Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ cuối

Chính xác, kiên trì và tự tin vào ý tưởng của riêng mình trong những sáng tạo làm nên Apple, nhưng khi liên quan đến sức khỏe của chính mình, Jobs lại dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ.

LỰA CHỌN ĐỊNH MỆNH

Năm 2003, Steve Jobs đi khám vì mắc bệnh sỏi thận. Nhưng các bác sĩ sớm nhận thấy một “bóng đen” trên tuyến tụy của ông. Họ nói với Jobs rằng ông bị u tiểu đảo thần kinh nội tiết, một dạng ung thư tuyến tụy hiếm gặp.

Nhưng theo một cách nào đó, đó là một tin tốt. Những người được chẩn đoán mắc bệnh u tiểu đảo thần kinh nội tiết thường có tiên lượng tốt hơn nhiều so với những người mắc các dạng ung thư tuyến tụy khác. Các chuyên gia khuyên Jobs nên tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng trước sự thất vọng của những người thân trong gia đình, ông đã khước từ phương pháp này.

Jobs sau đó thú nhận với người viết sử Isaacson: “Tôi không muốn cơ thể của mình bị phanh ra. Tôi không muốn bị xâm phạm theo cách đó”.

Chú thích ảnh
Chàng thanh niên Steve Jobs thời kỳ sung sức với những chiếc máy tính Apple đầu tiên.

Thay vì nghe lời bác sĩ, Jobs tập trung vào thứ mà Isaacson gọi là “tư duy kỳ diệu”. Trong 9 tháng, ông tìm cách chữa bệnh bằng chế độ ăn thuần chay, châm cứu, thảo dược, làm sạch ruột và các biện pháp khác mà ông tìm thấy trên mạng. Thậm chí, có lúc Jobs còn tìm đến một nhà ngoại cảm. Steve Jobs đã là chỗ dựa cho cả một công ty tồn tại và dường như ông tin rằng có thể làm được điều tương tự với sức khỏe của mình.

Nhưng bệnh ung thư của Jobs không biến mất. Cuối cùng, ông cũng đồng ý phẫu thuật. Năm 2004, Jobs thừa nhận với các nhân viên của Apple rằng mình đã được cắt bỏ một khối u. “Tôi bị một dạng ung thư tuyến tụy rất hiếm gặp được gọi là khối u thần kinh nội tiết tế bào đảo, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư tuyến tụy được chẩn đoán mỗi năm và có thể được chữa khỏi bằng cách phẫu thuật cắt bỏ nếu được chẩn đoán kịp thời”, Steve Jobs viết trong một email gửi các nhân viên công ty.

Bất chấp những lời trấn an của Jobs, vào năm 2006, những lo ngại về sức khỏe của ông lại lan rộng khi Jobs xuất hiện gày gò tại một hội nghị của Apple. 

Chú thích ảnh
Steve Jobs trông ốm yếu tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple tháng 8/2006 tại San Francisco, California.

Nhưng cả Jobs và Apple đều gạt bỏ những lo ngại về sức khỏe của ông và xem nhẹ các vấn đề. Apple ra tuyên bố Jobs chỉ đơn giản là bị “ốm thông thường”, trong khi Jobs đổ lỗi tình trạng giảm cân là do mất cân bằng hormone. Thậm chí, có lúc ông còn châm biếm: "Những thông tin về cái chết của tôi bị phóng đại quá mức."

Nhưng đến đầu năm 2009, Jobs không thể chối bỏ căn bệnh của mình được nữa. Ông xin nghỉ phép để chữa bệnh và thông báo cho các nhân viên Apple qua email. Jobs viết: “Trong tuần qua, tôi đã biết được rằng các vấn đề liên quan đến sức khỏe của minhg phức tạp hơn những gì tôi nghĩ ban đầu”.

Tháng 6/2009, tờ Wall Street Journal đưa tin gây chấn động thế giới rằng Steve Jobs được ghép gan ở Tennessee. Bệnh viện sau đó cho biết, “Jobs là bệnh nhân nặng nhất trong danh sách chờ đợi tại thời điểm có nội tạng hiến tặng."

