Trang sử 15 năm đẫm máu và nước mắt của Iraq

Rạng sáng 20/3/2003, quân đội Mỹ và đồng minh tấn công Iraq với lý do mà Washington đưa ra là phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Baghdad. Tròn 15 năm sau, thế giới đã chứng kiến một trang sử thấm đẫm máu và nước mắt tại quốc gia Trung Đông này và đây cũng được coi là chính sách đối ngoại sai lầm nhất trong lịch sử Mỹ.

Để đưa quân sang Iraq, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush viện cớ rằng Tổng thống Iraq khi đó Saddam Hussein đã, hoặc tìm cách, chế tạo các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời Baghdad có liên kết với các nhóm khủng bố, đơn cử như al-Qaeda.

Một lính thủy đánh bộ của Mỹ tại Fallujah, Iraq năm 2015. Ảnh: Getty Image

Theo tờ Business Insider (Mỹ), dù mối quan hệ giữa ông Hussein với khủng bố và tham vọng hạt nhân của Iraq rõ ràng là không có thật, song Mỹ đã chiếm đóng Iraq trong gần 8 năm trước khi rút binh sĩ về nước, đồng thời tạo ra khoảng trống để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chen chân vào một quốc gia vốn đã quá kiệt quệ và mệt mỏi vì chiến tranh.

Hai năm sau khi rút quân, binh sĩ Mỹ lại quay trở lại Iraq và lần này là để chiến đấu với kẻ thù hoàn toàn khác biệt, đó chính là IS.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu như không có ngày 20/3/2003 đó, lịch sử dân tộc Iraq và có lẽ cả bản đồ địa chính trị khu vực Trung Đông đã khác rất nhiều và người dân Iraq chắc chắn đã không phải trải qua một trang sử 15 năm nhiều máu và nước mắt như thế.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush nói: “Một thập niên qua, chính quyền Iraq đã âm mưu phát triển vi khuẩn bệnh than, hơi độc thần kinh và vũ khí hạt nhân”. Ảnh: AFP

Hơn 1 năm sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền của Tổng thống Bush đưa ra bình luận tương tự về tham vọng hạt nhân của Tổng thống Iraq khi đó Hussein và mối quan hệ của ông với khủng bố.

Tháng 8/2002, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney tuyên bố: “Chắc chắn ông Saddam Hussein hiện nắm trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Đến tháng 9 cùng năm, phát biểu với kênh CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khi đó Condoleeza Rice nói: “Chúng tôi không hề muốn bằng chứng hiển nhiên này biến thành đám mây hình nấm”.

Những tuyên bố như thế, kèm theo đánh giá tương tự của các quan chức đương nhiệm như Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Ngoại trưởng Colin Powell, trên thực tế đều căn cứ theo các thông tin tình báo sai lệch hoặc có chủ ý.

Trong chính quyền Mỹ khi đó cũng có một số ý khiến không đồng ý với đánh giá tình báo của chính quyền Tổng thống Bush, như cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ - Tướng Anthony Zinni.

Ngày 20/3/2003, sau khi Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố người đồng cấp Iraq Hussein có 48 giờ để từ bỏ quyền lực, Mỹ đã phóng tên lửa hàng trình Tomahawk vào Baghdad trong chiến thuật mà Lầu Năm Góc gọi là “gây sốc và kinh hoàng”. Theo sau đó là cuộc “đổ bộ” của khoảng 130.000 binh sĩ Mỹ.

Một tòa nhà chính phủ bốc cháy trong trận ném bom thủ đô Baghdad ngày 21/2/2003. Ảnh: Getty Images

Vào đầu tháng 4/2003, thủ đô Baghdad nhanh chóng thất thủ với hình ảnh ghi dấu mốc là bức tượng của nhà lãnh đạo Hussein bị kéo đổ tại Quảng trường Firdaus. Ảnh: AP

Trong tháng 5/2003, Tổng thống Bush xuất hiện trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tuyên bố rằng các chiến dịch chính tại Iraq đã thành công. Ảnh: AP

Một biểu ngữ lớn có dòng chữ “Nhiệm vụ hoàn thành” được treo lên khi Tổng thống Bush phát biểu nhưng trên thực tế quân đội Mỹ vẫn phải chinh chiến trong nhiều năm sau phát biểu này của ông chủ Nhà Trắng.

Tháng 3/2004, một vài tháng sau khi ông Saddam Hussein bị bắt tại một địa điểm gần thành phố quê hương Tikrit, 4 nhà thầu của công ty quân sự tư nhân Mỹ Blackwater đã bị sát hại bởi những kẻ nổi dậy ở một cây cầu tại Fallujah.

Vụ việc 4 nhà thầu của Blackwater bị sát hại đã dẫn đến cuộc chiến kéo dài gần 1 năm tại Fallujah. Ảnh: AP

Nhóm nổi dậy mà quân đội Mỹ phải đối đầu trong những năm sau đó bao gồm tội phạm, cựu quân nhân Iraq, phiến quân theo dòng Hồi giáo Sunni và thậm chí là chiến binh nước ngoài như al-Qaeda.

Trong năm 2004 và nhiều năm sau đó, binh lính Mỹ không chỉ chinh chiến ở riêng Fallujah mà còn nhiều khu vực khác khắp Iraq như Mosul, Samarra, Najaf, Abu Ghraib…

Những kẻ nội dậy theo dòng Hồi giáo Sunni bảo vệ đường phố tại Fallujah, Iraq. Ảnh: AP

Tháng 1/2005, nhiếp ảnh gia Chris Hondros đã chụp được khoảnh khắc quân nhân Mỹ vô tình sát hại cha mẹ của em bé 5 tuổi Samar Hassan. Đây là một trong những bức ảnh gây chấn động khi đó.

Vụ việc đã gây chú ý về lo ngại này càng gia tăng rằng quân nhân Mỹ thường xuyên vô tình sát hại người dân thường. Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra trong năm 2007 khi nhà thầu của Blackwater sát hại 17 người dân thường Iraq tại Quảng trường Nisour ở Baghdad.

Đến năm 2007, khi Iraq rơi vào tình thế nhiều hỗn loạn, Mỹ quyết định triển khai thêm 30.000 binh sĩ tới quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Getty Images

Với gần 900 binh sĩ hy sinh, năm 2007 được coi là thời điểm “đẫm máu” nhất đối với quân đội Mỹ tại Iraq. Điều này phần nào gia tăng thêm tâm lý phản chiến trong lòng người dân và cả chính giới Mỹ.

Tâm lý phản chiến không những khiến đảng Cộng hòa thất thế tại Quốc hội trong năm 2006 mà còn dẫn đến chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008. Ảnh: AP

Không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, ông đã công bố quyết định rút quân ra khỏi Iraq. Những lính chiến Mỹ cuối cùng đã rời Iraq trong tháng 12/2011.
 
Cuộc chiến tại Iraq đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, 4.500 binh sĩ Mỹ không bao giờ trở về và tiêu tốn 2.000 tỷ USD. Số người chết vẫn còn gây tranh cãi, cơ quan giám sát Iraq cho biết 1,5 triệu người Iraq bị chết, hơn 2 triệu người khác phải rời bỏ quê hương sang sống tỵ nạn ở nước ngoài.


Nhưng Chính phủ Iraq và quân đội quốc gia này đã không thể lấp đầy khoảng trống mà binh lính Mỹ đã để lại. Đến năm 2014, một nhóm khủng bố mới vô cùng tàn bạo có tên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã trỗi dậy và gây rối ren, chiếm giữ nhiều khu vực trải dài tại miền Bắc Iraq. IS được thành lập bởi thủ lĩnh Al Qeada Abu Musab al Zarqawi trong năm 2004.

Chiến binh thuộc IS diễu hành trên xe của lực lượng an ninh Iraq tại thành phố Mosul. Ảnh: AP

Trong năm 2014, hàng nghìn binh sĩ Mỹ được điều động đến Iraq để đối phó với IS nhưng lần này Mỹ đã có chiến thuật mới.

Cho dù nguyên nhân là rút kinh nghiệm từ lỗi lầm cũ hay do chính quyền mới có nghị trình khác biệt, ở thời điểm này binh sĩ Mỹ được điều động chủ yếu đảm nhiệm vai trò huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq cũng như lực lượng người Kurd đối đầu với IS.

Binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Mosul trong tháng 1/2017. Ảnh: US Army

Trong tháng 10/2016, chiến dịch chính tại Mosul được khởi động, quân đội Mỹ dần dần giành lại được thành phố này. Và đến tháng 7/2017, IS đã bị đánh bật khỏi Mosul.

Một cuộc điều tra của hãng thông tấn AP (Mỹ) cho kết quả khoảng 9.000 - 11.000 người dân thường đã thiệt mạng trong thời gian diễn ra chiến dịch tại Mosul.

Tháng 12/2017, quân đội Iraq tuyên bố quốc gia này đã được giải phóng hoàn toàn khỏi IS. Mặc dù căng thẳng về sắc tộc vẫn âm ỉ nhưng Iraq nay đã ổn định hơn sau khi IS bại trận. Ảnh: AP

Đến nay, vấn đề còn tranh cãi là cá nhân hoặc tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng IS chiếm đóng nhiều diện tích lãnh thổ tại Iraq trong năm 2014. Một số ý kiến đã đổ lỗi cho cuộc xâm lược của cựu Tổng thống Bush, ý kiến khác lại đánh giá sai lầm bắt nguồn từ việc Tổng thống Obama vội vã quyết định rút quân khỏi đất nước Trung Đông này.

Cuộc chiến của Mỹ và liên quân đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ cho Iraq, cho khu vực Trung Đông mà còn cho chính nước Mỹ.

15 năm đã qua, vết thương Iraq vẫn rỉ máu. Iraq vẫn đắm chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị-xã hội. Quốc gia Trung Đông này vẫn hàng ngày đối mặt với nguy cơ bạo lực, chia rẽ sắc tộc và tôn giáo giữa người Sunni, Shiite và người Kurd, giữa người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi.

Nhìn lại 15 năm qua, có một sự thật không thể phủ nhận là dân tộc Iraq vừa trải qua một trong những chương đen tối nhất lịch sử, người dân Iraq đã đi tới ngày hôm nay với quá nhiều mất mát, thấm đẫm máu và nước mắt - bắt đầu từ ngày 20/3/2003 đáng quên đó.

Hà Linh/Báo Tin tức
23 nhà ngoại giao Nga rời khỏi Anh sau lệnh trục xuất
23 nhà ngoại giao Nga rời khỏi Anh sau lệnh trục xuất

23 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình ngày 20/3 đã rời nước Anh trở về Moskva chỉ chưa đầy một tuần sau khi có lệnh trục xuất từ Chính phủ Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN