Thiết quân luật trong ký ức người dân Hàn Quốc

Không chỉ để lại nhiều hệ hụy sâu sắc về chính trị, việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật còn gợi lại những ký ức kinh hoàng cho người dân Hàn Quốc, nhất là những người từng trải qua vào cuối thập niên 70.

Năm ngoái, một bộ phim bom tấn đã làm chấn động Hàn Quốc với nội dung tái hiện ký ức đau thương từ quá khứ của đất nước, khi vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee năm 1979 dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự và đẩy đất nước vào tình trạng thiết quân luật.

Vì vậy, không phải bất ngờ khi người dân Hàn Quốc bàng hoàng và vô cùng tức giận khi Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trên truyền hình trực tiếp vào đêm 3/12. Điều này đã khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh quay trở lại giai đoạn đen tối trong lịch sử đất nước.

Trung tướng quân đội Hàn Quốc đã nghỉ hưu Chun In Bum cho biết: "Ai có thể nghĩ rằng trong thời đại này, thiết quân luật sẽ được ban bố? Nhưng điều đó đã xảy ra. Và đó là một bất ngờ đối với tất cả chúng tôi".

Video hình ảnh xô xát giữa quân đội Hàn Quốc và người phản đối thiết quân luật. Nguồn: Reuters

Tổng thống Yoon buộc phải chấp nhận và dỡ bỏ lệnh thiết quân luật chỉ khoảng 6 giờ đồng hồ sau khi công bố. Động thái trên diễn ra sau khi khi các nhà lập pháp nước này nhất trí bỏ phiếu ngăn chặn sắc lệnh này trong bối cảnh cả nước phản đối dữ dội. Đêm xảy ra sự kiện thiết quân luật đã gây chấn động khắp cả nước và toàn thế giới. Nhưng sự thay đổi chính trị của Hàn Quốc vẫn chưa kết thúc khi 6 đảng đối lập đã đệ trình một dự luật vào chiều ngày 4/12 kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon.

Ông Sungmin Park - nhà phân tích chính trị tại Min Consulting ở Seoul cho rằng tổng thống hiện không còn quyền lực độc lập và sắc lệnh của ông Yoon là "tự sát về mặt chính trị".

Lời kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc từ chức ngày càng tăng và lan rộng. Hiện giờ, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản về sự “bắt buộc ra đi” của Tổng thổng Yoon, giống như nhiều người tiền nhiệm của ông.

Lịch sử về Tổng thống của Hàn Quốc đã được chứng kiến các cuộc đảo chính, giam cầm, luận tội và ám sát khi đất nước chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự kéo dài hàng thập kỷ sang nền dân chủ hiện nay.

Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ II đã bị buộc phải lưu vong do cuộc nổi loạn của sinh viên vào năm 1960. Người kế nhiệm ông chỉ giữ chức vụ chưa đầy 2 năm trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính khác.

Đến lượt vị Tổng thống có “bàn tay sắt” Park Chung-hee, sau 18 năm cầm quyền, ông đã bị chính Giám đốc Tình báo của mình ám sát vào năm 1979. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên hỗn loạn và chế độ độc tài tàn bạo để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí của nhiều người dân, chính trị gia của Hàn Quốc.

Ngay sau cái chết của ông Park, Thiếu tướng quân đội Chun Doo Hwan lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính và ban bố thiết quân luật, bắt giữ những người đối lập, đóng cửa các trường đại học, cấm các hoạt động chính trị và bóp nghẹt báo chí.

Đó là lần gần nhất thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc nếu không tính sự kiện hôm 3/12 vừa qua. Đối với nhiều người dân sống trong thời kỳ đó, thì sắc lệnh của ông Yoon đã gợi lại những ký ức đau buồn ề sự áp bức và khủng bố của chế độ quân sự.

Năm 1980, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo nổ ra ở thành phố Gwangju để phản đối việc Tổng thống Chun Doo Hwan áp dụng thiết quân luật. Đáp lại, ông Chun đã cử quân đội đến để đàn áp cuộc nổi loạn và được cho là đã khiến gần 200 người thiệt mạng. Ông Chun cai trị bằng “nắm đấm sắt” cho đến năm 1988, sau khi ông bị buộc phải nhượng bộ cho phép tiến hành tổng tuyển cử công khai theo yêu cầu của phong trào ủng hộ dân chủ trên toàn quốc.

Vào thập niên 90, ông Chun bị truy tố vì tiến hành đảo chính và gây ra cuộc đàn áp đẫm máu tại Gwangju. Ông bị kết án tử hình nhưng sau đó được ân xá.

Từ cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã chuyển mình khi tiến hành bầu cử công bằng và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nhưng chính trị Hàn Quốc đang nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là tiếp tục bị phân cực và chia rẽ. Các tổng thống ở cả 2 phe chính trị thường xuyên phải đối mặt với các đề nghị luận tội và truy tố từ phía còn lại.

Ông Roh Moo Hyun là Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2003 - 2008, đã tự tử trong khi bị điều tra hình sự vì cáo buộc tham nhũng sau khi rời nhiệm sở. Người kế nhiệm ông, Lee Myung Bak đã bị kết án 15 năm tù vì tội tham nhũng sau khi từ chức.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye - con gái của cựu Tổng thống Park Chung Hee, đã bị Quốc hội luận tội và sau đó bị kết án 24 năm tù vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon hiện đang mong manh hơn bao giờ hết khi những lời kêu gọi ông từ chức ngày càng gia tăng trên khắp các diễn đàn chính trị, cũng một tiến trình luận tội tại Quốc hội có thể sớm tổ chức vào cuối tuần này.

Video hình ảnh phe đối lập yêu cầu luận tội và người dân phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nguồn: Reuters

Theo hãng thông tấn Yonhap, đảng Dân chủ đối lập chính cho biết đã bắt đầu chính thức hóa các kế hoạch buộc tội phản quốc đối với Tổng thống Yoon và các Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ. Hiện tại, ông Yoon cũng phải đối mặt với sự bất đồng ngày càng tăng trong chính đảng phái của mình - những người phản đối động thái áp dụng thiết quân luật của ông và gọi đó là vi hiến.

Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đang cân nhắc yêu cầu toàn bộ Nội các của ông Yoon từ chức và sa thải bộ trưởng quốc phòng của ông cũng như xem xét việc yêu cầu Tổng thống hiện nay phải từ chức. Trước đó, Chánh Văn phòng, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều quan chức cấp cao của Tổng thống Yoon đã buộc phải nộp đơn từ chức sau sự kiện “đen tối” thiết quân luật vừa qua.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Trung Quốc, Nga, Mỹ, Triều Tiên theo dõi sát diễn biến ở Hàn Quốc
Trung Quốc, Nga, Mỹ, Triều Tiên theo dõi sát diễn biến ở Hàn Quốc

Một đêm biến động chính trị ở Hàn Quốc đã làm đảo lộn ổn định của một đồng minh quan trọng của Mỹ, gây ra làn sóng chấn động khắp khu vực và Washington trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu đang gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN