70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào:

Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 3: 'Tôi đề nghị được hy sinh'

Quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào luôn là biểu tượng của tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm cũng không thể chia cắt.

Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh để sát cánh cùng các lực lượng cách mạng Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Không chỉ là máu xương để lại, trong những cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, họ sẵn sàng nhường cho nhau sự sống, như những bản tráng ca vượt lên trên tất cả những điều cao đẹp.

Chú thích ảnh
Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ảnh: TTXVN phát

Lời đề nghị đặc biệt

Chia sẻ ấn tượng về những tấm gương chiến đấu hy sinh của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 3 cho biết, lịch sử Quân tình nguyện Việt Nam có ghi lại một chuyến công tác và một lời đề nghị đặc biệt.

Vào khoảng đầu năm 1948, một đoàn cán bộ cấp cao của cách mạng Lào đi từ Thái Lan qua Lào về Việt Nam gặp Bác Hồ. Trong đoàn công tác có ba lãnh đạo cấp cao cùng Hoàng thân Souphanouvong và đồng chí Kaysone Phomvihane, khi đó là những cán bộ chủ chốt, cũng là những người chủ trì lãnh đạo cách mạng Lào. Ngoài ra còn có khoảng 3 - 4 đồng chí xứ ủy Ai Lao và 4 đảng viên của Đảng Cộng sản Miến Điện đi cùng.

Đoàn đi từ Thái Lan vượt qua sông Mekong về đến địa phận của tỉnh Xieng Khouang thì không may gặp địch. Đoàn gồm toàn cán bộ cấp cao nên chỉ có súng ngắn, tổ bảo vệ dẫn đường lại chỉ có 4 - 5 người nên cuộc chiến đấu rất không cân sức. Tuy nhiên, đoàn đã khôn khéo vượt qua được vòng vây của địch và tiếp tục cuộc hành trình về phía Việt Nam.

Không may, trong cuộc chiến đấu bất ngờ đó, đồng chí đội trưởng đội bảo vệ đã bị thương nặng, gãy xương đùi. Núi cao nhất, vực sâu nhất còn đang chờ ở phía trước, địch nhiều nhất cũng đang chặn ở phía trước, hành trình của đoàn trở nên rất khó khăn, phải khiêng nhau và cõng nhau, mấy tiếng đồng hồ tiếp theo đi thêm không được bao nhiêu, chưa qua được tầm hỏa lực của địch.

Tới lúc dừng lại nghỉ, đoàn có rút kinh nghiệm chấn chỉnh đội hình. Đồng chí đội trưởng đội bảo vệ bị thương nặng có nói với đoàn rằng: Tôi bị thương nặng, không thể đi được, kẻ địch lại đang rình rập ở phía trước rất nguy hiểm. Nếu dùng người khiêng cáng tôi càng dễ gây nguy hiểm tính mạng cho cả đoàn. Sau khi phân tích tình hình, đồng chí có một đề nghị ngắn gọn chỉ gồm sáu chữ: “Tôi đề nghị được hy sinh”.

Trung tướng Nguyễn Tiến Long cho rằng, lịch sử cùng nhau đấu tranh của hai dân tộc đã có biết bao nhiêu lời đề nghị được cống hiến cho cách mạng, nhưng lời đề nghị này là vô giá và hết sức đặc biệt. Đương nhiên, cả đoàn không ai chấp nhận đề nghị của đồng chí đó, bằng mọi cách vẫn vừa khiêng cáng, vừa bảo vệ các cán bộ đi cùng đoàn. Nhưng vì đường xa, mệt mỏi, đêm đó tất cả mọi người phải dừng lại nghỉ. Và trong khi mọi người ngủ thiếp đi, đồng chí đội trưởng đội bảo vệ đã tự thực hiện đúng sáu tiếng đề nghị của mình.

“Những tấm gương chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam ở trên đất Lào có hàng chục vạn lượt. Tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào cũng thật đặc biệt, đặc biệt như những lời đề nghị của đồng chí đội trưởng đội bảo vệ ấy…” - Trung tướng Nguyễn Tiến Long trầm giọng.

Lịch sử chỉ ghi lại rằng, người chiến sĩ quân tình nguyện ấy tên Phú, quê ở huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng chí là người Việt Nam sống ở Lào và tham gia đội quân cách mạng quân tình nguyện, là thành viên của đường dây liên lạc cách mạng quốc tế Thái Lan - Lào - Việt Nam.

Sống trọn đời mình với rừng

Trung tá Bùi Minh Sơn sinh năm 1950, là lính Công binh của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào từ năm 19. Cho đến bây giờ, ký ức về năm tháng cùng sống, chiến đấu với đồng đội trong những cánh rừng Lào vẫn in đậm trong trí nhớ của người cựu Quân tình nguyện đã hơn 70 tuổi.

Đang học dở lớp 10, cậu thanh niên Bùi Minh Sơn tình nguyện lên đường nhập ngũ với biết bao bỡ ngỡ.

“Xuất thân là học sinh Hà Nội, ở nhà tôi chưa bao giờ mang cái gì nặng quá 2 kg và đi bộ quá 2 km, nhưng khi chân ướt chân ráo vừa khoác bộ quân phục, lập tức nhận lệnh cùng đơn vị hành quân rèn luyện từ Hà Nội lên đến Sơn La, quãng đường bấy giờ khoảng 309 km. Ngoài quân trang, ba lô, đồ đạc, mỗi người chúng tôi phải vác trên vai 11 kg gạo và thực phẩm là cá khô. Đi được vài ngày ăn vơi số gạo và thực phẩm đi thì xe tiếp tế lại đuổi theo dồn vào đầy đủ. Khi lên tới Sơn La, trên vai mỗi người vẫn đủ 8 kg gạo, 3 kg cá khô”, ông Sơn nhớ lại.

Thời gian đầu, ông được phân về Quân khu Tây Bắc, sau đó biên chế về một tiểu đoàn công binh của Quân khu. Ở Lào có hai mùa rất rõ rệt, đó là mùa mưa và mùa khô. Địa hình của Lào chủ yếu lại là rừng núi, chỉ có một diện tích là đồng bằng.

"Mưa Lào trắng trời, từ ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác… Vì thế, điều kiện sinh hoạt, chiến đấu ở chiến trường cực kỳ gian khổ. Những đôi giày quân dụng rất bền, sản xuất cho người lính hành quân chiến đấu là bền nhất có thể, nhưng có những đôi chúng tôi chỉ đi một tuần đã bục, vì ngâm chân suối nước suốt ngày, chân lở loét. Cũng quãng đường ấy mùa khô chúng tôi đi mất 2 giờ đồng hồ, nhưng mùa mưa phải đi mất 5 tiếng, vì trơn, trượt ngã trên đường đèo dốc… Thậm chí có những đoạn đường vẫn đi vào mùa khô đã biến mất, trôi tuột xuống vực tự lúc nào theo những cơn mưa trắng xóa”, ông Sơn chia sẻ.

Chiến trường gian khổ, xa lạ, nhưng tình đồng đội đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã giúp những người lính vượt qua mọi khó khăn. Đồng đội ở cùng đơn vị ông Sơn có nhiều người dân tộc thiểu số đã ở rừng núi lâu ngày nên rất có kinh nghiệm, khu rừng như căn nhà của họ. Họ có thể đọc được những thông tin ở trong đó. Nhiều khi đi hành quân xuyên rừng, chỉ cần một vệt bùn còn dính ở trên lá cây, anh em người dân tộc có thể biết được đó là con gì, đã đi qua cách đây khoảng bao lâu, nặng khoảng bao nhiêu cân, hầu như không bao giờ sai. Hoặc chỉ cần nghe tiếng tắc kè, nhìn lá cây, nhìn ụ mối, anh em có thể đoán được thời tiết trong khoảng mấy chục giờ tới sẽ như thế nào. Việc đọc thông tin ở rừng giúp ích rất nhiều cho “kỹ năng sống” của những người lính nơi rừng thiêng nước độc.

“Những kiến thức, trải nghiệm ấy đến và được hình thành qua sống chết, giúp mình tồn tại để làm nhiệm vụ, chiến đấu, sống và cứu giúp người khác. Tôi vốn là dân thành phố, sống ở rừng một thời gian dài tự dưng cũng học tập các anh em người dân tộc, rồi dần dần cũng trở thành một phần của rừng núi cho đến bây giờ. Đến tuổi này tôi vẫn thích rừng núi hơn là biển cả. Về với rừng tôi cảm giác như được về nhà, không khí, hương thơm, thậm chí mùi lá mục có gì đó rất thân quen…”, ông Sơn bùi ngùi.

Không chỉ sát cánh cùng nhau trong cuộc sống, trong thực hiện nhiệm vụ, dưới điều kiện khó khăn, những người lính Công binh Quân tình nguyện Việt Nam người đi trước dạy người đi sau ngay tại thực địa, hướng dẫn nhau trong chính công việc hằng ngày, nỗ lực đảm bảo giao thông, sửa chữa đường sá, khắc phục bom mìn, vật cản…

Năm 1970, lúc bấy giờ ông Sơn cùng đơn vị đang ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Một hôm, ông và một chiến sĩ là người dân tộc Mông được cử đi phá bom. Do bị ném ở độ cao thấp nên sau khi chạm đất, một phần của quả bom trồi hẳn lên mặt đường. Xác định là bom nổ chậm, ông Sơn cùng người Tiểu đội phó đi cùng quyết định phá. Lúc bấy giờ có hai cách: Áp thuốc nổ kích bom nổ ngay, hoặc vần quả bom xuống suối, xuống vực chờ tới lúc bom tự nổ. Phương án đánh nổ quả bom để đảm bảo an toàn nhanh chóng được ông và đồng đội lựa chọn.

