Bản làng ở xã Mường Phăng. |
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Mường Phăng được chọn làm Sở Chỉ huy Chiến dịch - cơ quan đầu não của Quân đội ta. Đây chính là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm lại mảnh đất cách mạng Mường Phăng. Xã Mường Phăng nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 35 km. Con đường từ Quốc lộ 279 uốn lượn, ẩn mình dưới những tán rừng già, men theo lòng hồ Pá Khoang dẫn lối đưa chúng tôi đến Mường Phăng. Những năm trước, đường còn nhỏ hẹp, nhiều dốc cao, điểm cua trơn trượt, khó đi, nay đã được nhựa hóa, mặt đường rộng rãi, hai bên đường nhiều ngôi nhà sàn mái ngói đỏ cũng được dựng lên, nằm san sát nhau...
Con đường trục chính chạy dọc trung tâm xã Mường Phăng đến các điểm di tích lịch sử nổi tiếng như Cụm tượng đài mừng công, Công viên Chiến thắng Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... đã được quy hoạch lại rộng rãi, thoáng đãng, mặt đường được nhựa hóa, có vỉa hè sạch đẹp. Đấu nối với trung tâm xã là những con đường nhánh dẫn về các bản, làng cũng đã được bê-tông, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Tại trung tâm xã, nhiều cửa hàng mọc lên, nhộn nhịp người mua sắm. Chợ Trung tâm xã Mường Phăng được quy hoạch, cải tạo, nâng cấp lại quy mô hơn. Những sản vật quen thuộc, đặc trưng trong đời sống của bà con dân tộc Thái như quần áo thổ cẩm, mật ong rừng, lợn “cắp nách”, gà “chạy bộ”, các loại rau củ quả, dao, cuốc... được bày bán rất nhiều ở chợ.
Nhiều nhà hàng, quán tạp hóa được xây dựng mới khang trang ở xã Mường Phăng. |
Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Đời sống của người dân đã đang đổi thay từng ngày. Cách đây ít năm, hơn 1.000 hộ với gần 5. 000 nhân khẩu còn phải lo từng bữa cơm, nhiều gia đình còn phải trộn cơm với ngô sắn để ăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng với sự nỗ lực, chung tay phấn đấu của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn lao động sản xuất, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 30%, người dân đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Xã Mường Phăng đã trồng được hai vụ lúa/năm. Ngoài trồng lúa, người dân trong xã còn chú trọng gieo trồng các loại cây hoa màu khác như rong giềng, ngô, cây ăn quả và chăn nuôi hơn 6.000 con gia súc, khoảng 35.000 con gia cầm. Đặc biệt, Mường Phăng đang xây dựng, mở rộng nhiều mô hình kinh tế như mô hình nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng các loại cây ăn quả như hồng, mắc coọc, mận… để khai thác, phát huy hết tiềm năng sẵn có ở địa bàn.
Hiện tại, địa bàn xã cũng đã có nhiều hộ gia đình khá giả, có thu nhập cao từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng với các cây, con chủ lực như: nuôi cá, lợn rừng, nhím... Cơ sở vật chất, giao thông của xã đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, những con đường chính đều được bê tông hóa.
Đặc biệt hơn, với xuất phát điểm thấp, kinh tế thuần nông, hiện nay, xã Mường Phăng đã đạt được 12 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Kết quả bước đầu này đã tạo nên niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong xã, động viên, khích lệ Đảng bộ chính quyền và người dân địa phương tiếp tục vươn lên, sớm đưa Mường Phăng trở thành xã nông thôn mới.
Bản Che Căn là bản văn hóa truyền thống của xã Mường Phăng. Trong Nhà văn hóa cộng đồng, những phụ nữ người Thái đang múa hát. Bản Che Căn là nơi đang bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của người Thái như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội...
Bản có hơn 10 ngôi nhà theo kiến trúc của người Thái đen được tôn tạo, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… Cùng với đó, những lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát triển. Với những tiềm năng sẵn có này, trong định hướng phát triển kinh tế, bản Che Căn được chính quyền xã Mường Phăng chọn lựa, nhân rộng để phát triển thành bản du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và thăm quan khi đến với Mường Phăng.
Nắm bắt được lợi thế là vùng du lịch trọng điểm, nhiều gia đình ở xã Mường Phăng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế gia đình khi đầu tư, phát triển các cơ sở kinh doanh nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, buôn bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa vùng miền, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình phục vụ du khách.
Đường ở xã Mường Phăng đã được bê tông hóa. |
Anh Lường Văn Xuyên, bản Phăng 1, xã Mường Phăng là chủ một nhà hàng cho biết: Trước kia, anh buôn bán nhỏ lẻ. Nhận thấy nhu cầu ăn, nghỉ của du khách khi đến tham quan du lịch trên địa bàn, anh đã mở nhà hàng này. Ngoài bày bán các loại sản vật đặc trưng bản sắc của dân tộc Thái, nhà hàng còn phục vụ nhu cầu ẩm thực cho du khách với các món ăn truyền thống của đồng bào Thái như: các món cá, thịt nướng, nộm hoa ban, rau rừng, măng đắng, gà chăn thả đồi, nếp nương, cơm lam...
Tự hào về mảnh đất lịch sử, gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ: Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Nhà nước, đầu tư xây dựng hồ Thủy điện Loọng Luông 1 để cung cấp lúa tưới tiêu cho nông nghiệp xã. Nhiều công trình giao thông, trường học mỗi năm đều được gia đình Đại tướng hỗ trợ. Ba ngôi trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở ở xã đều được xây dựng rất khang trang.
Để xứng đáng với truyền thống lịch sử của mảnh đất cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng luôn nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, chính trị xã hội. Người dân đang phát huy tiềm năng du lịch ở địa phương để phát triển kinh tế, cùng nhau giữ gìn bảo vệ Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Mường Phăng.