Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản kiên cường

Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản trẻ tuổi kiên cường, là một trong những người sáng lập Đảng ta, cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Công đoàn Việt Nam.

Ông bị thực dân Pháp giết hại lúc mới 24 tuổi, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, vẻ vang, oanh liệt và hình ảnh người anh hùng cộng sản hiên ngang trước máy chém Nguyễn Đức Cảnh đã làm kẻ thù kính phục, làm chấn động tình cảm đồng bào, đồng chí với niềm tiếc thương vô hạn, thổi bùng lên ngọn lủa cách mạng sôi sục của quần chúng, cổ vũ hàng triệu người anh dũng, hiên ngang dấn bước trên con đường cách mạng.

Nguyễn Đức Cảnh (ảnh
) sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương đã nuôi dưỡng tinh thần, khí phách cho người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh. Là một thanh niên sớm có lòng yêu nước, ông bắt đầu tham gia cách mạng từ khi là học sinh trường Thành Chung (Nam Định) và đã bị đuổi khỏi trường vì là một trong những người tổ chức lãnh đạo học sinh bãi khoá đòi tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926). Cuối năm 1926, ông lên Hà Nội sinh sống và hoạt động. Ông làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký rồi dạy học tại Trường Công ích, một trường tư nhỏ ở Bạch Mai. Nhưng khi bọn thực dân Pháp biết ông là học sinh bãi khoá, ông lại bị mất việc. Sau đó ông xin vào làm thợ sắp chữ tại nhà in Mạc Định Tự tức nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội. Tại đây, ông đã thấm thía nỗi khổ nhục của người công nhân và quyết tâm đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân.

Năm 1927, sau khi gặp các đồng chí trong Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông được học lớp huấn luyện chính trị theo chương trình của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Lớp học kết thúc, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi về nước hoạt động.

Trước sự phát triển của phong trào công nhân ngày càng mạnh mẽ, ông là một trong những người sớm nhận thấy lúc này cần phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo để đưa Cách mạng tiến lên. Tháng 3-1929, ông cùng với sáu đồng chí khác họp ở ngôi nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, tổ chức ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta.

Ngày 28-3-1929, dưới danh nghĩa Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Chi bộ Cộng sản Hàm Long đã triệu tập Đại hội đại biểu cả xứ tại đồn điền Bôren (Sơn Tây). Nguyễn Đức Cảnh đã dẫn đầu đoàn đại biểu công nhân Hải Phòng và khu mỏ dự đại hội. Ông đã nhiệt liệt tán thành đề án thành lập Đảng Cộng sản của Đại hội.

Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Chi bộ Hàm Long làm lễ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công phụ trách công tác vận động công nhân trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, các Công hội đỏ đã liên tiếp xuất hiện ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ trên miền Bắc. Hoạt động của các Công hội đỏ ngày càng đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất.

Trên cương vị của mình, ngày 28-7-1929, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ, thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ do ông đứng đầu. Đại hội bầu Ban chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí. Đại hội quyết định xuất bản báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Tháng 12-1929, tại phố Hậu Giám (Hà Nội), ông triệu tập Hội nghị Ban chấp hành lâm thời Công hội Bắc Kỳ để thống nhất công hội địa phương lên toàn xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ.

Ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (gần Hương Cảng), đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở 3 kỳ thành Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Đức Cảnh là một trong 2 đại biểu được Đông Dương Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị hợp nhất Đảng. Sau Hội nghị này, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Cùng với các công tác khác của Đảng, ông đã xây dựng Hải Phòng thành cửa ngõ liên lạc các cơ sở Cách mạng trong nước với nước ngoài.

Tháng 4-1930, nhận chỉ thị của Trung ương, Nguyễn Đức Cảnh đã tổ chức đón đồng chí Trần Phú về nước an toàn. Thời gian này ông đã cung cấp về tình hình giai cấp công nhân cũng như kinh nghiệm vận động công nhân, góp phần cùng đồng chí Trần Phú trong việc chuẩn bị viết dự thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng. Ông còn là người thành lập hai chi bộ đầu tiên của thanh niên cộng sản nước là Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Nhà máy Xi măng và Trường Bônan (nay là Trường Ngô Quyền, Hải Phòng).

Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: thaibinh.gov.vn

Tháng 4-1931, ông bị bắt tại làng Yên Dũng Hạ, nay là Hưng Thuỷ, sát thành phố Vinh trong một tối đang trên đường đi công tác.

Từ ngày 15 đến 17-11-1931, trước phiên toà của thực dân Pháp ở Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh và nhiều chiến sĩ Cộng sản khác đã biến “vành móng ngựa” thành diễn đàn lên án bọn thực dân đế quốc. Tòa án thực dân Pháp đã xử Nguyễn Đức Cảnh án tử hình. Khi tên chánh án thực dân Busê hỏi ông có muốn xin Tổng thống Pháp ân xá án tử hình không, Nguyễn Đức Cảnh nói: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam đâu phải là có tội? Đã không có tội, ta cần gì xin ân xá!”.

Ngày 31-7-1932, ông bị thực dân Pháp xử chém tại Hải Phòng, lúc đó ông mới 24 tuổi đời. Ông đã giật băng đen bịt mắt lớn tiếng lên án thực dân Pháp.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh cao cả, về phẩm chất đạo đức trong sáng của người cộng sản chân chính, đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân, xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những lãnh tụ tiền bối của Đảng ta.

Hồng Quảng (TTXVN)
Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường
Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường

Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN