Những phát minh to lớn của ông như bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm, tàu điện, máy quay phim, hệ thống điện báo... đã đem đến cho nhân loại nhiều bước tiến quan trọng.
Được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, trong suốt cuộc đời cống hiến tận tụy của mình, Thomas Edison đã có tổng cộng 1.093 bằng sáng chế tại Mỹ dưới tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh, Pháp và Đức (tổng cộng lên tới 1.500 bằng sáng chế trên toàn thế giới) - một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong giới khoa học.
Ông còn là tấm gương sáng về việc tự học. Trong suốt cuộc đời, từ năm 7 tuổi khi được mẹ dạy đọc sách cho đến khi mất, trung bình Edison đọc khoảng 3 cuốn sách mỗi ngày. Trí nhớ siêu phàm và đầu óc sáng tạo không biết mệt mỏi đã làm cho tên tuổi ông trở thành chiếc chìa khóa tuyệt vời mở ra thế kỉ 20 cho nhân loại.
Thời thơ ấuThomas Edison sinh ngày 11/2/1847 trong một gia đình có 7 anh chị em ở một thị trấn thuộc bang Ohio của nước Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, Edison là một cậu bé luôn hiếu kì, ham hỏi. Không chỉ hỏi cho ra nhẽ, Edison còn rất thích tự mày mò làm thử.
Edison và chiếc bóng đèn. |
Đến năm 7 tuổi, Edison được cha mẹ cho đi học ở ngôi trường duy nhất trong vùng. Do tính hiếu kỳ nên Edison luôn bị thầy giáo nhận xét là một học sinh nghịch ngợm và kém thông minh. Sau 3 tháng học ở trường, mẹ của Edison đã quyết định cho con mình tự học ở nhà do cảm thấy môi trường học đường không phù hợp với cậu.
Vốn là một giáo viên dạy tiểu học, mẹ của Edison luôn khuyến khích và dạy cậu đọc và làm thực nghiệm. Sau này Edison nhớ lại: "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng và chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy rằng tôi có một điều gì đó để sống, một ai đó để tôi không thể làm cho thất vọng".
Không những được truyền dạy học vấn, Edison còn được mẹ huấn luyện về đạo đức. Cậu bé được mẹ căn dặn phải sống thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, phải có lòng ái quốc và tình yêu nhân loại.
Thầy phù thủy ở Menlo Park
Tuy bị khiếm thính vì mất khả năng nghe của một bên tai nhưng Edison có một sức làm việc phi thường. Với sự suy nghĩ, tìm tòi, thực hiện không chú trọng lý thuyết suông, từng bước Edison đã chinh phục những gì mà người thời bấy giờ cho là không tưởng.
Trong 60 năm thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, nếu tính phát minh đầu tiên ra đời năm Edison mười sáu tuổi, bình quân cứ khoảng 12 ngày thì lại có một phát minh mới ra đời. Cho đến lúc cuối đời, ông vẫn còn nỗ lực tìm hiểu một nguyên liệu thay cho cao su.
Trong vô số các sáng chế của ông, có ý nghĩa nhất là các hệ thống điện báo truyền dữ liệu tự động cho phép truyền điện tín hai chiều và bốn chiều; phát triển đèn điện sợi đốt và hệ thống phân phối điện chiếu sáng; cải tiến kỹ thuật máy phát điện; hoàn thiện điện thoại về chất nhờ ống nói bột than và điện thoại tầm xa; máy ghi âm với hàng loạt phiên bản. Ngoài ra, ông còn sáng chế ra phương pháp dùng nam châm điện để tách sắt khỏi quặng được ứng dụng trên quy mô lớn tại Mỹ.
Không thể thống kê hết những sáng chế của Edison, song có thể nói rằng, hầu như trong mọi lĩnh vực kỹ thuật điện ông đều có ít nhất một sáng chế hoặc một cải tiến nào đó. Trong đó, máy hát, đèn điện và máy chiếu phim được đánh giá là ba sáng chế vĩ đại làm thay đổi cục diện lịch sử và cuộc sống của nhân loại.
Phát minh đầu tiên mang lại sự nổi tiếng cho Edison là máy hát năm 1877 - một bộ máy ghi được tiếng nói và lại phát ra tiếng nói. Vào thời đó, cả thế giới xôn xao về phát minh này. Danh tiếng Thomas Edison được nhắc đến ở khắp nơi. Thậm chí, công chúng còn coi phát minh này là điều ma thuật. Chiếc máy hát là một phát minh mà Edison rất ưa chuộng. Ông đã dần dần cải tiến trong nhiều năm để về sau này, máy ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Một trong những phát minh vĩ đại khác của Edison là tạo ra ánh sáng cho nhân loại. Ông bắt đầu nghiên cứu về bóng đèn điện từ tháng 3/1878. Sau hàng nghìn cuộc thử nghiệm, nghiên cứu diễn ra bền bỉ đến tận tháng 10/1879, chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại đã ra đời, chiếu sáng đến tận 40 giờ liên tục. Ngày 31/12/1879, một chuyến xe lửa đặc biệt mang theo hơn 3.000 người hiếu kì xuôi ngược New York - Menlo Park để tận mắt quan sát bóng đèn điện. Đêm hôm đó, tất cả các nhà khoa học, giáo sư, nhân viên chính quyền cùng toàn bộ người dân vùng Menlo Park được sống trong ánh sáng chan hòa của một thứ đèn mới thay thế cho loại đèn sử dụng chất đốt thông thường.
Được coi là chiếc máy mở đầu cho ngành kỹ nghệ điện ảnh, máy chiếu phim đầu tiên được Edison hoàn thành vào năm 1891 sau 4 năm nghiên cứu, chế tạo máy chiếu bóng và máy quay phim. Edison đã bỏ ra 100.000 USD để lập phim trường tại Bronx Park và thuê võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng tên là James J. Corbett tới Orange biểu diễn, để quay thành phim. Edison đã sản xuất được nhiều cuốn phim và còn phối hợp với chiếc máy hát để chiếu phim có tiếng nói.
Ông còn là một trong những nhà phát minh đầu tiên ứng dụng các nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào quy trình sáng tạo, và vì thế có thể coi ông là người đã sáng lập ra phòng nghiên cứu công nghiệp đầu tiên.
Với hàng loạt các phát minh tầm ảnh hưởng lớn, ông được đặt biệt danh "Thầy phù thủy ở Menlo Park". Cho đến nay, cả nước Mỹ và thế giới vẫn luôn kính trọng và tưởng nhớ tới Thomas Alva Edison - một vĩ nhân, một biểu tượng sáng chế của nhân loại, một vị lãnh tụ mở ra thời đại điện khí. Ông đã ghi danh vào lịch sử khoa học thế giới với tư cách là một nhà khoa học thực thụ.