Trung tá Sơn hồi tưởng: “Chúng tôi đã gói buộc xong một khối lượng thuốc nổ khoảng 3 kg, tôi chuẩn bị bê thuốc nổ tiến đến để áp vào quả bom. Đây là những công việc hằng ngày, nên dù biết có nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn thực hiện hết sức bình thản như mọi lần. Đáng nhẽ hôm đó tôi đi. Nhưng không hiểu sao sau khi quan sát tình hình và suy nghĩ thoáng chốc, anh Tiểu đội phó lại bảo tôi để anh ấy thực hiện. Anh ôm gói thuốc nổ đi về phía quả bom, tôi ở cách đó khoảng 4 - 50 m. Tôi ước thời gian chưa đủ đã nghe thấy tiếng nổ rất to, sau đó tôi mới chột dạ nghĩ hay bom đã nổ sớm”. Khi chạy lên phía trước, đến nơi ông Sơn chỉ còn thấy một hố bom lớn, sâu hoắm và những mảnh quân phục rách tả tơi, vương trên mặt đất… Người đồng đội ấy đã nằm lại với rừng, vĩnh viễn không quay trở về…

Những giọt nước mắt thầm lặng

Có những người lính của Việt Nam đã mãi mãi nằm lại, bồi đắp máu xương trên những mảnh đất Lào để mang lại tự do, hòa bình cho nhân dân hai nước; nhưng cũng có những người sau mấy chục năm đằng đẵng cuối cùng đã được quay về với quê hương, gia đình, dù rằng các anh cũng không còn nữa…

Hoàng thân Souphanouvong từng nói: Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào. Những người mẹ, người vợ Anh hùng Việt Nam đã gửi nhiều sư đoàn quân tình nguyện đến giúp Lào. Hàng chục nghìn chiến sĩ Việt Nam đã âm thầm hy sinh trên đất Lào, và những người vợ, người mẹ ấy vẫn âm thầm chịu đựng và ngày càng vun đắp tình hữu nghị đặc biệt.

Hơn 25 năm đi tìm hài cốt chồng, bà Lê Thị Nhung, vợ liệt sĩ Trần Đức Lợi không ngừng hy vọng có một ngày sẽ đưa được ông về với đất mẹ.

Liệt sĩ Trần Đức Lợi quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông cùng bà Nhung xây dựng tổ ấm gia đình tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, thành phố Hà Nội và nhập ngũ năm 1954. Sau khi đất nước hòa bình, ông được điều đến công tác tại đơn vị làm kinh tế Tây Bắc, rồi được cử đi học tại Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp). Năm 1965, ông tái ngũ vào Sư đoàn 316 đi chiến đấu ở chiến trường Lào, sau đó hai năm, ông Lợi đã hy sinh tại chiến trường Hủa Phăn.

Sau khi chồng hy sinh, bà Nhung âm thầm, tần tảo nuôi dạy hai con gái khôn lớn, trưởng thành. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, hầu hết các gia đình có người thân đi chiến đấu trên các chiến trường đã trở về quê sum họp gia đình, nhưng bà vẫn ngày đêm mong mỏi tin tức về phần mộ của chồng. Bà luôn đau đáu trăn trở, mong muốn tìm và đưa được hài cốt chồng về quê hương để nhang khói cho ông.

Lần theo những giấy tờ còn sót lại, bà Nhung tìm Giấy báo tử ghi phiên hiệu đơn vị của chồng để làm căn cứ, sau đó đến bộ phận lưu giữ di vật liệt sĩ Phòng chính sách Sư đoàn 316 - đơn vị của ông Lợi khi chiến đấu, để hỏi thăm và xin sơ đồ mộ chí, nơi chôn cất chồng bà ở Hủa Phăn, Lào.

Từ đó, mỗi năm hai lần, bà thu xếp việc nhà, dành dụm tiền tàu xe rồi khăn gói lên đường, lặn lội đi tìm phần mộ chồng tại các nghĩa trang liệt sĩ Quân tình nguyện giúp Lào ở vùng giáp biên giới hai nước Lào - Việt Nam. Bà đã đi khắp các tỉnh Lai Châu, Sơn La... và nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, nhưng vẫn không tìm thấy phần mộ liệt sĩ của ông Lợi...