Chú thích ảnh
Hình ảnh tiều tụy của Steve Jobs (trái) trong những tháng ngày cuối đời.

Mặc dù Jobs đã trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ việc, nhưng vị CEO vẫn tiếp tục vật lộn với tình trạng sức khỏe của mình. Vào tháng 1/2011, ông nghỉ phép một lần nữa và tháng 8 năm đó, ông từ chức Giám đốc điều hành Apple.

Nhưng ngay cả khi Jobs mỗi ngày một yếu hơn, ông vẫn cố duy trì các tiêu chuẩn khắt khe của mình. Tại bệnh viện, Jobs đã thay 67 y tá trước khi tìm được ba người ưng ý. Tuy nhiên, đến tháng 10 thì các bác sĩ không thể làm gì hơn.

Vào ngày 5/10/2011, Steve Jobs qua đời trong vòng tay người thân tại nhà riêng ở Palo Alto, California. Nguyên nhân chính thức của cái chết là ngừng hô hấp liên quan đến khối u tuyến tụy. Sau đó, người viết tiểu sử của Jobs tiết lộ về việc ông đã trì hoãn phẫu thuật bao lâu và đã hối hận về quyết định đó như thế nào.

Di sản của một “người khổng lồ” công nghệ

Thời gian trôi đi nhanh sau cái chết của Steve Jobs nhưng ông đã thực sự để lại ấn tượng khó phai với thế giới. Đến năm 2018, hơn 2 tỷ chiếc iPhone đã được bán ra, thay đổi cuộc sống và cách giao tiếp của mọi người.

Tầm nhìn của Jobs đối với Apple - và thế giới công nghệ - đã đưa công ty lên một tầm cao lớn. Chính xác, kiên trì và tự tin vào ý tưởng của riêng mình, Jobs thậm chí còn không chấp nhận bất kỳ nghiên cứu thị trường nào cho iPad. Ông nói: “Công việc của người tiêu dùng không phải là biết họ muốn gì”.

Chú thích ảnh
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPad năm 2007.

Nhưng khi liên quan đến sức khỏe của chính mình, Jobs lại dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ. Ông đã để căn bệnh ung thư của mình di căn trong 9 tháng trước khi quyết định phẫu thuật. Một số bác sĩ nói rằng sự chậm trễ này là lý do tại sao Steve Jobs qua đời. Một chuyên gia y học tích hợp cho biết, “Ông ấy mắc một loại ung thư tuyến tụy duy nhất có thể điều trị và chữa khỏi được. Về cơ bản ông ấy đã tự sát ”.

Chú thích ảnh
Hoa tưởng niệm Steve Jobs tại một cửa hàng Apple ở London. Ảnh: Wikimedia Commons

Vào năm 2010, khi cái chết đến gần, tâm trí vốn không ngừng làm việc của Steve Jobs chuyển sang hướng về thế giới bên kia. Jobs nói với nhà viết sử Issacson trong cuộc trò chuyện cuối cùng giữa họ: “Đôi khi tôi tin 50-50 về việc có Chúa hay không. Đó là bí ẩn lớn mà chúng ta chưa từng biết. Nhưng tôi muốn tin rằng có một thế giới bên kia. Tôi thích tin rằng sự khôn ngoan tích lũy sẽ không biến mất khi bạn chết mà bằng cách nào đó nó sẽ tồn tại lâu dài”.

Sau đó, huyền thoại Apple dừng lại và mỉm cười: “Nhưng có thể nó chỉ giống như một nút bật / tắt, nhấp vào và bạn đã biến mất. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi không thích đặt nút on/off trên các thiết bị của Apple”.

Xem kỳ 1: 9 THÁNG TRÌ HOÃN CHỮA UNG THƯ

Thu Hằng/Báo Tin tức
Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ 1
Đằng sau cái chết và lựa chọn định mệnh của Steve Jobs – Kỳ 1

Ngày 5/10/2011, Steve Jobs, nhà đồng sáng lập - người giữ “linh hồn” của tập đoàn Apple, qua đời sau một cuộc chiến kéo dài với căn bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 56. Nhưng ông có thể đã sống lâu hơn nếu tìm kiếm sự chăm sóc y tế phù hợp kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN