Trưởng thành từ chiếc nôi ủng hộ Palestine
Ông Meshaal đã sống phần lớn cuộc đời bên ngoài các vùng lãnh thổ Palestine. Meshaal sinh ra tại Silwad, gần thành phố Ramallah ở Bờ Tây. Khi còn là một cậu bé, ông đã cùng gia đình chuyển đến Kuwait, một quốc gia Arab vùng Vịnh, cái nôi của tình cảm ủng hộ Palestine.
Năm 15 tuổi, ông gia nhập tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập phong trào Hamas vào cuối những năm 1980 trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Ông Meshaal là giáo viên trước khi chuyển sang vận động hành lang cho Hamas từ nước ngoài trong nhiều năm. Đây cũng là quãng thời gian nhiều thủ lĩnh khác của Hamas phải trải qua tù đày trong nhà tù của Israel.
Kể từ khi Hamas thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza, một số nhà lãnh đạo và đặc vụ của phong trào này đã từng bị ám sát.
Chết hụt trong một vụ ám sát
Theo hãng tin Reuters (Anh), có thông tin cho rằng ông Meshaal từng bị các điệp viên Mossad tiêm thuốc độc vào người ngay trên con phố bên ngoài văn phòng tại thủ đô Amman, Jordan.
Vụ ám sát nhằm vào nhân vật cấp cao chủ chốt của phong trào Palestine đã khiến Quốc vương Jordan Hussein khi đó vô cùng tức giận. Thậm chí, Quốc vương Jordan còn tuyên bố sẽ treo cổ những kẻ ám sát và hủy bỏ Hiệp ước hòa bình Jordan - Israel nếu thuốc giải không được giao nộp. Israel sau đó đã chấp thuận yêu cầu trên.
Vụ việc này sau đó đã biến ông Meshaal trở thành anh hùng của lực lượng kháng chiến Palestine.
Jordan cuối cùng đã đóng cửa văn phòng Hamas tại Amman và trục xuất ông Meshaal. Năm 2001, ông Meshaal chuyển đến Syria.
Vị thế trong phong trào Hamas
Sau khi thủ lĩnh Ahmed Yassin bị tiêu diệt trong một cuộc không kích vào tháng 3/2004, người kế nhiệm ông là Abdel-Aziz Al-Rantissi tại Gaza cũng bị ám sát một tháng sau đó. Kể từ đó, ông Meshaal nắm quyền lãnh đạo chung của Hamas, phong trào Hồi giáo Sunni, từ nơi lưu vong ở Damascus.
Đến tháng 1/2012, ông rời thủ đô Syria vì Tổng thống Bashar al-Assad trấm áp dữ dội những người Sunni tham gia vào cuộc nổi loạn chống lại ông. Ông Meshaal lựa chọn di chuyển liên tục giữa Doha và Cairo, tiếp tục điều hành hoạt động của Hamas.
Việc đột ngột rời khỏi Syria ban đầu làm suy yếu vị thế của ông Meshaal trong Hamas, vì mối quan hệ với Damascus và Tehran vốn rất quan trọng đối với phong trào này. Khi những mối quan hệ đó bị tổn hại, các đối thủ tại Gaza bắt đầu khẳng định quyền lực của họ.
Mâu thuẫn nội bộ
Tháng 12/2012, ông Meshaal đã có chuyến thăm đầu tiên tới Dải Gaza và có bài phát biểu chính tại cuộc mít tinh kỷ niệm 25 năm thành lập phong trào Hamas.
Mâu thuẫn giữa ông Meshaal và ban lãnh đạo Hamas có trụ sở tại Gaza đã nổi lên khi ông cố gắng thúc đẩy hòa giải với Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine.
Sau đó, Meshaal tuyên bố rằng ông muốn từ chức vì những căng thẳng này. Năm 2017, cấp dưới của ông Meshaal tại Gaza là Ismail Haniyeh đã thay thế ông và được bầu làm thủ lĩnh văn phòng chính trị của Hamas, cũng hoạt động ở nước ngoài.
Năm 2021, ông Meshaal được bầu làm thủ lĩnh văn phòng Hamas tại cộng đồng người Palestine lưu vong. Cương vị này cho phép ông Meshaal đại diện cho phong trào của người Palestine tại các cuộc họp với các chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới, mà không bị cản trở bởi các hạn chế đi lại nghiêm ngặt của Israel nhằm vào các nhà lãnh đạo Hamas khác.
Các nguồn tin của Hamas cho biết ông Meshaal, tuổi, dự kiến được chọn làm thủ lĩnh tối cao của phong trào Hamas, thay thế thủ lĩnh Haniyeh, người đã bị ám sát tại Iran vào rạng sáng 31/7 vừa qua.
Một quan chức cấp cao khác của Hamas, ông Khalil al-Hayya - đang hoạt động tại Qatar và là người dẫn đầu phái đoàn Hamas trong các cuộc đàm phán ngừng bắn gián tiếp với Israel ở Gaza - cũng có thể là ứng cử viên cho vị trí này.
Trong khi đó, mối quan hệ của ông Meshaal với Iran đã trở nên căng thẳng do trước đó ông đã ủng hộ cuộc nổi dậy do người Hồi giáo Sunni lãnh đạo vào năm 2011 chống lại Tổng thống Syria Assad.
Lập trường mềm mỏng hơn với Israel?
Giống như những nhà lãnh đạo Hamas khác, ông Meshaal đã phải vật lộn với vấn đề quan trọng là có nên áp dụng cách tiếp cận thực tế hơn với Israel để có được quyền tự trị cho Palestine hay tiếp tục chiến đấu. Hiến chương năm 1988 của Hamas đề ra mục tiêu hủy diệt Israel.
Ông Meshaal bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình lâu dài với Israel, nhưng nói rằng Hamas có thể chấp nhận một nhà nước Palestine ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem như một giải pháp tạm thời để đổi lấy lệnh ngừng bắn dài hạn.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023 đã làm rõ các ưu tiên của phong trào này. Ông Meshaal cho biết cuộc tấn công này đã đưa sự nghiệp của người Palestine trở lại trung tâm chương trình nghị sự của thế giới. Ông kêu gọi người Arab, người Hồi giáo tham gia cuộc chiến chống lại Israel và cho biết chỉ có người Palestine mới quyết định ai sẽ điều hành Gaza sau khi cuộc chiến hiện tại kết thúc, bất chấp Israel và Mỹ muốn loại Hamas khỏi quyền lãnh đạo Gaza sau xung đột.
Đối với Israel và các quốc gia phương Tây, Hamas là nhóm đứng sau các vụ đánh bom liều chết ở Israel và thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại nước này để quyết tâm phá hủy Israel.
Đối với những người ủng hộ Palestine, ông Meshaal và ban lãnh đạo Hamas là những người đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Israel, khi ngoại giao quốc tế không có tác dụng.