1. John Quincy Adams, Tổng thống thứ 6 của Mỹ, làm việc tại Nga từ năm 1809 đến năm 1814
Ông Adams đến thăm Nga lần đầu năm 14 tuổi. Năm 1781, ông tháp tùng với tư cách là thư ký của Francis Dane, đặc phái viên Mỹ đầu tiên tại St. Petersburg. Tuy nhiên, ông không trình ủy nhiệm thư của mình lên Hoàng hậu Catherine II.
Lần thứ hai ông Adams đến Nga là vào năm 1809, với tư cách là nhà đại diện ngoại giao chính thức của Mỹ tại Nga. Ông trở thành đặc phái viên toàn quyền đầu tiên đến St. Petersburg. Trong những bức thư gửi cho mẹ, ông từng kể về chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thủ đô nước Nga, cũng như cảm nhận của ông về cuộc sống nơi đây.
Adams làm việc ở Nga cho đến năm 1814. Ông phục vụ trong suốt cuộc Chiến tranh Napoleon và nhiệm vụ của nhà ngoại giao này là đảm bảo các ưu đãi thương mại lớn nhất có thể cho Mỹ. Cái khó là Mỹ mâu thuẫn với Anh, lúc đó là đồng minh của Nga. Tuy nhiên, Adams đã nhanh chóng xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Hoàng đế Alexander I. Họ thậm chí còn cùng nhau đi dạo dọc bờ sông Neva.
Năm 1811, ông Adams và vợ là bà Louise sinh con gái Catherine. Đáng buồn thay, cô bé qua đời một năm sau đó và trở thành công dân Mỹ đầu tiên được chôn cất ở Nga.
Theo yêu cầu của tác giả từ điển Noah Webster, Adams đã gửi cho ông này những cuốn sách về ngữ pháp và từ vựng tiếng Nga. Đây là sự khởi đầu của việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga tại Mỹ.
Ông đắc cử tổng thống sau khi giành chiến thắng suýt sao với 3 đối thủ khác vào năm 1824. Đây cũng là lần đầu tiên Hạ viện Mỹ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống.
2. James Buchanan, Tổng thống thứ 15 của Mỹ, làm việc tại Nga từ năm 1832 đến năm 1834
Nhờ công của đặc phái viên James Buchanan, hai nước đã ký Hiệp ước Thương mại và Hàng hải Nga - Mỹ vào năm 1832. Văn kiện này quy định các quyền thương mại song phương chung cũng như thiết lập các điều khoản về thương mại tối huệ quốc.
Mặc dù chỉ có nhiệm kỳ 18 tháng ngắn ngủi, ông Buchanan đã thiết lập được các mối quan hệ thân thiết ở St. Petersburg, đồng thời nhận được sự ưu ái của Hoàng đế Nicholas I.
“Hoàng đế là vị vua lý tưởng cho nước Nga; và, theo quan điểm của anh, ngài là người đàn ông có năng lực và đạo đức hơn bất kỳ ai trong số những người xung quanh. Anh tự hào rằng thái độ của ngài với Mỹ đã thay đổi tích cực kể từ khi anh đến. Mọi người ở đây đều công nhận rằng, trong các mối quan hệ riêng tư, tính cách của ngày là một tấm gương cho cả đế chế. Với tư cách là người chồng, người cha, người anh và người bạn, ngài là tấm gương cho thần dân”, ông Bunchan viết trong thư gửi cho em gái mình.
Khi nhà ngoại giao này rời St. Petersburg, Hoàng đế Nicholas I đã nhờ ông nhắn với Tổng thống Andrew Jackson khi đó rằng đặc phái viên mới của Mỹ nên "giống như Buchanan".
Năm 1857, ông James Buchanan trở thành Tổng thống Mỹ. Ông từng cân nhắc mua lại tiểu bang Alaska của Nga, song hai bên không thể thống nhất mức giá.
3. Herbert Clark Hoover, Tổng thống thứ 31 của Mỹ, làm việc tại Nga với tư cách doanh nhân từ năm 1909 - 1913
Herbert Clark Hoover, một kỹ sư khai khoáng chuyên nghiệp, đã làm việc ở Nga từ năm 1909. Tại mỏ sản xuất Kyshtym nằm trên dãy núi Urals, ông Hoover mua lại các doanh nghiệp từ những người thừa kế của thương gia Lev Rastorguev và thành lập công ty cổ phần Nhà máy khai thác Kyshty' . Ông tham gia vào cả việc tổ chức lại tài chính lẫn hiện đại hóa sản xuất.
Thành công của kỹ sư Hoover tại Kyshtym đã mang lại những tác động quan trọng. Tại thời điểm đó, ngành công nghiệp Nga thường bị chi phối bởi các nhà khai thác Đức và Anh. Người Nga luôn nghi ngờ họ, lo sợ những hệ lụy chính trị, nhưng lại không có cảm giác đó đối với người Mỹ. Các kỹ sư Nga hầu hết là những người có năng lực kỹ thuật, nhưng lại thiếu sự đào tạo về mặt hành chính. Ông Hoover đã viết trong hồi ký rằng nhờ vào tình bạn thân thiết mang tính bản năng mà người Nga và người Mỹ đã hòa hợp được với nhau.
Sau khi nhanh chóng tạo được uy tín ở Kyshtym, ông Hoover được mời giám sát quá trình phát triển các mỏ khai thác ở dãy núi Altai. Theo ông, đó là mỏ quặng lớn nhất và giàu tài nguyên nhất được biết đến trên thế giới. Các kỹ sư người Mỹ đã làm việc ở đó cho đến Cách mạng Bolshevik năm 1917.
Ông Hoover rời Nga vào năm 1913. "Nếu không có Thế chiến thứ nhất, thì tôi đã có mức thù lao kỹ sư lớn nhất mà con người từng biết”, ông nhớ lại về công việc tại Nga. Ông cũng đứng đầu một số công ty khai thác mỏ và dầu mỏ.
Năm 1917, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Bolshevik mới thành lập. Tuy nhiên, khi nạn đói hàng loạt nổ ra ở nước Nga năm 1921, ông Hoover - lúc đó là Bộ trưởng Thương mại kiêm người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ Mỹ (ARA) - đã gửi hàng cứu trợ nhân đạo cho Nga.
ARA đã quyên góp viện trợ cho 20 triệu người dân Nga, cung cấp thực phẩm và giày dép, máy móc nông nghiệp và hạt giống, đồng thời mở bệnh viện và trạm xá.
Dưới thời Tổng thống Hoover, Mỹ đã tích cực phát triển quan hệ thương mại với Nga. Năm 1932, với sự hỗ trợ của Washington, một nhà máy ô tô ở Nizhny Novgorod và một nhà máy luyện kim ở Novokuznetsk đã được đưa vào hoạt động.