Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về xã Tân Trào - nơi Bác Hồ từng ở và làm việc. Trong ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào - ngôi nhà Bác đã ở từ ngày 21/5 đến cuối tháng 5/1945, trước khi chuyển lên lán Nà Nưa, bà Hoàng Thị Mai, 77 tuổi (con dâu của cụ Sự) xúc động chia sẻ: Khi Bác Hồ về thôn Tân Lập, tôi mới 5 tuổi.
Lán Nà Nưa - nơi Bác đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945. |
Sau này được nghe bố mẹ chồng kể lại rằng: Những người dân trong thôn năm ấy phần lớn không biết Bác chính là Bác Hồ mà chỉ gọi Bác là Ông Ké. Bác vô cùng giản dị và gần gũi với mọi người, khi Bác còn ở nhà tôi bây giờ (nhà cụ Sự năm xưa), Bác cùng ăn cơm với mọi người trong gia đình, hôm nào Bác cũng làm việc đến khuya. Ngày nào cũng có người đến nhà cụ Sự để báo cáo hoặc cùng Bác họp bàn việc gì đó. Sau khi làm xong lán ở trên núi thì Bác chuyển lên ở trên lán. Gia đình tôi rất vinh dự và tự hào vì đã được phục vụ Bác trong những ngày đầu Người về Tân Trào.
Bà Mai cũng chia sẻ thêm, được ở gần Bác và làm theo lời dạy của Bác nên các thế hệ đi trước trong gia đình bà đều dạy bảo các con, các cháu chịu khó học hành, chăm chỉ lao động, sản xuất để nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương.
Những câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Người sống ở Tân Lập được người dân trong thôn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người dân ở Tân Lập luôn tự hào bởi nơi đây Bác Hồ đã từng ở và làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước. Hằng năm, vào mỗi dịp sinh nhật Bác, những câu chuyện về Bác lại được người dân nhắc đến nhiều hơn.
Ông Hoàng Ngọc, 81 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, cho biết: Thôn Tân Lập năm xưa có tên là Kim Long (rồng vàng). Khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, thôn Kim Long đổi thành thôn Tân Lập (nền độc lập mới). Năm 1945, khi Bác Hồ về đây, thôn mới chỉ có 23 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Tày.
Những ngày ở đây, Bác luôn quan tâm, thăm hỏi người dân trong thôn. Người còn cùng với đồng bào lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất. Có lần Bác đi thăm đồng, thấy ruộng lúa của người dân bị vỡ bờ, Bác đã tự tay đắp lại bờ ruộng cho người dân… Trong ký ức của người dân Tân Lập, Bác vĩ đại nhưng vô cùng giản dị.
Ông Ngọc xúc động chia sẻ thêm: "Người dân chúng tôi biết ơn Bác Hồ nhiều lắm. Năm xưa, chúng tôi rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, người biết chữ ít lắm… Nay nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, cuộc sống của người dân chúng tôi đã có nhiều thay đổi: không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc; nhà ở, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, 100% các cháu nhỏ được đi học đầy đủ; đời sống kinh tế ngày một nâng cao…
Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào - nơi Bác đã ở từ ngày 21/5 đến cuối tháng 5/1945. |
Tháng 5 năm 1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Từ Tân Trào, những chủ trương, chỉ thị của Bác, của Đảng đã truyền đi khắp miền đất nước.
Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945. Trên địa bàn xã Tân Trào hiện có 47 di tích lịch sử. Trong đó, những di tích gắn liền với năm tháng hoạt động của Đảng, của Bác Hồ, đó là Lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng…
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân ở Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo ra diện mạo mới cho vùng quê vốn còn nhiều khó khăn trước đây. Về Tân Trào hôm nay, sự thay đổi đã hiện rõ: 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn và trên 50% đường nội đồng được bê tông hóa.