Trong ký ức của các hibakushya (cách gọi tiếng Nhật chỉ các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử) giây phút kinh hoàng đó là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời.
Các hibakushya mà tôi được gặp trong chuyến đi đến hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đều đã trên 80 tuổi. Khi thảm họa xảy ra, họ là những học sinh tiểu học khoảng 9, 10 tuổi. Ở độ tuổi vô lo chỉ biết chơi, ăn và học, họ đã trải qua một thảm kịch kinh hoàng nhất trong cuộc đời.
Cụ Ogura Takao, một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima. |
Tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, một quần thể các kiến trúc tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom nguyên tử Hiroshima, mỗi ngày cụ Ogura Takao (82 tuổi), đều ra ngồi cạnh bờ sông Motoyasu. Nhớ lại buổi sáng ngày 6/8/1945, cụ không khỏi nghẹn ngào.
Cụ Takao kể lại lúc đó cụ mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi, cụ nhìn thấy một đường sáng chói lòa, tiếp đến một tiếng nổ đinh tai. Sau khi khói tan, với bản năng của một đứa trẻ, cụ bỏ chạy về nhà. Trên đường về, những hạt mưa đen rơi xuống khắp người cụ.
Mưa đen là do bụi và muội của vụ nổ, kết hợp với hơi nước trong không khí, rơi trở lại mặt đất mang theo chất phóng xạ. Những ngày tiếp theo, cả thành phố Hiroshima chìm trong tang tóc với người chết, người bị thương la liệt. Các cơ sở vật chất bị phá hủy, cuộc sống vô cùng khó khăn, lương thực thiếu trầm trọng.
Quả bom Little Boy với sức công phá 13 kiloton, khi rơi xuống Hiroshima đã nổ cách mặt đất khoảng 600 m, làm 90.000 người thiệt mạng ngay trong ngày 6/8/1945 trên số dân cư ước tính vào khoảng 250.000 người trong thời điểm đó. Đến tháng 12 năm 1945, tổng số nạn nhân ở Hiroshima thiệt mạng vì bom nguyên tử đã lên tới 140.000 người.
Cụ Minoru Moriuchi kể lại thảm kịch ngày 9/8. |
Ba ngày sau thảm kịch tại Hiroshima, đến lượt thành phố Nagasaki trở thành mục tiêu của quả bom nguyên tử thứ hai. Đối với cụ Minoru Moriuchi (80 tuổi), những hình ảnh tang thương của ngày 9/8/1945 trở thành một nỗi ám ảnh suốt đời. Theo dòng ký ức của cụ Minoru Moriuchi, cụ lúc đó mới chỉ là một cậu bé 8 tuổi ham chơi và rất giỏi leo cây. Thời tiết sáng 9/8/1945 rất nóng, không có mây, nắng rất chói chang.
Cậu bé Minoru Moriuchi đang cùng với một người bạn nữa leo lên cây hồng, địa điểm cách tâm khu vực bom nổ hơn 4,8km. Trong khi đang mải chơi, cậu đột nhiên thấy một vệt sáng chói cậu chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Thậm chí với đầu óc của một đứa trẻ, cậu còn tưởng rằng đó là do Mặt trời bị nổ tung.
Thành phố Hiroshima hoàn toàn bị phá hủy sau vụ nổ bom. |
Với các kỹ năng tự bảo vệ được dạy ở trường, cậu cùng với bạn nằm rạp xuống đất, ôm chặt lấy đầu và tai. Một tiếng nổ đinh tai, nhức óc, đất đá đổ rào rào lên người. Lúc đứng dậy, cậu bé Minoru thấy một đám mây dày dị thường đang bao phủ một vùng rộng lớn của thành phố.
Quá sợ hãi, cậu bỏ chạy về nhà và chứng kiến những khung cảnh đau lòng. Cậu gặp cô ruột một tay dắt đứa con năm tuổi, lưng cõng một đứa bé ba tuổi. Cậu tận mắt chứng kiến đứa em họ ba tuổi trút hơi thở cuối cùng trên lưng mẹ. Những ngày tiếp theo, cậu tiếp tục chứng kiến sự ra đi của những người thân, cô ruột, em họ ba tuổi và anh trai.
Cụ Minoru Moriuchi nhớ lại trong những ngày tháng đau thương cùng cực đó, mọi người như trở nên vô cảm. Hầu như không có nổi một giọt nước mắt để rơi, chỉ có những khuôn mặt đau đớn câm lặng không nói nên lời.
Genbaku Dome - tòa nhà chứng tích về sức phá hủy của bom hạt nhân. |
Lúc bom nổ, có khoảng 200.000 người trong thành phố Nagasaki. Quả bom nguyên tử đã rơi xuống khu vực phía Bắc, nơi tập trung các cơ sở vũ khí công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng nếu quả bom rơi xuống phía Nam, khu vực tập trung dân cư và thương mại thì con số thương vong lớn hơn rất nhiều.
Theo số liệu thống kê, 70.000 người trên tổng số 240.000 dân cư Nagasaki chết ngay và 60.000 người khác bị thương trong ngày 9/8/1945. Bán kính vụ nổ là 1,6 km, những đám cháy trải dài từ phần bắc của thành phố cho đến 3,2 km cách vụ nổ về phía nam.
Chiếc xe đạp 3 bánh của cậu bé Shinichi Tetsutani, một nạn nhân thiệt mạng do sức nóng của bom nguyên tử khi cậu đang tập đạp xe trong sân nhà. |
Cùng với vết thương tinh thần, các hibakushya còn bị rất nhiều bệnh tật do hậu quả của việc nhiễm phóng xạ. Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue, cho biết ảnh hưởng của phóng xạ sẽ còn tiếp tục kéo dài vì phóng xạ khi đã nhiễm vào bên trong cơ thể con người sẽ phá hủy tế bào, tuy nhiên sẽ không biết đến khi nào các tế bào bị phá hủy sẽ khiến cho người bị nhiễm xạ đổ bệnh. Vì vậy, các nạn nhân bom nguyên tử cho đến bây giờ vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả của thảm kịch năm 1945.
Theo số liệu chính thức, tại Nagasaki hiện có khoảng 30.000 người và tại Hiroshima có khoảng 50.000 người là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử năm 1945. Đã 72 năm trôi qua, Hiroshima và Nagasaki giờ đây đang có diện mạo mới. Thế nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đau thương đó, các nạn nhân vẫn không quên được cảm giác đau đớn và hoảng loạn trước những hậu quả thảm khốc của loại vũ khí hủy diệt này.