Sinh năm 1923 tại thành phố Wiszniew của Belarus (lúc đó thuộc Ba Lan), ông Shimon Peres là một trong những người sáng lập và định hình nhà nước Israel năm 1948. Cuộc đời ông luôn gắn liền với những diễn biến quan trọng nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước Do Thái hiện đại. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài 66 năm, ông đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước của Israel như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, thành viên Quốc hội (Knesset) từ năm 1959 đến 2007 và từng hai lần giữ chức Thủ tướng. Ông Peres cũng tham gia nhiều đảng phái chính trị khác nhau như Mapai, Rafi, đảng Liên kết, đảng Lao động và Kadima.
Cựu Tổng thống Shimon Peres trong bức ảnh chân dung chụp năm 1981. |
Trên cương vị Thủ tướng (1984 - 1986), ông Peres đã đưa ra Chương trình ổn định kinh tế giúp xoay chuyển tình thế và cứu nền kinh tế Israel thoát khỏi sự sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này với mức lạm phát lên tới đỉnh điểm hơn 400%/năm. Ông còn là một trong những người sáng lập ngành công nghệ cao của Israel, đưa nước này trở thành cường quốc về công nghệ và dẫn đầu về sáng tạo, với tên gọi được biết đến ngày nay là "Quốc gia Khởi nghiệp". Ông cũng đã đặt nền móng xây dựng và phát triển khả năng quốc phòng của Israel, thành lập các ngành công nghiệp quân sự và không gian cũng như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước phương Tây, đưa quốc gia này trở thành một cường quốc trong khu vực.
Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển của Israel, ông Peres được đánh giá cao bởi những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt nhiều thập niên nhằm thúc đẩy hòa bình giữa Israel và các nước láng giềng. Năm 1994, ông được trao giải thưởng Nobel Hòa bình cùng với cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat vì những cống hiến trong các cuộc đàm phán dẫn tới Hiệp định Hòa bình Oslo, khởi đầu cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Việc ký hiệp định này đánh dấu sự thay đổi chính sách của Israel với việc thừa nhận tổ chức Giải phóng Palestine là cơ quan đại diện cho người Palestine cũng như mở ra các cuộc đàm phán trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung Đông. Chủ trương của ông Peres về một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh một nhà nước Israel đã trở thành chính sách chính của Israel trong suốt nhiều năm sau. Ông còn là người thúc đẩy mối quan hệ giữa Israel với Jordan, dẫn tới việc hai nước láng giềng ký thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Ông Peres bắt tay nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại Davos, Thụy Sĩ năm 1994. |
Trong suốt 7 năm trên cương vị tổng thống (2007-2014), ông Peres đã nỗ lực để nâng cao vị thế và hình ảnh của Israel trên trường quốc tế. Ông được xem là người rất có thiện cảm với người Việt Nam, nhất là sau chuyến công du chính thức lần đầu tiên của một Tổng thống Israel đương nhiệm tới Hà Nội cuối năm 2011. Chuyến thăm lịch sử này đã đánh dấu sự thay đổi quan điểm của ông đối với Việt Nam, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực. Israel đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu của mình trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ.
Với những nỗ lực và đóng góp to lớn của ông cho đất nước cũng như hòa bình trong khu vực, ông Shimon Peres luôn nhận được sự trân trọng đặc biệt của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi ông là con người luôn làm việc không biết mệt mỏi để hướng tới sự hòa giải. Đức Giáo hoàng Francis khẳng định "ông Peres đã truyền cảm hứng cho các nỗ lực vì hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc trên thế giới". Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ca ngợi những cố gắng của ông Peres nhằm tìm giải pháp hòa bình cho Israel và Palestine.
Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, ông Peres cũng không ngừng lạc quan về triển vọng hòa bình. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi thư chia buồn tới gia đình ông Peres và ca ngợi những nỗ lực to lớn của ông vì mục tiêu hướng tới hòa bình lâu dài giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới cho đến tận những ngày cuối đời, đồng thời nhấn mạnh rằng "việc ông Shimon Peres qua đời là tổn thất nặng nề đối với nhân loại và hòa bình trong khu vực". Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng nhấn mạnh rằng Trung Đông “đã mất đi một người nhiệt thành cổ vũ cho hòa bình và hòa giải”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá "cựu Tổng thống Peres không bao giờ từ bỏ khả năng thiết lập hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như với các nước láng giềng", đồng thời tuyên bố người Mỹ nợ ông Peres vì những nỗ lực nhiều năm để xây dựng liên minh không thể phá vỡ và ngày càng mật thiết giữa Mỹ và Israel.
Hôm 30/9 vừa qua, hơn 90 phái đoàn của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, đã tới Israel dự lễ tang của ông Peres. Hy vọng những nỗ lực còn dang dở của ông Peres vì nền một nền hòa bình và ổn định ở Trung Đông sẽ được các thế hệ của Israel cũng như các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.