Nhà văn Vũ Hùng: Truyền tình yêu thương đến mọi người

Từ những năm 60-80 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Hùng đã được bạn đọc thiếu nhi yêu mến qua những trang viết về thiên nhiên, muông thú.

Xuân này, nhà văn có thêm một tin vui lớn. Ông vừa vinh dự được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng Sự nghiệp-giải thưởng ghi nhận những nỗ lực của ông trong một thời gian dài với bộ sách 18 tập viết cho thiếu nhi.

Ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp

Nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: cand.com.vn

Một ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, tôi được gặp nhà văn  khi ông cùng cháu gái ra Hà Nội nhận giải thưởng. Chia sẻ niềm vui với đọc giả yêu mến, ông cho biết mình bắt đầu viết từ năm 1962. Bộ truyện cho thiếu nhi được giải thưởng lần này viết từ năm 1970, hoàn thành năm 1985 và đã được in ở nhiều nhà xuất bản tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong mấy chục năm cầm bút, nhà văn Vũ Hùng có 2 phần viết cho trẻ em; trong đó phần viết cho thiếu nhi đã xuất bản 18 cuốn, phần viết cho nhi đồng cũng đã được hoàn thành với sự hỗ trợ của con trai ông -Vũ Sơn. Bên cạnh đó, nhà văn cũng có phần viết biên khảo về những người có sự nghiệp đóng góp cho văn học và khoa học, kỹ thuật thế giới.

Trong làng văn Việt Nam, ít người có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó miêu tả thiên nhiên thành công như nhà văn Vũ Hùng. Dưới ngòi bút của ông, thiên nhiên đẹp tự nhiên như bông hoa mới chớm nở, như con voi, con nai rừng hoang dã dễ thương, như mây trắng trời xanh... Văn của ông nhẹ nhàng như sợi tơ nhưng có thể mang sức mạnh của cơn gió lớn khiến cả núi rừng rung vang, lên tiếng.

Trước những trang văn giàu cảm xúc ấy, người đọc sẽ thật bất ngờ khi được biết, thủa nhỏ nhà văn không hề biết viết văn, thậm chí  phải “đánh vật” với những bài tập làm văn. Thời niên thiếu của ông trôi qua cùng nhiều biến động của thời cuộc, gia đình ly tán. Và rồi ông trưởng thành hơn từ những năm tháng trong quân ngũ, đi học trong nhà trường của quân đội bên nước bạn Trung Quốc.

Ông từng làm chiến sĩ điện báo, từng có mặt ở Trường Sơn, ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh và làm nhiệm vụ cao cả trên đất Lào. Hòa bình lập lại, ông có thời làm kỹ sư điện, có khi làm nhà văn, nhà báo, biên tập viên… có lúc là cán bộ quản lý cấp Vụ ở một bộ, rồi lại sống ở trời Tây, làm đủ mọi nghề trong 20 năm ở Pháp.

Sống giữa thời gian khó của lịch sử đất nước nhưng nhà văn Vũ Hùng đã tìm ra cho mình một hướng đi đúng đắn trong nghiệp viết khi chọn mảng văn học thiếu nhi. Luôn trung thành với lựa chọn đó, ông vững vàng bước trên con đường yêu thương tha thiết thiên nhiên và muôn loài, con đường đề cao phẩm chất “thiện”, cái đẹp nội tâm của con người gắn bó với loài vật nguyên sơ.

Nhà văn tâm sự rằng quãng thời gian quân ngũ với những cuộc hành quân đã mang lại cho mình nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, phong tục tập quán của các dân tộc Việt, Lào chung sống trên dải Trường Sơn. Tất cả những chuyến đi đó giúp ông tích lũy thêm vốn sống, thôi thúc ông cầm bút viết…

Khi viết, ông dành hết tài năng, tâm huyết miêu tả đời sống của người lính với những con vật hoang dã, hiền lành mà mình đã gặp gỡ, quen biết và yêu thương trong suốt cuộc đời chinh chiến. Những trang viết của nhà văn Vũ Hùng được đánh giá không thua kém, thậm chí phong phú hơn một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Võ Quảng. Muông thú trong tác phẩm của nhà văn có tâm hồn và tính cách riêng. Dù đó là khi ông viết về con kiến, con culi hay những loài động vật to lớn như gấu, voi.

Nhà văn Hà Phạm Phú, một trong những đồng nghiệp của nhà văn Vũ Hùng từ thời làm việc ở báo Quân đội Nhân dân từng kể rằng cuốn sách đầu tiên của nhà văn Vũ Hùng mà ông được đọc và có ấn tượng rất mạnh mẽ là cuốn “Mùa săn chim”. Cách viết về thiên nhiên, về con vật trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng rất tinh tế và luôn có những bài học sâu sắc.

Truyền tình yêu thương đến mọi người

Một bộ sách của nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: cand.com.vn

Cầm trên tay cuốn sách của nhà văn Vũ Hùng, người đọc sẽ dễ ràng cảm nhận được ở ông có một tình cảm sâu nặng, nhiều trăn trở với sự tồn vong của đời sống muôn loài, nhất là những loài sống hoang dã trong tự nhiên. Có lẽ từ khi ông bắt đầu viết những trang sách đầu tiên cho trẻ nhỏ, ông đã tôn trọng loài vật, tôn trọng sự bình đẳng giữa con người và con vật để rồi nâng niu, quý trọng những tình cảm hồn nhiên ấy.

Qua những trang văn của Vũ Hùng, người đọc sẽ được mãn nhãn với một Việt Nam xanh thẳm trong miền rừng núi sơn cước, được thấy một Việt Nam đầy đủ hơn mà trước đó hình như mình còn nhìn Tổ quốc có phần sơ sài, đơn giản và thiếu thốn…từ đó thêm yêu quê hương, đất nước mình.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã từng thốt lên: thiên nhiên trong tác phẩm Vũ Hùng mang vẻ đẹp nam tính, khỏe mạnh. Tiếp xúc với một thiên nhiên như vậy, con người ban đầu có thể hoảng sợ nhưng khi đã hiểu, gắn bó rồi, lại thấy như có thêm sức mạnh và muốn vươn lên sống ngang tầm với nó.

Riêng với những trang viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi, rất nhiều đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học khi tham dự những cuộc hội thảo, giới thiệu sách của nhà văn Vũ Hùng đều cùng chung cảm nhận rằng những trang văn về tình yêu thiên nhiên và loài vật của ông sẽ đến với trẻ em, như một chất đề kháng của tâm hồn chống lại sự thâm nhập của sự vô cảm, tính ác đang hiện diện dữ dội.

Nhà phê bình Nguyễn Vân Thanh, người dành sự quan tâm đặc biệt tới văn học thiếu nhi trong nhiều năm qua khẳng định tác phẩm của Vũ Hùng tạo được cảm hứng cho độc giả nhỏ tuổi. Theo ông, văn chương của Vũ Hùng dạy các em giá trị của cái đẹp, lòng nhân hậu. Những câu chuyện của nhà văn đều có cốt truyện đơn giản nhưng để lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu sắc, khó quên.     

Bản thân nhà văn Vũ Hùng lại luôn mong muốn qua tác phẩm của mình, độc giả nhỏ tuổi sẽ “hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế và con người hiền hòa như thế!".

Xuân này, nhà văn Vũ Hùng bước sang tuổi 88, mái tóc đã bạc trắng, bước đi đã không còn nhanh nhẹn như những mùa xuân trước. Ông thừa nhận rằng thời gian qua mình viết ít vì bận kiếm sống, rằng không gì vất vả bằng làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng khi đã luống tuổi. “Suốt 25 năm tôi chỉ viết được một cuốn truyện dài “Mây trôi” và hai tập nhỏ truyện ngắn “Đò trăng”, “Cô giáo quốc tế vũ”. Những tập sách này tôi đã đưa lên trang web vu-hung.com. Tôi sẽ tự in chúng, không phải để bán mà để tặng người thân và bạn bè”-nhà văn tâm sự.

Nhà văn Vũ Hùng có 3 con, nhưng không ai theo nghiệp viết của ông. Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn luôn coi nuôi dạy con nên người, có sự nghiệp riêng là một trong những thành công lớn của mình. Hiện ông không tiếp tục viết nữa và dành thời gian vui vầy cùng con cháu tại thành phố mang tên Bác.

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội, là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, phụ trách Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và nhà xuất bản Văn học… Ông định cư tại Pháp từ năm 1989, trở về Việt Nam sinh sống tháng 5/2014.

Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã viết hơn 30 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được ông tự mình chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho cuốn “Sao Sao” (1982) và cuốn “Sống giữa bầy voi” (1986). 12 tập truyện viết cho thiếu nhi của ông (trong bộ 18 tập vừa được tôn vinh tại Lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 2018) từng nhận giải Vàng sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2016.

Mỹ Bình (TTXVN)
Nhà văn Vũ Ngọc Phan - Một tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt
Nhà văn Vũ Ngọc Phan - Một tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt

Cuộc đời Vũ Ngọc Phan là những năm tháng mải mê với nghiệp viết, từ làm thơ, làm báo, dịch thuật đến viết tiểu luận phê bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN