Theo tờ Korea Times, mặc dù có bằng chứng cho thấy một số chính quyền trước đây đã cân nhắc ban bố lệnh thiết quân luật sau thời kỳ dân chủ hóa đất nước, nhưng chưa có tổng thống Hàn Quốc nào viện dẫn lại lệnh này cho đến thời Tổng thống Yoon Suk Yeol. Hạn chế này phần lớn là do Đạo luật Quốc hội sửa đổi năm 1981 cấm các tổng thống tuyên bố thiết quân luật một cách đơn phương.
Trong lịch sử, hầu hết các tuyên bố thiết quân luật đều nhằm mục đích củng cố quyền lực chính trị hơn là giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc gia.
Tổng thống Syngman Rhee lần đầu ban bố lệnh thiết quân luật ở Hàn Quốc vào tháng 10/1948, chỉ hai tháng sau khi chính phủ được thành lập.
Vào thời điểm đó, thiết quân luật đã được áp đặt để đàn áp cuộc nổi loạn vũ trang của Trung đoàn 14 thuộc Quân đội Hàn Quốc. Lực lượng này đã từ chối lệnh dập tắt cuộc nổi loạn của dân thường trên đảo Jeju, còn được biết đến là Sự kiện Jeju 3/4. Sau đó, lệnh thiết quân luật cùng năm được áp đặt cụ thể ở đảo Jeju đã dẫn đến vụ thảm sát dân thường khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, Hàn Quốc lần đầu ban bố thiết quân luật trên toàn quốc, sau khi áp đặt lệnh này ở một số khu vực. Thiết quân luật cũng được áp dụng trong cuộc Cách mạng 19/4/1960 để đàn áp các cuộc biểu tình do sinh viên nổi dậy chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Syngman Rhee. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Rhee đã ban bố thiết quân luật tổng cộng 10 lần.
Việc áp đặt thiết quân luật đã trở nên thường xuyên hơn trước và trong nhiệm kỳ của Tổng thống Park Chung-hee.
Tháng 5/1961, ông Park khi đó đã tiến hành một cuộc đảo chính quân sự, đánh dấu lần ban bố thiết quân luật thứ 11 trong lịch sử Hiến pháp của Hàn Quốc. Với tư cách là tổng thống, ông Park đã tuyên bố thiết quân luật một lần nữa tại Seoul vào ngày 3/6/1964, để đàn áp các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng của sinh viên, phản đối việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nhật Bản.
Đến tháng 10/1972, ông Park đã áp đặt thiết quân luật trên toàn quốc để ban hành Hiến pháp Yushin, nhằm hợp hiến hoá sự ra đời của chế độ độc tài mới - Thể chế Yushin và dỡ bỏ các hạn chế đối với cuộc bầu cử.
Bảy năm sau, vào ngày 18/10/1979, thiết quân luật một lần nữa được ban bố tại Busan và tỉnh Nam Gyeongsang trong các cuộc biểu tình Dân chủ Busan-Masan chống lại chế độ của Tổng thống Park.
Sau vụ ám sát Tổng thống Park vào ngày 26/10/1979, thiết quân luật khẩn cấp đã được áp đặt trở lại trên toàn quốc, ngoại trừ đảo Jeju. Giai đoạn này kéo dài trong 440 ngày và kết thúc vào tháng 1/1981, chứng kiến sự trỗi dậy của một chế độ quân sự mới dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan. Vào ngày 17/5/1980, ông Chun buộc Nội các mở rộng thiết quân luật trên toàn quốc để đối phó với người dân Gwangju, trong thời kỳ được gọi là Phong trào Dân chủ hóa Gwangju nổ ra từ ngày 18/5/2980.
Điều 77 của Hiến pháp Hàn Quốc trao cho tổng thống thẩm quyền áp đặt thiết quân luật trong các cuộc khủng hoảng quốc gia - chẳng hạn chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng - để duy trì trật tự công cộng.
Có hai loại thiết quân luật – gồm thiết quân luật khẩn cấp và thiết quân luật an ninh. Tổng thống Yoon Suk Yeol hôm 3/12 đã ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp. Nếu thành công, ông sẽ được trao quyền lực mạnh mẽ để hạn chế nhiều quyền công dân.
