Thời trẻ, Hall học cả trường Đại học Barnard và Radcliffe - hai trường đại học dành cho nữ sinh danh tiếng ở Mỹ. Sau đó, cô tiếp tục học ở các trường tại Đức, Pháp và Áo. Giấc mơ của cô là được làm trong một cơ quan ngoại giao. Khi mới 25 tuổi, cô đã được bổ nhiệm vào vị trí thư ký Dịch vụ Lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan và dường như đang rất thuận lợi trên con đường đạt được giấc mơ.
Không may, không lâu sau khi được bổ nhiệm, Hall bị tai nạn trong một chuyến đi săn. Cô vô tình bắn vào chân trái mình. Công nghệ y học thời bấy giờ không thể cứu chữa nổi cái chân bị thương. Năm 1933, chân trái của Hall bị cắt bỏ từ đầu gối xuống. Hall đi bằng chân gỗ giả và dường như vượt qua khó khăn một cách dễ dàng. Về sau, cô đặt tên cho cái chân giả mà cô sẽ mang theo suốt đời là Cuthbert.
Virginia Hall nhận Thập tự phục vụ xuất sắc. |
Chính vì khuyết tật nên Hall không thể theo đuổi các nấc thang mới trong sự nghiệp. Trong vài năm tiếp theo, cô làm trợ lý thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Estonia. Tuy nhiên, vì là phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao nên cô có phần thiệt thòi mặc dù cô thành thạo nhiều thứ tiếng như Italy, Đức và Pháp.
Hall từ chức năm 1939 khi chiến tranh bắt đầu lan dần khắp châu Âu. Vốn là một phụ nữ trẻ tham vọng, mạnh mẽ, Hall không chạy khỏi châu Âu về quê nhà an toàn hơn. Thay vào đó, cô tình nguyện xin làm lái xe cứu thương ở Pháp cho đến khi quân Pháp đầu hàng năm 1940. Từ đây, cô sơ tán tới Anh để làm một nhiệm vụ thư ký khác trong Đại sứ quán Mỹ tại London.
Hall nhanh chóng được cơ quan tình báo Anh SOE chú ý. Cơ quan này đã tuyển cô làm điệp viên để phối hợp với phong trào kháng chiến Pháp. Năm 1941, Hall đóng giả làm phóng viên tờ New York Post khi tới Lyon, Pháp. Mật danh của cô là Marie Monin và cô là nữ điệp viên đầu tiên của SOE ở Pháp.
Hall dành 14 tháng tiếp theo làm nhiệm vụ đưa tin tức, giúp đỡ tù binh chiến tranh chạy trốn, thu thập tài liệu cho báo chí. Thời đó, nguyên vật liệu làm báo như giấy và mực in bị cấm, khiến cho các tờ báo kháng chiến rất khó truyền bá tư tưởng. Nhờ sự giúp đỡ của Hall và những người giống cô, tới năm 1942, báo chí kháng chiến đã tới tay hơn 2 triệu người đọc ở Pháp. Hall tiếp tục gửi tài liệu cho tờ New York Post để duy trì vỏ bọc.
Trong thời gian này, người Đức lần đầu tiên biết về Virgnia Hall. Các điệp viên hai mang Pháp đã thông báo với họ về một “quý bà khập khiễng” - người xác định khu vực máy bay thả tiền và vũ khí, thiết lập và củng cố mạng lưới kháng chiến khắp Pháp. Danh sách các sứ mệnh thành công của Hall trong giúp tăng cường cho phong trào kháng chiến Pháp đã bắt đầu làm quân Đức lo lắng. Chúng đã dán poster truy nã Hall và ra mệnh lệnh rõ ràng: “Cô ta là người nguy hiểm nhất trong tất cả điệp viên Đồng minh. Chúng ta phải tìm và giết cô ta”.
Đức chiếm Pháp năm 1942. SOE cho biết nếu Hall còn ở Anh thì quá nguy hiểm cho cô, đặc biệt là khi Mỹ đã tham chiến và vỏ bọc hiện nay của cô có thể khiến cô bị tra tấn, giết hại cho dù kẻ thù có phát hiện ra cô là “quý bà khập khiễng” hay không. Cô trốn thoát tới Tây Ban Nha bằng cách đi bộ qua dãy núi Pyrenees tháng 11 năm đó. Trong thư gửi về trụ sở dọc đường, Hall nói đơn giản: “Cuthbert gây rắc rối cho tôi nhưng tôi có thể xoay sở”.
Hall dùng mật danh cho cái chân gỗ vì quân Đức nóng lòng muốn bắt cô tới mức cô lo nếu nói thẳng từ chân gỗ sẽ làm lộ vị trí trong trường hợp bức thư bị chặn. Tuy nhiên, trụ sở lại hiểu nhầm ý của Hall và đáp lại: “Nếu Cuthbert khiến cô gặp rắc rối, hãy loại bỏ anh ta”.
Khi Hall tới Tây Ban Nha sau một hành trình gian khổ, cô bị tống vào tù vì không có giấy tờ hợp pháp. Sáu tuần sau, cuối cùng cô cũng tìm được cách gửi ra ngoài một bức thư tới Đại sứ quán Anh ở Barcelona, thông báo về tình hình khó khăn của mình. Hall tiếp tục làm việc cho SOE ở Tây Ban Nha sau khi được thả. Tuy nhiên, 4 tháng sau đó, cô đã yêu cầu được điều chuyển tới nơi khác: “Tôi nghĩ rằng có thể giúp đỡ ở Tây Ban Nha nhưng tôi không làm việc gì cả. Tôi sống nhàn hạ và lãng phí thời gian. Điều đó không đáng và xét cho cùng mạng sống là của tôi. Nếu tôi sẵn sàng hi sinh thì tôi cho rằng đó là đặc quyền của tôi”.
Hall đã thuyết phục cấp trên thành công. Sau một cuộc trình bày ngắn gọn nữa thông qua mật mã Morse, Hall đã được đưa trở lại Pháp bằng một con tàu phóng ngư lôi của Anh. Lần này, cô làm việc cho Văn phòng Cơ quan Chiến lược Mỹ. Nhiệm vụ rất nguy hiểm và người Đức vẫn săn lùng cô. Nếu cô bị phát hiện, cái chết coi như cầm chắc.
Để đề phòng, Hall đóng giả làm một bà cụ giao sữa người Pháp. Cô nhuộm tóc, mặc váy che kín thân người nhỏ bé, đi chậm chạp, xiêu vẹo để che cái chân giả. Cô làm pho mát dê và vào thành phố để bán. Vừa bán cô vừa nghe ngóng binh lính Đức nói chuyện về công việc.
Buộc phải di chuyển liên tục khi quân Đức nỗ lực tìm cách tìm ra Hall qua sóng radio. Trong quá trình đó, cô đã chứng tỏ mình là một điệp viên giỏi luồn lách và lẩn trốn. Khi không nghe ngóng binh sĩ Đức, cô huấn luyện ba tiểu đoàn binh sĩ kháng chiến Pháp cách phát động chiến tranh du kích chống quân Đức. Trước khi lực lượng Đồng minh tiếp quản nhóm của Hall, cô cho biết họ đã phá hủy các đường xe lửa, đường điện thoại, cầu, tàu chở hàng cùng các cơ sở hạ tầng cần thiết với quân Đức. Nhóm của cô đã tiêu diệt trên 150 binh sĩ Đức và bắt sống hơn 500 người.
Nhờ những nỗ lực trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hall đã được làm thành viên danh dự của Đế chế Anh. Cô cũng được tặng thưởng Thập tự phục vụ xuất sắc, một trong những vinh dự quân đội cao quý nhất của Mỹ. Cô là người phụ nữ thường dân duy nhất được trao tặng huy chương này trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổng thống Mỹ Harry Truman muốn tổ chức tiệc lớn để chúc mừng phần thưởng này nhưng Hall chỉ chọn tổ chức một nghi lễ riêng chỉ có mẹ và Tướng William Joseph Donovan tham dự. Cô cho biết mình vẫn hoạt động và muốn được bận rộn nên không muốn tổ chức tiệc công khai làm lộ mặt.
Năm 1951, Hall gia nhập Cục Tình báo Trung ương Mỹ, làm một nhà phân tích tình báo. Thành tích của Hall cho thấy phụ nữ đã phá vỡ “bức trần kính” cách đây cả chục năm.