Đường làng, ngõ xóm tại xã Hợp Tiến được bê tông hóa.
|
Về thăm Hợp Tiến trong những ngày cả nước kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, những con đường bê tông hóa, giao thông nông thôn phát triển, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố minh chứng cho sự đổi thay ở vùng quê nghèo khó ngày nào.
Cách đây gần 80 năm, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nam Sách đã được thành lập tại Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến). Đây là chi bộ ra đời sớm trong tỉnh Hải Dương và là cơ sở hoạt động, là căn cứ địa của Huyện ủy Nam Sách, tỉnh Hải Dương và liên tỉnh B trong những năm từ 1940 đến 1945. Sự ra đời của Chi bộ đã góp phần quan trọng vào việc thành lập Huyện ủy Nam Sách và Tỉnh ủy Hải Dương sau này.
Từ năm 1940, Hợp Tiến cũng như Đình Đầu (thờ Phật Minh công chúa thời Trần) trở thành cơ sở cách mạng quan trọng của liên tỉnh B. Đình là nơi cất giấu vũ khí, nơi thành lập đội tự vệ đầu tiên của tỉnh Hải Dương, là cứ địa để nhân dân tập trung đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng thời, đình là cơ sở để cán bộ lãnh đạo địa phương chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng.
Ngày 22/8/1945, được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đội tự vệ quần chúng cách mạng đã tổ chức mít tinh, tuyên bố giải tán chính quyền thực dân phong kiến và thành lập Ủy ban lâm thời ở Hợp Tiến. Trụ sở của chính quyền cách mạng được đặt ngay tại đình Đầu.
Là một quê hương anh hùng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cả xã đã có 583 con em lên đường tòng
quân đánh giặc, trong đó có 228 liệt sỹ, 81 thương binh, bệnh binh. Xã
có 8 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 752 tập
thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Đảng bộ và nhân
dân xã Hợp Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng
vũ trang nhân dân.
Bí thư Đảng ủy xã Hợp Tiến Lê Văn Ba chia sẻ:
Ngày nay, đời sống nhân dân trong xã đã có nhiều đổi thay; đường làng,
ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, điện, nước sạch về đến từng
hộ gia đình đảm bảo được chất lượng cuộc sống tốt hơn trước kia rất
nhiều. Các phong trào đóng góp xây dựng, tu bổ và phát triển mọi mặt ở
Hợp Tiến được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, rộng khắp và mang lại hiệu quả
lâu dài cho địa phương.
Chất lượng công trình bền vững, đạt yêu
cầu, hạ tầng giao thông được cải thiện, tạo đà cho kinh tế - xã hội
cũng được phát triển theo. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt
hơn 29 triệu đồng, tăng hơn 19 triệu đồng so với năm 2010. Đến cuối năm
2017, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng.
Quần thể di tích Đình Đầu tại xã Hợp Tiến.
|
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Hợp Tiến đang nỗ lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hợp Tiến thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đoàn kết, năng động, bằng nhiều nguồn lực xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hợp Tiến cũng là một trong 5 xã đầu tiên của huyện Nam Sách chọn để tiến hành xây dựng nông thôn mới.