70 năm trước, một bé gái may mắn đã sống sót khỏi thảm kịch bom nguyên tử lịch sử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). 70 năm sau, cô bé đã thay đổi, tuổi tác đã cao, sức khỏe yếu đi song những kí ức kinh hoàng về vụ đánh bom thảm sát đó vẫn còn nguyên vẹn.
Cảnh tượng chụp từ trên không vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. |
Đó là một sáng mùa hè trong lành, cô bé Yukiko Nakabushi 5 tuổi vẫn như mọi khi là người đầu tiên đến trường mẫu giáo và chờ các bạn. Song ngày hôm đấy, họ không bao giờ xuất hiện. Đúng 8h15 ngày 6/8/1945, một vùng sáng bất chợt lóe lên đi kèm tiếng nổ lớn, biến thành phố Hiroshima thành cát bụi. Bà Nakabushi (76 tuổi) là một trong số 183.519 người sống sót sau vụ nổ bom. Theo con số thống kê, hai quả bom đã cướp đi hơn 70.000 sinh mạng ngay lập tức, và trong những thập kỷ sau đó, số người chết tiếp tục tăng lên đến gần 200.000 người vì những di chứng do bị nhiễm phóng xạ cấp tính.
Cả thành phố bị tàn phá nặng nề sau vụ thả bom. |
Bức ảnh màu hiếm hoi cho thấy sự tàn khốc của thảm kịch. |
Em bé ngồi khóc giữa đống đổ nát do vụ thả bom gây xúc động cho độc giả.
|
Với những người sống sót như bà Nakabushi, ngày kỷ niệm hàng năm khơi lại nỗi đau trong bà. Chính những nỗi đau đó đã giúp bà có thêm sức mạnh, trưởng thành và góp thêm tiếng nói phản đối cuộc chiến hạt nhân.
Chỉ cách có hơn 1,5 km so với trung tâm vụ nổ, bà Nakabushi may mắn được bảo vệ khỏi lớp phóng xạ từ bom nguyên tử khi ngồi trong lớp học. Sau đó, Nakabushi cố gắng thoát ra khỏi tòa nhà trong trường trước khi nó đổ sập do ảnh hưởng từ vụ nổ. Nakabushi còn nhớ như in cảnh tượng về đến nhà, mọi thứ đều tan biến, chỉ có người ông đang cố gắng giải cứu bà của Nakabushi.
Mẹ của Nakabushi không may mắn như vậy. Quả bom rơi xuống đúng khu vực bà đang làm việc cùng những người hàng xóm. “Mẹ tôi bị bỏng nặng hết người, nhưng bà vẫn cố gắng trở về nhà. Ngay sau khi biết tôi còn sống, bà yên tâm trút hơi thở cuối cùng. Mọi người đều nói bà muốn trở về nhà mặc dù bị thương nặng đến vậy chỉ để xem tôi có ổn hay không?”
Chúng tôi mang thi thể của mẹ định đi chôn ở vùng ngoại ô và không thể tượng tượng nổi, cả thành phố như biến mất hoàn toàn. Tất cả các ngôi nhà đều đổ sập thành những đống đổ nát lớn và hàng trăm người khó khăn đi lại trên đường phố với những vết bỏng rát trên người. “Người họ toàn là đất bụi, tóc bị cháy trụi đến phần chân, và da gần như bị bong tróc, cháy xém”. ‘Nước, nước’ đó là tất cả những gì họ nói, song chúng tôi không thể giúp được gì, chúng tôi cũng không mang nước bên người”.
Vượt qua hai cây cầu, một cảnh tượng khác kinh hoàng hơn hiện ra. Thi thể nằm la liệt giữa phố. Người bị thương vẫn tiếp tục tìm nước, song chúng tôi được yêu cầu không cho họ uống vì họ sẽ chết ngay sau khi nhấp ngụm nước đầu tiên. Tiếng rên rỉ của mọi người yếu ớt dần, và sau đó từng người từng người ra đi”, bà Nakabushi đau đớn kể lại.
Người bị thiêu trụi toàn bộ quần áo, tóc và da do tác động của quả bom. |
Di chứng của bom nguyên tử để lại trên những người sống sót. |
Gần 200.000 người chết trực tiếp và gián tiếp vì vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản trong suốt 70 năm qua. |
Nỗi đau thể xác qua đi nhưng nỗi đau tinh thần đè nặng lên những người sống sót. “Ăn và sống là nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi phải học cách vượt qua nỗi buồn và sự trải nghiệm khắc nghiệt. Bà Nakabushi cảm thấy ông trời đã quá ưu ái mình khi có tiếp một cuộc sống yên bình bên người cha và mẹ kế. Sau đó, bà kết hôn và cùng chồng chuyển tới Osaka, có 3 người con lành lặn trưởng thành.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn đến vậy. Những người sống sót sau vụ nổ, với biệt danh “hibakusha” bị xã hội tẩy chay xa lánh. Nhiều người phụ nữ không tìm được hạnh phúc trong hôn nhân do người bạn đời nghi ngại họ không sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, trong khi đó, nhiều hibakusha khác không được thuê làm việc do ông chủ có xu hướng phân biệt đối xử. Thậm chí đến tận năm 2011, nhiều người hibakusha còn bị buộc vào sống tại các trại tị nạn và trung tâm y tế dành cho người bị “ô nhiễm”, và nhận được khoản trợ cấp ít ỏi từ phía chính phủ.
Với những đứa trẻ có bố mẹ ông bà sinh sống tại Hiroshima và Nagasaki, chúng được người lớn dặn tuyệt đối không được tiết lộ thân thế của mình. “Mọi người nói chúng tôi không được phép nói với người khác chúng tôi là ‘hibakusha’ vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội kết hôn của bản thân”, bà Nakabushi chia sẻ, “nhưng tôi vẫn lấy chồng và cảm thấy may mắn khi những người xung quanh không phân biệt đối xử”.
Trưởng thành, bà Nakabushi gia nhập và là một thành viên tích cực của Tổ chức dành cho người trải qua nỗi đau bom nguyên tử Tokyo. Bà đã đi khắp các vùng tại Nhật Bản, kể cho hàng ngàn học sinh, sinh viên về trải nghiệm của bà. “Bom nguyên tử là quỷ dữ. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân vô tội, từ cả hai phe. Hòa bình có lẽ là điều quý giá và hạnh phúc nhất đối với nhân loại”.