Cho đến nay, đã có 13 lần Hàn Quốc áp lệnh thiết quân luật khẩn cấp và 4 trường hợp thiết quân luật an ninh được ban bố trong cả nước.
Theo các chuyên gia chính trị, tuyên bố thiết quân luật đầy bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã khiến cả nước sửng sốt, nhiều người phẫn nộ vì hành động hấp tấp của ông.
Trong cuộc họp báo khẩn được phát trực tiếp, ông Yoon gọi những đối thủ chính trị của mình là “lực lượng ủng hộ Triều Tiên, chống phá nhà nước” và cáo buộc họ cố gắng làm tê liệt chính phủ và phá hoại trật tự hiến pháp. Ông nhấn mạnh lý do đằng sau việc ban bố thiết quân luật là để “loại bỏ các lực lượng chống phá nhà nước đã tham gia vào các hành vi phá hoại với kế hoạch lật đổ đất nước”.
Tuyên bố này được áp đặt sau nhiều tháng bế tắc về mặt lập pháp giữa chính phủ và đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc (DPK).
Khoảng 2 tiếng rưỡi sau đó, tuyên bố thiết quân luật bất ngờ của ông Yoon sau đó bị các nhà lập pháp bác bỏ.
Ông Park Chang-hwan – nhà bình luận chính trị và giáo sư tại Đại học Jangan – nhận định quyết định quyết liệt của Tổng thống Yoon xuất phát từ sự cô lập chính trị ngày càng tăng và nỗi lo về việc điều hành đất nước.
Chính quyền của Tổng thống Yoon đã không thể thông qua các dự luật mà họ mong muốn do sự phản đối mạnh mẽ từ DPK, đảng nắm giữ 170 trong số 300 ghế tại Quốc hội. Tổng thống Yoon cũng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm mạnh sau một số vụ bê bối tham nhũng, bao gồm một vụ liên quan đến đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
“Bất chấp những cuộc ẩu đả và xung đột tại Quốc hội, cụm từ 'thiết quân luật' từ lâu đã bị coi là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc do vết thương lịch sử của chúng ta. Việc tuyên bố thiết quân luật mà không thảo luận vấn đề này với các thành viên đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền và sắc lệnh giao quân đội cho thấy ông Yoon vô lý đến mức nào. Động thái của Tổng thống giống như hành động ‘tự sát chính trị’, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ông ấy mà còn ảnh hưởng đến cả đảng cầm quyền”, giáo sư Park Chang-hwan nói.
Các chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra rằng hành động của ông Yoon cấu thành hành vi vượt quá thẩm quyền pháp lý, nhấn mạnh ông có thể phải đối mặt với cáo buộc phản quốc.
Bà Kim Seon-taek, Giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Hàn Quốc, cho rằng không có căn cứ chính đáng hoặc điều kiện tiên quyết nào để ban bố thiết quân luật. Thiết quân luật khẩn cấp chỉ được ban bố khi có tình trạng hiếu chiến hoặc rối loạn nghiêm trọng về trật tự xã hội, cản trở đáng kể đến việc thực hiện các chức năng hành chính và tư pháp của đất nước trong thời chiến, sự cố hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương đương khác. Theo bà, ông Yoon cũng vi phạm các nguyên tắc pháp lý về thủ tục như phải thông báo ngay cho Quốc hội sau khi ban bố thiết quân luật.
“Việc lực lượng quân đội xâm nhập Quốc hội và phá vỡ chức năng của Quốc hội là hành vi vi hiến và bất hợp pháp. Mặc dù ông Yoon đã dỡ bỏ thiết quân luật sau khi chấp nhận cuộc bỏ phiếu bác bỏ của Quốc hội, nhưng điều đó không giúp ông thoát khỏi tội vi phạm Hiến pháp. Hành động của ông Yoon có thể cấu thành tội phản quốc vì có thể bị coi là nỗ lực phá vỡ Hiến pháp”, bà Kim lập luận.
Trong khi đó, đảng đối lập cho biết họ đã bắt đầu chính thức hóa các kế hoạch để buộc tội phản quốc đối với Tổng thống Yoon.