Trước khi trở thành nhạc sĩ, ông là một người lính. Năm 1949, chàng thanh niên 17 tuổi Đoàn Hữu Công tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách ở Khu ủy Liên khu V. Chính những cuốn sách về âm nhạc trong kho sách ấy đã giúp người trai trẻ mày mò tự học và tập sáng tác…
Trực tiếp sống và chiến đấu ở chiến trường như một người lính, những bài hát của ông cũng có thể coi là một phần của cuốn biên niên sử, luôn phản ánh chân thực không khí chiến đấu bất khuất của quân và dân Liên khu V.
Cố nhạc sỹ Thuận Yến. Ảnh: doisongphapluat.com
|
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông có nhiều sáng tác cổ động tinh thần kháng chiến như “Ba lô ta buộc cho chặt”, “Vành lá ngụy trang rất xanh”, “Hát mừng quê ta giải phóng”, “Mỗi bước ta đi”, “Bài ca tiếp vận”, “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”… Đặc biệt bài hát “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” được phổ biến nhanh chóng ở cả hai miền Nam, Bắc, đến nay vẫn là ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng.
Với hơn 500 ca khúc, thành công cả ở 3 mảng đề tài: Ca khúc các mạng, ca khúc viết về Bác Hồ và tình ca, nhưng những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điều đặc biệt. Những bài hát: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Người về thăm quê”... là tất cả tình cảm chứa chan của nhân dân đối với Bác mà nhạc sĩ Thuận Yến đã lắng nghe, cảm nhận, ghi chép trên khắp các ngả đường đất nước.
Có lẽ ngay từ những ngày đầu trên chiến trường Trị Thiên những năm 1965-1966, khi ông viết bài hát “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, hình ảnh Bác Hồ đã theo ông suốt cuộc hành trình sáng tạo âm nhạc và Người luôn có mặt trong các tác phẩm âm nhạc của ông kể cả tác phẩm Giao hưởng “Khúc ruột miền Trung” - tác phẩm 5 chương, ông sáng tác trong thời gian trở lại miền Bắc hoàn thành chương trình Đại học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thuận Yến đã cho ra đời thêm nhiều ca khúc mới về Bác Hồ. Khởi đầu cho giai đoạn này là bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, trong cuộc vận động sáng tác viết về Hồ Chủ tịch nhân 90 năm ngày sinh của Người. Đó là kết quả của những đêm thức trắng để tìm cách thể hiện riêng.
“Bác Hồ một tình yêu bao la” được nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1979. Bài hát được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với tiếng hát của NSND Thanh Hoa, ngay lập tức trở thành bài ca xuất sắc về Bác Hồ. “Bác Hồ một tình yêu bao la” được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến ai nghe cũng thấy xúc động với hình ảnh lãnh tụ vĩ đại “cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”.
Chùm bài hát về Bác của Thuận Yến là bức tranh âm nhạc rất riêng và đa dạng, thể hiện nhiều khía cạnh cảm xúc của mỗi người chúng ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Nếu “Bác Hồ một tình yêu bao la” là khúc hát ngợi ca đầy tình cảm với những ca từ da diết: “Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, thì “Miền Trung nhớ Bác” là khúc hồi tưởng về “trời miền Trung mưa tuôn, nắng cháy, đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường, để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương”...
Cũng với tình cảm thiêng liêng, sâu lắng, giản dị như vậy, Thuận Yến đã làm rung động trái tim người nghe qua các bài “Người về thăm quê” và “Vầng trăng Ba Đình” bằng một ngôn ngữ âm nhạc thanh cao mang đầy âm hưởng dân gian, dân tộc. Với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là tác giả "Có nhiều sáng tác hay nhất về Bác Hồ”.
Và trong 5 ca khúc tiêu biểu của Thuận Yến được giải thưởng Nhà nước năm 2001 thì đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là “Bác Hồ - một tình yêu bao la” và “Miền Trung nhớ Bác”.
Người góp phần thổi bùng trào lưu nhạc nhẹ
Không chỉ thành công ở dòng nhạc cách mạng, nhạc sĩ Thuận Yến còn ghi dấu ấn trong dòng nhạc trữ tình bằng những ca khúc rất hay về tình yêu. Hàng loạt ca khúc tình yêu của ông có sức sống bất tận, không bao giờ cũ, như những viên ngọc càng qua thời gian càng tỏa sáng. “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Khát vọng”, “Tình yêu không lời”, “Em tôi”, “Thì thầm với dòng sông”… - những ca khúc chỉ nghe qua một lần đã yêu, đã nhớ.
Những ca khúc này của ông đã góp phần thổi bùng sự phát triển của nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, thời điểm đời sống âm nhạc Việt đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ.
Gia tài âm nhạc của ông, nếu thời chiến tranh mang âm hưởng của tình yêu đất nước của một thời cuộc gian nan nhưng đầy khí phách, thì gia tài âm nhạc của ông ở thời bình lại rất thiết tha, đậm đà tình yêu nam nữ, với đủ “cung bậc người”- nỗi buồn đau, niềm hạnh phúc, nỗi thất vọng, khát khao.. Những giai điệu đó không chỉ “chạm khắc tên ông vào thời gian” mà còn chạm khắc vào trái tim của người yêu nhạc nhẹ ở nhiều độ tuổi. Câu chuyện về chiến tranh có thể sẽ qua đi, chỉ có tình yêu tuổi trẻ mới chính là dòng chảy bất tận ở lại.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nhận định: "Vai trò của nhạc sĩ Thuận Yến trong âm nhạc Việt Nam rất quan trọng. Có thể nói, ông đã tạo nên một cơn bão lớn phủ lên toàn bộ đời sống âm nhạc nước ta những năm đầu thập niên 1990 khi bất ngờ công bố nhạc phẩm “Chia tay hoàng hôn”. Ca khúc không chỉ đánh dấu bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao của ca sĩ Thanh Lam (năm 1991) mà còn như một cú hích cuối cùng tạo sự bùng nổ dòng nhạc nhẹ".
Đây cũng là một tuyệt phẩm đã đưa ông lên hàng nhạc sĩ viết tình ca hay nhất Việt Nam. "Chia tay hoàng hôn” theo thời gian vẫn làm say lòng người yêu nhạc Việt cho đến ngày hôm nay…
Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Thuận Yến đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh 2017…
Ngày 24-5-2014, nhạc sĩ Thuận Yến đã đi vào giấc thu trong sự tiếc thương của biết bao người. Người yêu nhạc luôn nhớ về ông, nhớ về một “trái tim” luôn “thắp lửa” yêu thương cho những bản tình ca đẹp và hiền hòa nhất.