Hồi ức của người nữ Trung đội trưởng dân quân bắn rơi máy bay Mỹ

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là giai đoạn đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ Hải Dương đã lập nên nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Một trong những chiến tích ấy thuộc về Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) với toàn bộ thành viên đều là nữ và là người Công giáo.


Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước long trọng kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường cuối ngõ thuộc khu Trung (xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang), bà Đặng Thị Minh bồi hồi nhớ về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khó quên. Ngày đó, bà Minh là Trung đội trưởng Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt.

Dân quân tự vệ săn máy bay tầm thấp. Ảnh: Minh Lộc/TTXVN

Năm nay đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", mái tóc bạc trắng, bước chân có phần chậm chạp nhưng khi kể về những năm tháng chống Mỹ sục sôi trên mảnh đất quê hương gần nửa thế kỷ trước, đôi mắt bà Minh lại sáng lên, giọng nói sang sảng đầy tự hào. “Đó là những năm tháng Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc” - bà Minh nhớ lại: “Đàn ông tòng quân gần hết. Ở quê khi đó hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Khi Tỉnh đội chỉ đạo huyện đội thành lập Trung đội dân quân cơ động với mục tiêu tìm địch mà đánh, đón đầu địch mà đánh, tôi cùng 12 chị em trong xã đều là người Công giáo, chưa lập gia đình vào cùng một đội”.


Đơn vị thành lập tháng 6/1967. Năm đó, cô gái Đặng Thị Minh mới 17 tuổi, được giao làm Trung đội trưởng. “Đội chúng tôi toàn những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, ai ai cũng một lòng muốn cầm súng chiến đấu. Các đội dân quân tự vệ khác chỉ trực chiến trong làng, riêng Trung đội cơ động của chúng tôi theo điều động của tỉnh, sẵn sàng đi khắp nơi”, bà Minh kể lại với ánh mắt lấp lánh niềm vui.


Sau khi lên Tỉnh đội nhận vũ khí là súng 12 ly 7 về, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt được Huyện đội huấn luyện chiến đấu hàng ngày ngay tại cánh đồng làng. Những người con gái Công giáo kính Chúa, yêu nước đã ngày đêm say mê luyện tập không biết mệt mỏi, tập từ việc tháo lắp súng, lau súng, đến cách bắn, cách hô khẩu lệnh…


Trải qua một khoảng thời gian huấn luyện ngắn, đơn vị nhận nhiệm vụ đi trận địa bảo vệ cống Bá Thủy (huyện Bình Giang). Tại đây, lúc 11 giờ 30 phút ngày 23/2/19, các nữ dân quân đã bắn cháy 1 chiếc máy bay F4H của kẻ thù. Đến đầu tháng 3/19, Trung đội tiếp tục được điều động di chuyển tới xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ) và chỉ trong hơn 1 ngày đêm, đơn vị lại có lệnh chuyển tiếp đến bến đò Tranh (thuộc địa phận huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình).


Trong bối cảnh khó khăn, hiểm nguy thường trực nhưng những nữ dân quân Tráng Liệt luôn đồng lòng, dốc sức chiến đấu với mong muốn góp sức mình đánh đuổi giặc Mỹ. Bà Minh còn nhớ như in: “Chúng tôi được xã cấp cho 4 cái xe bò, mỗi lần chuyển trận địa là một lần chúng tôi hành quân bằng xe bò. Trên xe là vũ khí, gạo, xong nồi để nấu nướng. 


Đến đâu cũng ưu tiên việc củng cố trận địa, nào đắp ụ, tìm hướng đặt súng rồi mới dựng lều bạt làm chỗ ăn ngủ. Bữa cơm chỉ có rau là chính, lâu lâu mới có tí thịt do xã cử người tiếp tế cho. Thế mà ai cũng vui, cũng khỏe. Cái chân súng 12 ly 7 nặng hơn 50 cân mà chúng tôi vác trên vai lội ruộng băng băng. Tôi trực tiếp phân công các thành viên luân phiên nhau trực gác súng cả ngày lẫn đêm, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”.


Thời điểm đơn vị chuyển trận địa đến bến đò Tranh (thuộc địa phận huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình) là giai đoạn máy bay Mỹ thường xuyên quần thảo về ban đêm. Nhà máy xay Ninh Giang, một trong những mục tiêu địch nhắm đến chỉ cách nơi “đóng quân” của những nữ dân quân Tráng Liệt khoảng chừng 1km bên kia sông.


Đã gần 50 năm trôi qua nhưng khoảnh khắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ trong đêm 31/3/19 vẫn còn in rõ trong tâm trí bà Minh. Bà xúc động kể: Tối hôm đó đúng ca tôi trực. Khu vực này thường có tàu bè, xà lan đi lại nên nhiều tiếng động cơ. Khoảng 23 giờ 20 phút ngày 31/3/19, tôi phát hiện ra có tiếng máy bay. Trước đó, lúc còn ở làng, tôi từng được giao nhiệm vụ lên chòi canh máy bay để báo động cho nhân dân vào hầm trú ẩn nên tôi phân biệt được tiếng máy bay rất nhanh. Tôi đứng ở giữa trận địa, xung quanh mình là 4 ụ súng, đồng đội đều đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. Trên trời tối đen là máy bay địch gầm gừ. Phán đoán hướng máy bay rất nhanh, tôi hô vang: “Tất cả chuẩn bị! Bắn!”. Bốn khẩu 12 ly 7 cùng một hướng đồng loạt nhả đạn về mục tiêu. Nhìn thấy máy bay bốc lửa, lao ra phía biển, không ai bảo ai, tất cả nhảy cẫng lên, ôm lấy nhau reo hò vui sướng.


Qua giây phút vui mừng, người Trung đội trưởng cử người chèo thuyền qua sông, báo tin về Huyện đội Ninh Giang và từ đây báo tin về Tỉnh đội. Đến sáng hôm sau, Ban tác chiến của Tỉnh đội xuống tận nơi kiểm tra trận địa, sau đó Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tiếp tục kiểm tra, thông báo chúng tôi đã bắn rơi máy bay A6A. Biết tin, trong sáng ngày 1/4/19, nhân dân huyện Ninh Giang chèo thuyền sang, chúc mừng các nữ dân quân, tặng quà bằng thịt, gạo, bánh kẹo.


Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt được lệnh rút về địa phương. Từ đây, bà Minh và các chị em trong đội vẫn sát cánh cùng nhau vừa sản xuất, vừa tuần tra bảo vệ địa phương. Bà Minh được kết nạp Đảng tháng 5/19 và làm Bí thư Đoàn xã Tráng Liệt hai khóa, là đảng ủy viên, tích cực thi đua sản xuất, xây dựng quê hương. 


Dù ở cương vị nào, người nữ Trung đội trưởng Đặng Thị Minh cũng nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực, trách nhiệm. Sau này, năm 1972, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt lại được tái hợp để tiếp tục chiến đấu bảo vệ các mục tiêu khác trên địa bàn của huyện, của tỉnh. Thời kỳ này, bà Đặng Thị Minh đã đảm nhiệm cương vị Bí thư xã Đoàn, chức Trung đội trưởng dân quân do bà Đào Thị Kim đảm nhận.


Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Các cấp cũng tặng nhiều huy hiệu, bằng khen cho từng cá nhân. Bà Đặng Thị Minh được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là ngày đáng nhớ với người Trung đội trưởng Trung đội dân quân cơ động xã Tráng Liệt năm xưa. “Nghe đài báo tin miền Nam giải phóng, cả xứ đạo hân hoan. Nhà thờ rung chuông liên hồi. Ai ai cũng vui sướng, phấn khởi”. Từ đây, bà Minh cùng các chị em trong đơn vị trở về với đời sống thường nhật, chăm lo vun vén cho gia đình. Nhiều người tiếp tục giữ những vị trí nòng cốt ở xã.


Nhiều năm nay, cứ vào ngày 31/3 hàng năm, các chị em cùng Trung đội dân quân cơ động ngày ấy lại họp mặt, liên hoan để ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa không thể nào quên. Xúc động giở lại tấm Huy chương kháng chiến - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, bà Minh không giấu nổi bùi ngùi: "Ngày thường thì lo toan bao nhiêu là việc, cũng có lúc quên, nhưng hễ lúc nào nghe các bài hát về thời chống Mỹ như bài “Đường cày đảm đang” hay “Tiễn anh lên đường” là trong lòng tôi lại lâng lâng, bồi hồi lắm! Tôi nhớ về thời trẻ của mình, nhớ những năm hăng hái đánh Mỹ. Nhớ lắm!”.


Mạnh Minh (TTXVN)
Dân quân tự vệ Hà Tĩnh sẵn sàng chiến đấu
Dân quân tự vệ Hà Tĩnh sẵn sàng chiến đấu

Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và nhận thức đối với lực lượng dân quân tự vệ tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh và làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Kỳ Anh, Công an thị xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN