Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước vẫn luôn nỗ lực khẳng định tình đoàn kết đặc biệt, trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào
Trường Hữu nghị T78 thành lập năm 1958, với 129 chiến sĩ Pathet Lào được chọn cử sang Việt Nam học văn hóa, mang phiên hiệu “T399”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập “Khu học xá miền núi Trung ương”.
Khu học xá miền núi Trung ương đã trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam dành cho lưu học sinh Lào học tiếng Việt và văn hóa các cấp. Đây là một quyết định đặc biệt với tầm chiến lược của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào.
Dù trải qua những tên gọi khác nhau: Khu học xá miền núi Trung ương, Trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương - Mật danh T78, Trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị hoặc Trường Hữu nghị T78 như hiện nay, nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, trường đều có một tên gọi đặc biệt và thân mật: “Trường Lào”.
Suốt chặng đường 60 năm hoạt động, Trường Hữu nghị T78 trải qua 9 lần di chuyển, đứng chân ở 15 xã, 7 huyện, 6 tỉnh, thành phố khác nhau. Hiện cơ sở của trường đặt tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Quá trình phát triển của trường là một chặng đường dài vượt qua biết bao thử thách về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn biến động, đời sống giáo viên và học viên, học sinh khó khăn… Trường là nơi đầu tiên và cũng là trường cội nguồn của tất cả các trường văn hóa dành cho lưu học sinh Lào học tập tại nhiều tỉnh của Việt Nam.
Trường được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các đối tượng lưu học sinh Lào; đào tạo bổ túc văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc theo mô hình dân tộc nội trú và đào tạo trung học phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Cả hai đối tượng học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam và lưu học sinh Lào có những nét tương đồng, gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán, thuận lợi cho việc bổ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt.
Đồng thời, trường còn có chức năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục; tham gia biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài; hỗ trợ các đơn vị giáo dục trong nước và nước ngoài trong công tác dạy học tiếng Việt; tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Từ ngôi trường này, gần 30.000 lưu học sinh Lào qua các thế hệ đã trưởng thành, trở thành những cán bộ chủ chốt và đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào; góp phần to lớn trong sự nghiệp đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ đất nước Lào anh em. Cũng từ đây, gần 10.000 học sinh dân tộc thiểu số ở 22 tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đã trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực quan trọng đóng góp cho đất nước.
Thầy giáo Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 cho biết: Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và đòi hỏi nâng cao chất lượng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, những năm gần đây, trường đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, đào tạo.
Trong đó, hoạt động tổ chức đưa lưu học sinh Lào tham gia trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng tiếng Việt, khả năng tự học… theo chương trình Homestay được nhà trường triển khai và nhận được nhiều đánh giá cao về kết quả chuyên môn. Chương trình Homestay được triển khai từ năm học 2014 - 2015, là một trong số những hoạt động có kết quả tích cực, qua đó giúp các lưu học sinh hòa nhập cộng đồng, thuận lợi trong việc tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của người Việt Nam.
Tới nay, khoảng 600 lượt lưu học sinh đã tham gia chương trình qua các đợt với quy mô ngày càng được mở rộng trên địa bàn xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ. Từ 10 hộ dân, đến nay đã có hơn 100 hộ dân tham gia đón nhận lưu học sinh Lào về sinh sống, học tập.
Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực trong lưu học sinh và nhân dân địa phương. Riêng năm học 2018 - 2019, trường tổ chức cho lưu học sinh tham gia Homestay trong 25 ngày - thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, hoạt động liên quan đến phong tục văn hóa của người dân Việt Nam.
166 lưu học sinh tham gia chương trình, sống ở 80 gia đình trong 4 thôn. Chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc rèn luyện các kỹ năng tiếng Việt của lưu học sinh Lào, phát huy khả năng tự học của lưu học sinh, đồng thời góp phần gìn giữ, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Chị Daymone Viranon hiện là nghiên cứu sinh tại Học viện Hành chính quốc gia (Hà Nội), đồng thời là chuyên gia hiệu đính tin, bài cho Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Lào; ngoài ra, chị cũng cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong hoạt động dịch thuật, biên tập. Được cử sang Việt Nam học theo diện đào tạo cán bộ, song trước khi làm nghiên cứu sinh, chị cũng đã có một khoảng thời gian dài học tiếng Việt tại Trường Hữu nghị T78.
Đánh giá về chương trình Homestay của trường, chị Daymone cho biết, lưu học sinh Lào tham gia chương trình được trải nghiệm với những tình huống giao tiếp cụ thể. Việc ăn ở sinh hoạt và thường xuyên tiếp xúc với sự vật, sự việc giúp người học cải thiện kỹ năng nghe, nói, hiểu.
Khi sống với nhân dân địa phương, lưu học sinh phải dùng tiếng Việt trong giao tiếp nên sẽ thúc đẩy sự chủ động, thường xuyên cố gắng tích lũy vốn từ, phát âm chính xác, đúng ngữ pháp, nói để người khác nghe, hiểu trong từng hoàn cảnh, từng trường hợp khác nhau.
Trong thời gian sinh sống tại nhà dân, vai trò chủ thể của lưu học sinh về tự học được phát huy tối đa, từ đó hình thành động cơ học tập đúng đắn hơn… Cùng sống, ăn ở với nhân dân là cơ hội thuận lợi để lưu học sinh rèn luyện khả năng tư duy, được nhân dân động viên, khích lệ, chia sẻ như người thân trong gia đình.
Đồng thời, sự hòa nhập có tính chất toàn diện của lưu học sinh Lào trong cuộc sống, lao động, sự tương tác, giao lưu về văn hóa với nhân dân địa phương đã góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Nhiều thành tựu chung trên các lĩnh vực
Không chỉ có sự gần gũi láng giềng, núi sông liền một dải, đã cùng sát cánh bên nhau trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, hai dân tộc Việt Nam - Lào trong thời bình lại cùng chung chí hướng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 18/7/1977 đánh dấu sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong bước phát triển toàn diện của mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào: Hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng...” Hiệp ước đã tạo tiền đề cho sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước, thể hiện thiết thực qua sự phát triển, tăng trưởng của các lĩnh vực đa dạng.
Những năm qua, các chương trình, dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt.
Ðến tháng 12/2018, Việt Nam có 409 dự án đầu tư sang Lào với tổng số vốn 4,1 tỷ USD; một số dự án lớn đã hoàn thành tiếp tục được khai thác, vận hành tốt, như thủy điện Xekaman 1, khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn, Crown Plaza; dự án của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
Việt Nam và Lào cũng đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương và tiểu vùng; tiếp tục phối hợp tìm kiếm các nguồn vốn triển khai các dự án quan trọng mang tính chiến lược, trong đó có hai dự án lớn: Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn dài khoảng 725 km; tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà-khẹc - Viêng Chăn…
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh, sinh viên tại 28 cơ sở giáo dục của Lào; hỗ trợ ngành giáo dục Lào xây dựng các công trình phục vụ dạy và học. Mỗi năm, Việt Nam dành cho Bạn hàng ngàn suất học bổng, liên tục có hàng chục ngàn lưu học sinh Lào học tập, sinh sống tại Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, Đoàn thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam - Lào luôn tích cực vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Tháng 5/2019, Trung ương Đoàn hai nước phối hợp tổ chức thành công tốt đẹp chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào.
Đoàn đại biểu 60 thanh niên Lào do đồng chí A Lun Xay Sủn Nạ Lạt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào làm trưởng đoàn đã có những ngày làm việc hiệu quả và đầy ý nghĩa tại Việt Nam.
Tại các cuộc gặp gỡ, lãnh đạo Trung ương Đoàn hai nước đã thống nhất tiếp tục phối hợp trong công tác giáo dục truyền thống; hợp tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn của Lào tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; hợp tác doanh nhân trẻ; hợp tác tình nguyện vì cộng đồng; giao lưu thiếu nhi hai nước; ủng hộ và hỗ trợ các tỉnh, thành đoàn giáp biên kết nghĩa, tăng cường hợp tác trên cơ sở lợi ích thiết thực, nhu cầu chính đáng của thanh niên hai nước …
Giao lưu nhân dân góp phần phát triển tình hữu nghị
Trong bối cảnh mới, Việt Nam chủ trương xác định ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, theo bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), ngoại giao nhân dân chính là sợi chỉ đỏ kết nối để tình hữu nghị thủy chung son sắt, hiếm có trên thế giới giữa Lào và Việt Nam được trường tồn mãi mãi cùng cả hai dân tộc, trải qua 70 năm tiếp theo và sẽ còn nhiều năm sau nữa trong suốt quá trình phát triển và tiến bộ của hai nước.
Chủ tịch VUFO cho rằng, đối với tình hữu nghị Việt - Lào, trong lịch sử, ngoại giao nhân dân chính là nền tảng sâu sắc, vững chắc đưa quan hệ hai nước phát triển, là tiền đề cho quan hệ hợp tác rất tốt đẹp về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, thời gian tới hai nước cần thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế; kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; tháo gỡ vướng mắc để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, nhất là lĩnh vực công nghệ, để hai nước cùng phát triển những giá trị hợp tác mang lại lợi ích thiết thực, đưa mỗi nước tiến lên một cách vững mạnh.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh cần chú trọng hợp tác về giáo dục, vừa tạo nên nền tảng tri thức, vừa góp phần củng cố nền tảng hữu nghị. Hằng năm, Việt Nam đào tạo hàng vạn du học sinh cho Lào. Chất lượng đào tạo cần được nâng cao hơn nữa để những du học sinh Lào tại Việt Nam thực sự trở thành nguồn nhân lực phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng đất nước Lào, cũng là cầu nối để củng cố tình hữu nghị gắn bó keo sơn giữa hai nước.
Đồng thời, hai bên cần tích cực tuyên truyền về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử ... của cả Việt Nam và Lào để nhân dân hai nước cảm nhận được sâu sắc tình cảm hữu nghị truyền thống đặc biệt này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình có nhiều sự biến động và thay đổi, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, trong công tác tuyên truyền, cần làm tốt việc dự báo những vấn đề nhạy cảm có thể phát sinh.
“Hiện nay trào lưu dân tộc chủ nghĩa trên thế giới phát triển rất mạnh. Các nước đều rất đề cao lợi ích dân tộc. Ở đây, chúng ta không những có tình cảm mà còn phải có trách nhiệm phát triển mối quan hệ này, nên việc giải tỏa những dư luận không thật, giải quyết thấu đáo tất cả những vướng mắc trong quan hệ hai nước là hết sức cần thiết và cần có thông tin rộng rãi tới tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định.
Song song với việc tuyên truyền, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị cho rằng, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật, giao lưu nhân dân, nhất là giao lưu giữa thanh niên và các doanh nghiệp hai nước; phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối quan trọng của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và Ban Liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.
Để củng cố mối quan hệ truyền thống, hằng năm Việt Nam tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm tăng cường tình hữu nghị Việt - Lào, từ tổ chức giao lưu, thăm hỏi đến điện mừng và các hoạt động văn hóa như thi hùng biện bằng tiếng Việt, tổ chức vẽ tranh truyền thống, các chương trình ươm mầm hữu nghị...
Theo bà Nguyễn Phương Nga, thời gian tới Việt Nam cần làm tốt hơn những chương trình này, đặc biệt nên tổ chức thêm các chương trình như: “Theo chân Chủ tịch Souphanouvong”, “Theo dấu chân của Bác Hồ”… để đưa nhân dân Lào và Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, tìm tới các di tích lịch sử, ôn lại truyền thống của hai dân tộc, như vậy sẽ đẩy mạnh được tình hữu nghị giữa hai nước.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ nhân đạo như là chúng ta đã từng làm khi có sự cố thủy điện; hoạt động tri ân như xây dựng nhà tình nghĩa cho bà mẹ Kanchia ….
Như vậy chúng ta sẽ thực sự đưa những hoạt động giao lưu, đoàn kết hữu nghị đi vào thực chất và hiệu quả hơn”, để tình hữu nghị Việt - Lào - tài sản thiêng liêng vô giá sẽ không ngừng được củng cố, phát huy mạnh mẽ và được tiếp tục vun đắp trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa…, để mãi mãi vững bền mối quan hệ gắn bó, keo sơn.