“Mặc dù các chuyến đi gian truân vất vả, nhưng tôi vẫn đi bởi linh cảm mách bảo tôi sẽ tìm thấy hài cốt của chồng”, bà Nhung chia sẻ.

Đến các nghĩa trang liệt sĩ Quân tình nguyện ở trong nước vẫn không thấy phần mộ của ông, bà quyết định làm thủ tục đi sang Lào vào năm 1999. Trên đường đi, đến cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), bà được đồn biên phòng nơi đây giúp đỡ nơi ăn ở và có cả cơm nắm để ăn trên đường đi. Đồn biên phòng còn cử người dẫn đường đưa bà qua cửa khẩu Na Mèo đến tận Mường Mọc, Sầm Nưa, nơi có nghĩa trang liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam.

Tại nghĩa trang này, theo sơ đồ của đơn vị thì phần mộ của liệt sĩ Trần Đức Lợi và một số phần mộ khác đã bị đào bới, chỉ còn những hố sâu có dấu vết đã cất bốc hài cốt. Chính quyền địa phương bạn Lào cho biết, các hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang đã được cất bốc di chuyển đi nơi khác từ năm 1986.

“Nhìn khu vực nghĩa trang hoang vắng, tôi không khỏi xúc động, rồi cầm một nắm đất ở phần mộ chồng (theo sơ đồ mộ chí của đơn vị) mà khóc tức tưởi. Tôi cầu khấn với vong linh liệt sĩ: Anh linh thiêng hãy chỉ cho em biết, anh đang nằm ở đâu? Để hằng năm em đến thắp nén hương cho anh”, bà Nhung xúc động nhớ lại.

Bà từng nằm mơ thấy ông về nói: “Đừng lo, anh sẽ về với em và các con. Anh ở đây không cô đơn đâu, vì còn có đồng chí, đồng đội. Anh đang ở Lào chưa về Việt Nam. Năm 2000, anh sẽ được về cùng với đồng đội”.

Bộ đội Biên phòng khuyên bà nên về nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao ở Điện Biên, nhưng khi tới đó bà cũng không tìm được phần mộ của liệt sĩ Trần Đức Lợi. Không nản lòng, bà đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa nhờ cán bộ phòng chính sách tìm kiếm. Bà Nhung được một cán bộ là Trung tá Phạm Minh Thư giúp đỡ, Trung tá Thư gọi điện báo cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ đang làm việc ở nước bạn Lào, kiểm tra lại một lần nữa.

Theo sơ đồ mộ chí, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Hoàng Minh Thế cùng anh em trong đội quy tập trở lại nghĩa trang đào sâu khoảng một mét thì gặp hài cốt. Phía trên hài cốt có một bi đông nước khắc tên Trần Đức Lợi, quê Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Theo dấu vết, đội quy tập tìm thêm được bốn hài cốt liệt sĩ khác.

Đội trưởng Hoàng Minh Thế vui mừng gọi điện ngay về Ban chính sách Tỉnh đội Thanh Hóa. Trung tá Phạm Minh Thư cũng lập tức gọi điện báo cho UBND thị trấn Trâu Quỳ biết để thông báo với gia đình bà Nhung chuẩn bị đón hài cốt liệt sĩ Lợi.

Biết tin đã tìm thấy hài cốt, mọi người trong gia đình bà Nhung vô cùng xúc động, thu xếp đến ngay nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, để đón liệt sĩ Trần Đức Lợi về quê.

“Trước lúc lên đường, anh đã nói với tôi, anh nhất định sẽ về với em và các con. Hôm nay anh đã về thật rồi!”... Với người vợ liệt sĩ ấy, bà tâm niệm ông vẫn luôn bên cạnh mình, tiếp thêm sức mạnh để suốt hơn nửa cuộc đời mình, bà và những người mẹ, người vợ trên khắp đất nước này đã nén nỗi đau, thầm lặng hy sinh, dệt nên niềm tin vào cuộc sống và cả nỗi đợi chờ…

Bài 4: Nghĩa tình để lại muôn đời

Hiền Hạnh (TTXVN)
Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 2: Một thập kỷ làm trợ lý cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane
Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 2: Một thập kỷ làm trợ lý cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane

"Tôi phục vụ cách mạng Lào 43 năm, trong đó có 25 năm ở trên đất Lào và 18 năm làm công tác ở các cơ quan giúp Lào tại Hà Nội. 25 năm ở Lào, tôi có 6 năm bộ đội, 19 năm làm chuyên gia, cố vấn, trong đó có 10 năm làm trợ lý Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane"…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN