Hé lộ một FBI siêu quyền lực mà ông Trump được thừa hưởng

Trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump, FBI đã đảm trách vai trò quan trọng cùng những ảnh hưởng chưa từng có kể từ sau cái chết của Giám đốc FBI đầu tiên J. Edgar Hoover năm 1972.

FBI được mở rộng quyền lực rất lớn, nhất là từ sau loạt vụ khủng bố 11/9/2011.

Những tài liệu mà tờ Intercept thu thập được sau nhiều tháng điều tra đã tiết lộ những quyền lực rộng lớn mà Cục điều tra Liên bang (FBI) Mỹ sở hữu, đặc biệt khi họ phải huy động năng lực để giám sát những kẻ chống đối âm mưu tiến hành khủng bố nước Mỹ. Đó là những quyền lực rộng lớn, một số trong đó bị cho là đi ngược lại các quyền tự do và quyền con người cơ bản.


Đội quân chỉ điểm


Một trong những cách quan trọng để FBI thu thập thông tin đó là tuyển mộ và đào tạo những người chỉ điểm, còn gọi là nguồn "đặc vụ kín". Trong thập niên 1980, số người chỉ điểm vào khoảng 6.000, nhưng sau vụ khủng bố 11/9 đã vọt lên trên 15.000 người.

Tài liệu mà Intercept mới công bố cũng cho thấy một số cách tiếp cận của FBI đã vi phạm “quyền tự do công dân của những người đang trở thành đối tượng được tuyển mộ”.

Khoảng 200 trang trong tập “Hướng dẫn chính sách nhân lực đặc vụ”, đề thời điểm tháng 9/2015, cung cấp những bước đi cụ thể và chi tiết mà các đặc vụ FBI phải tuân theo trong quá trình chiêu mộ và xử lý với người chỉ điểm.


Chẳng hạn, đặc vụ FBI được khuyên phải điều tra những công dân Mỹ có thể được chiêu mộ làm chỉ điểm. “Trước khi tiếp cận một người có thể cung cấp tin, đặc vụ cần xây dựng hồ sơ về người đó, sử dụng các thông tin được thu thập trong dữ liệu của FBI, bao gồm thông tin về việc làm trái của họ cũng như thông tin thu thập được từ những người chỉ điểm khác”, tài liệu viết. Việc khai thác "phốt" của đối tượng là nhằm gây áp lực trong trường hợp họ không muốn hợp tác chỉ điểm.

Ông Donald Trump bước vào sân khấu Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016.

Đặc vụ cũng có thể chiêu mộ cả người thiểu số, giáo sĩ, luật sư hay nhà báo làm người cung cấp tin. Những người này có thể hoạt động ở nước khác, và FBI không có nghĩa vụ phải thông báo cho quốc gia đó về hoạt động khai thác thông tin.

Nhưng tại sao FBI lại cần đến một đội quân chỉ điểm khổng lồ như thế trong khi họ có thừa lực lượng từ cơ bắp đến bộ não? Vấn đề ở chỗ, đội quân chỉ điểm cho FBI có thể làm bất cứ điều gì mà một nhân viên chính thức không được phép làm - từ những vụ lục soát không có lệnh của tòa án cho đến quan hệ với các mục tiêu để lần ra những phần tử cốt yếu hoặc những âm mưu khủng bố.

Hoạt động mạng

Đặc vụ FBI hoạt động rất tích cực trên mạng Internet, không chỉ nhằm chiêu mộ người chỉ điểm hay truy dấu hoạt động của các tổ chức khủng bố, mà còn phát hiện các nguy cơ khủng bố tiềm tàng.

Theo tài liệu “Hướng dẫn chính sách đối phó khủng bố”, đề tháng 4/2015 mà Intercept công bố, các đặc vụ liên quan đến hoạt động chống khủng bố online nên kiểm tra các website và mạng mà cơ quan này nghi ngờ có thể sử dụng cho các hoạt động chiêu mộ và tuyên truyền.

Cuộc điều tra của họ có thể mở rộng sang cả những người quản lý các diễn đàn, những người liên quan đến việc phát triển các biện pháp an ninh liên lạc.

Do thám tất tần tật

Các tài liệu rò rỉ còn cho thấy FBI có thể do thám bất cứ ai, kể cả người đó không có mối liên hệ nào với khủng bố hay dính dáng gì tới danh sách những người cần chiêu mộ làm chỉ điểm.

Tài liệu "Hướng dẫn hoạt động và điều tra nội bộ" (DIOG), mà Intercept có được, cho phép đặc vụ FBI theo dõi điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội và các dữ liệu khác, truy dấu lịch sử hộ chiếu, thị thực xuất nhập cảnh, kiểm tra cơ sở dữ liệu của Mạng trấn áp tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính hay dữ liệu từ các sở địa phương về rượu, thuốc lá, vũ khí và thuốc nổ.

Giám đốc FBI James Comey.

Phân biệt chủng tộc

Intercept cũng tiết lộ tài liệu "Hướng dẫn Chính sách đối phó khủng bố" cho thấy, việc phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo vẫn phổ biến trong các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Mặc dù FBI chưa bao giờ công khai về tình trạng xâm nhập thuyết người da trắng ưu việt trong lực lượng thực thi pháp luật Mỹ, nhưng Giám đốc FBI James Comey đã từng phần nào thừa nhận điều này hồi năm 2015.

Theo tài liệu rò rỉ nói trên, nhiều vụ phân biệt chủng tộc của các sĩ quan da trắng đã bị chìm xuồng khi các báo cáo bị rút bỏ.

FBI cũng bị cáo buộc đã có lịch sử dài có các hoạt động tiếp cận phân biệt chủng tộc với các nghi phạm. Bên cạnh đó, các đặc vụ FBI thường vi phạm các quy định về điều tra liên quan các tổ chức tôn giáo, chính trị.

Giám sát nhà báo

Theo các tài liệu mật đó, FBI cũng có quyền lực rộng rãi trong việc do thám các phóng viên, nhà báo, trong khi theo luật thì đặc vụ cần sự cho phép từ ít nhất 2 quan chức ngành để có thể lấy được bản kê điện thoại của một nhà báo.

FBI cũng có thể thu thập thông tin về các cuộc gọi của nhà báo mà không cần xin phép thẩm phán, hay thông báo cho cơ quan báo chí chủ quản.

Phan Long (Theo Sputnik, Intercept)
Chiến dịch quân sự đầu tiên thời ông Trump thất bại vì tình báo kém?
Chiến dịch quân sự đầu tiên thời ông Trump thất bại vì tình báo kém?

Theo giới quan chức quân sự Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã vội vàng phê chuẩn kế hoạch đột kích nhằm vào nhóm khủng bố al Qaeda ở Yemen mà không có sự chuẩn bị đầy đủ về thông tin tình báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN