về khả năng cuối cùng Barrett sẽ theo chân một số thẩm phán bảo thủ khác chuyển sang xu hướng ôn hòa hơn – một cái bẫy mà họ đã mắc vào với Thẩm phán David Souter.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn thấy có điều gì đó ưa thích ở Barrett, trong khi các đồng minh như vợ góa của Thẩm phán Scalia, bà Maureen, và người dẫn chương trình của Fox News, Sean Hannity cũng đánh giá cao bà. Ông Trump và cố vấn McGahn đã đặt vấn đề nâng cao hồ sơ của bà Barrett để mở đường tới tòa án cấp cao hơn. Thậm chí Tổng thống đã từng hé lộ với các phụ tá rằng ông đang “để dành” cho bà chiếc ghế của Thẩm phán Ginsburg.
Trong khi đó, bà Barrett đang thực sự tạo dựng tên tuổi tại Tòa Thượng thẩm Liên bang số 7 về các vấn đề điểm nóng bảo thủ.
Năm 2019, sau khi một hội đồng gồm 3 thẩm phán ngăn cản một dự luật của bang Indiana, khiến trẻ vị thành niên khó phá thai hơn nếu không thông báo cho bố mẹ biết, bà Barrett đã bỏ phiếu yêu cầu Tòa án xét xử lại.
Trong một tranh cãi liên quan đến quyền sở hữu súng vào năm 2019, bà Barrett đã tranh cãi rằng việc kết án đối với hành vi phạm tội phi bạo lực – trong vụ này là gian lận thư – không nên đồng nghĩa với việc đồng thời tước quyền sở hữu súng của người đó.
Tới mùa Hè vừa qua, khi Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn cập nhật danh sách Tòa án Tối cao một lần nữa với hy vọng thu hút các cử tri bảo thủ, bà Barrett đã đứng ở đầu danh sách.
Cuối cùng, sau cái chết của Thẩm phán Ginsburg, ông Trump nhanh chóng chuyển sự tập trung sang Barrett và thực tế là chưa bao giờ xem xét tới nhân vật nào khác.
Amy Coney Barrett trở thành ứng cử viên duy nhất mà Tổng thống Trump đề cử để thay thế chiếc ghế của cố Thẩm phán Ginsburg. Tối 26/9 (giờ địa phương), ông chính thức công bố lựa chọn của mình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. “Hôm nay, tôi vinh dự đề cử một trong những bộ óc pháp lý lỗi lạc, sáng suốt nhất của đất nước chúng ta vào Tòa án Tối cao”, ông Trump nói, gọi bà Barrett là “một người phụ nữ của những thành tích vô song, trí tuệ cao vời, bằng cấp đáng tin cậy và lòng trung thành kiên định với Hiến pháp”.
Về phần mình, bà Barrett cảm ơn Tổng thống và cho biết: “Tôi thực sự thấy nhỏ bé trước viễn cảnh được phục vụ tại Tòa án Tối cao”.