Lúc ấy, tại sân vận động Thuận Châu, hàng ngàn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi náo nức kéo về trung tâm huyện, chờ đợi giây phút được thấy Bác Hồ.
Vinh dự được tặng hoa Bác
Đã 60 năm, nhưng bà Bế Thanh Súy, cựu học sinh Trường vùng cao Khu tự trị Thái - Mèo vẫn còn nhớ như in ngày 7/5/1959 đã vinh dự được tặng hoa và đứng cạnh Bác Hồ trên Lễ đài trong dịp Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La.
Bà Bế Thanh Súy bộc bạch: Ngày 7/5/1959, khi ấy bà 13 tuổi đang học lớp 4. Hôm đó, bà đến lớp như mọi ngày, nhưng được cô giáo cho nghỉ học để cùng với mấy bạn đi tặng hoa cán bộ. Khi chọn được những bông hoa tươi đẹp nhất, cô giáo gói trong những tờ báo đơn sơ, rồi đưa cho mỗi bạn một bó, riêng bà được đưa bó hoa đẹp nhất.
Sau đó, theo cô giáo và các bạn đến sân vận động Thuận Châu. Hôm ấy, cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, ở ngoài khán đài có rất đông người, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có chuyện gì. Tầm nửa buổi, tất cả ào lên vì có một đoàn người bước lên khán đài, cả sân vận động như bừng tỉnh và reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Theo hướng dẫn của cô giáo, bà và các bạn được cầm hoa lên tặng Đoàn cán bộ, trong đó bà may mắn được tặng hoa Bác Hồ.
“Lúc ấy, tôi vô cùng xúc động đến chẳng biết làm gì, cô giáo bảo sao thì làm vậy. Khi nhận bó hoa, Bác cúi xuống cầm tay tôi trong tiếng hò reo của cả sân vận động. Bác dừng lại hồi lâu rồi hỏi: Cháu dân tộc gì? Thưa Bác, cháu dân tộc Thái ạ. Cháu thích múa, hát không? Thưa Bác có ạ. Rồi rất nhanh, Bác nói với tất cả các bạn nhỏ: Tây Bắc giải phóng rồi, các cháu, các bạn cháu sẽ được học hành, được múa hát. Mọi người lại ồn lên. Tiếng hô: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! vang khắp sân vận động”, bà Bế Thanh Súy nhớ lại.
Bà Bế Thanh Súy chia sẻ: Lời khích lệ của Bác khiến bà có quyết tâm đi theo con đường múa, hát. Cuối năm đó, bà được tuyển chọn vào Trường Múa Việt Nam. Bà là khóa học đầu tiên của trường. Lúc bấy giờ, nhà trường chỉ có 2 hệ (4 năm dành cho các anh, chị lớn tuổi hơn và 7 năm). Vì đam mê và nhỏ tuổi, bà đã theo học hệ 7 năm. Học múa rất vất vả nhưng bà luôn nỗ lực để là một trong những học sinh khá của trường.
“Suốt những năm tháng học tập, tôi luôn khắc ghi những kỷ niệm về Bác. Lúc nào, tôi cũng có cảm giác được Bác tiếp thêm nghị lực. Khi luyện tập những động tác, điệu múa khó, chịu đựng những đau đớn, mệt mỏi mà người diễn viên múa phải đào luyện, mỗi lần như vậy, tôi luôn tâm niệm có Bác ở bên”, bà Bế Thanh Súy tâm sự.
Bà Bế Thanh Súy bộc bạch: “60 năm trôi qua, nhưng lần đầu gặp Bác, với tôi hình ảnh đó vẫn thật rõ nét. Thật may mắn giờ mỗi lần có dịp về Sơn La, tôi lại được nhìn thấy bức ảnh to Bác đang đưa tay chào và đứng cạnh Bác là cô bé mặc áo dân tộc Thái, bao nhiêu cảm xúc được gặp Bác lại ùa về. Những kỷ niệm ấy, giờ trở thành tài sản vô giá đối với tôi. Mỗi khi nghĩ về Bác, nhìn lại tấm ảnh đó, nhớ những lời Bác dạy như tiếp thêm cho tôi nghị lực để vươn lên trong cuộc sống”.
Vẹn nguyên ký ức lần được gặp Bác
Ông Đinh Văn Hiêng, cựu học sinh Trường Trần Đăng Ninh Khu tự trị Thái – Mèo chia sẻ: Vào sáng 7/5/1959, sân vận động huyện Thuận Châu lúc bấy giờ người đông nghịt, xếp hàng thành từng khối trông lên Lễ đài để thấy Bác Hồ kính yêu.
“Khoảng 8 giờ, chúng tôi đoàn học sinh Trường Trần Đăng Ninh đứng xếp hàng ngang đủ các dân tộc. Tôi dân tộc Mường. Chúng tôi mặc quần xanh, áo trắng sơ vin, đầu tóc chải mượt, chân đi dép cao xu đen quai gót. Chúng tôi đứng hàng ngang chờ đợi, có anh phụ trách đi đến đưa mỗi người một bó hoa lay ơn thơm phức. Chúng tôi ôm bó hoa nâng niu trước ngực. Đến khoảng 9 giờ, chúng tôi thấy đoàn đại biểu từ nhà khách ra sân vận động. Đi đầu đoàn đại biểu là một người mặc quần áo trắng dáng đi nhanh nhẹn. Đoàn đại biểu đến gần trước mặt hàng ngang chúng tôi đứng. Lúc này, tôi mới biết đó là Bác Hồ kính yêu.
Bác đến trước hàng ngang chúng tôi, giơ tay vẫy chào mọi người. Bác và Đoàn đại biểu đi lên Lễ đài trang nghiêm rực rỡ cờ hoa. Sau khi các đại biểu ổn định chỗ đứng, anh phụ trách bảo chúng tôi lên tặng hoa Bác Hồ và Đoàn đại biểu Trung ương. Chúng tôi đi đều lên Lễ đài tặng hoa các đại biểu. Khi đến lượt mình, tôi đã giơ tay chào Bác theo nghi thức Đội Thiếu niên tiền phong, rồi dâng bó hoa tặng Bác. Sau đó, chúng tôi ổn định chỗ đứng và Bác bắt đầu đọc diễn văn cuộc mít tinh...”, ông Đinh Văn Hiêng nhớ lại.
Giờ đây, đã 60 năm nhưng kỷ niệm được gặp Bác năm đó đối với ông Đinh Văn Hiêng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.