Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng đón tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992). Ảnh: TTXVN |
Ông được giao chép truyền đơn, thơ ca yêu nước, các bài xã luận, hiệu triệu, tin tức… nhưng là viết ngược trên bản in, ban đầu là bằng đất sét, sau này là thạch cao, bằng mực tím đặc quánh để in ra giấy. Rồi dần dà ông được giao đọc, biên tập, sửa bản in.
Năm 1948, khi 18 tuổi, ông được cử làm chủ bút tạp chí “Tinh thần mới” của Đảng bộ Hải Dương. Đây là tờ báo địa phương được làm ngay trong vùng địch hậu. Ông vừa là chủ bút, vừa viết tin, bài, lên maket và theo dõi in. Cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của ông bắt đầu từ đây.
Năm 1950, Đỗ Phượng được cử làm ủy viên thường trực Ban Tuyên truyền Đảng bộ Liên khu 3 (gồm 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng). Có thể nói đây là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cầm bút của ông.
Tổng Giám đốc Đỗ Phượng chụp ảnh với các nghệ sỹ trong buổi ra mắt Đoàn ca nhạc dân tộc (6/1992). Ảnh: Cao Phong/TTXVN |
Những tháng ngày làm nghề ở tờ báo Cứu Quốc Liên khu 3 đầy gian khổ vẫn là quãng thời gian đầy tự hào đối với nhà báo Đỗ Phượng. Ông từng tâm sự rằng, tất cả mọi kỹ năng làm báo, ông đều học được trong thời gian làm báo Cứu Quốc. Cứu Quốc là tờ báo mà ông được sinh ra.
Những kỷ niệm khi làm tờ báo Cứu Quốc là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời làm báo của nhà báo Đỗ Phượng. Đó là lần in báo Cứu Quốc Liên khu 3, chính ông đã tự rà soát, đọc, chỉnh sửa bản in bài xã luận do chính ông viết: “Sắc lệnh giảm tô và cải cách ruộng đất”. Dù đã rất cẩn thận, nhưng khi báo in ra vẫn sai một từ. Chính xác hơn, chỉ là sai một cái dấu nặng lại thành ra dấu hỏi. Nghĩa là ông viết sắc lệnh là “trợ lực” cho cuộc đấu tranh của người dân, thì bản in đã thành “trở lực”.
Sai một cái dấu, nội dung đã mang một nghĩa khác. Bản in ra đã phải thu hồi lại vào sáng hôm sau, còn cái lỗi sai một cái dấu “chết người” ấy đã trở thành bài học mà sau này ông thường xuyên nhắc lại trong những buổi nói chuyện với phóng viên trẻ và sinh viên báo chí.
Nhưng cũng bởi trưởng thành từ một phóng viên, thấu hiểu sự khắc nghiệt của nghề báo, ông cảm thông sâu sắc với công việc tòa soạn và hiểu rằng đôi khi vẫn có những lỗi morat không mong muốn xảy ra. Điều này đòi hỏi sự cẩn thận cao độ trong nghề nghiệp là vì vậy.
Một lãnh đạo có tâm, có tầmNăm 1966, khi mới 36 tuổi, ông đã trở thành Phó Tổng Biên tập của TTXVN và tham gia Ban lãnh đạo ngành liên tục trong 30 năm, trong đó từ năm 1990 đến 1996 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN.
Tổng Giám đốc Đỗ Phượng chụp ảnh với Ban chỉ huy quân sự Sư đoàn 304 ngày 20/12/1994, trong dịp đoàn TTXVN lên thăm Sư đoàn. Ảnh: Tiến Ất/TTXVN |
Trong 30 năm tham gia Ban lãnh đạo TTXVN, nhà báo Đỗ Phượng đã góp phần rất quan trọng cùng Ban Lãnh đạo và tập thể cán bộ, phóng viên toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, trong xây dựng, đổi mới và phát triển để TTXVN xứng đáng với hai danh hiệu Anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi Mới.
Đặc biệt, trong thời gian làm Tổng Giám đốc TTXVN (1990 - 1996), với cương vị và trách nhiệm của người đứng đầu, nhà báo Đỗ Phượng cùng Ban lãnh đạo TTXVN tiếp tục có những bước đi sáng tạo, tập hợp và động viên đội ngũ cán bộ, phóng viên toàn ngành đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt để cơ quan thông tấn quốc gia theo kịp với những yêu cầu của hoạt động báo chí truyền thông trong thời kỳ mở cửa và hội nhập.
Những người có dịp tiếp xúc với nhà báo Đỗ Phượng những năm sau này, khi ông đã ở tuổi gần 90, đều rất ấn tượng với tâm huyết, trách nhiệm và đặc biệt về sự nhanh nhạy, minh mẫn của ông với những vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Ông vẫn viết bài cho các báo, tham gia các hoạt động, chia sẻ
kinh nghiệm và có mặt thường xuyên trên các diễn đàn với một
sự năng động thật đáng khâm phục.
Tác phẩm “Nghề báo, những kỷ niệm khó quên” của ông ra mắt bạn đọc năm
1998, thể hiện nỗi đau đáu suốt đời của một người làm báo thông tấn là
sự cẩn trọng và độ nhạy bén nghề nghiệp để đạt được mục tiêu cuối cùng
là chất lượng và hiệu quả thông tin.
Tổng Giám đốc Đỗ Phượng gặp mặt các nhà báo nước ngoài dịp ra mắt tờ báo mới của TTXVN (14/11/1994). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN |
Nhiều thế hệ nhà báo TTXVN mãi mãi biết ơn nhà báo Đỗ Phượng - một người lãnh đạo có tầm, nhạy bén, sắc sảo, khi cần rất táo bạo, quyết đoán; một nhà báo giàu tài năng, tâm huyết; một người thủ trưởng rất gần gũi, bình dị và quan tâm đến mọi người.
Mỗi cán bộ, phóng viên trong ngành, từ công việc của mình, đều lưu giữ những kỷ niệm riêng về ông. Ông là một tấm gương sáng về trí tuệ, sức viết, sức sáng tạo và sự cống hiến đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và TTXVN nói riêng.
Nhà báo lão thành Đỗ Phượng (Đỗ Kim Phượng), sinh ngày 16/11/1930, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa VII, Đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn. |