Chiến hào rực sáng
Khách tới tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không thể không dừng chân trước không gian trang trọng, nơi đặt bức sơn mài khổ lớn 112,3x180cm.
Màu vàng son ấm áp như thửa đất vừa lật lên, nóng hổi mồ hôi, xương máu của chiến trường. Ba nhóm nhân vật dàn theo chiều ngang chắc khỏe, đứng vững chãi trong không gian chiến hào sau trận đánh. Ở chính giữa bức tranh là nhóm 3 chiến sĩ, trong đó có một chiến sĩ ôm súng trong tay, trên đầu còn quấn băng, như khoảnh khắc trước đó dù bị thương vẫn không rời vị trí. Nhóm nhân vật này kết nối với nhóm 2 chiến sĩ trang bị đầy đủ vũ khí bằng một cái bắt tay như trao gửi lời thề quyết tâm. Cái bắt tay từ hai phía kết nối những người đồng đội và làm bố cục bức tranh chặt chẽ hơn. Nhóm thứ 3 là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy sự khốc liệt của chiến trường. Một chiến sĩ khác phía sau chiến hào, trong tư thế khẩn trương lao đi. Tám nhân vật được bàn tay người họa sĩ xếp đặt một cách chặt chẽ khiến người xem cảm nhận nhịp đập chiến tranh ác liệt xung quanh.
Bức tranh như lát cắt 1 giây của không gian chiến trận, có mất mát, có hy sinh, có quyết tâm và một niềm tin vững chãi. Không gian ấy “động”, nhưng “tĩnh” với sự thiêng liêng của buổi lễ kết nạp Đảng giữa chiến trường. Những đường nét thẳng, tối giản và dứt khoát khiến tất cả những chiến sĩ góp mặt trong bức tranh đều như đang vội vã. Họ vội vã thực hiện thời khắc thiêng liêng dù đây chưa phải là giây phút yên bình. Họ vội vã để trở lại sát cánh bên những người đồng đội. Bức tranh bởi thế mang cả nét kiêu hùng của một khúc tráng ca. Chất liệu, bố cục, hình khối và ý nghĩa của khoảng khắc khiến bức tranh rực sáng, tác động mạnh tới thị giác và cảm xúc.
Thường khi nghĩ đến tranh sơn mài, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chất liệu bóng bẩy, kiêu sa như màu trắng của vỏ trứng gà, nét óng ánh của vàng, của bạc. "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" không có cái vẻ óng ánh như thế dù tác giả vẫn sử dụng ba tông mầu chủ đạo của sơn mài là son, vàng bạc, then. Rực lên trong bức tranh là gam màu đỏ đất của chiến hào của công sự, màu của ý chí, quyết tâm của người lính, và lẫn đâu đó là cả màu của những vết thương sau cuộc chiến khốc liệt. Màu của đất cũng là màu nước da của những nhân vật người lính xuất thân từ đồng ruộng. Đất mẹ rẽ lối cho những đứa con quả cảm, chở che bao bọc và tôn vinh những người con quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương.
Năm 1963, họa sĩ Nguyễn Sáng cho ra đời bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Có thể nói đây là tác phẩm kết tinh tài hoa và tâm huyết của tác giả sau suốt 9 năm hòa mình cùng cuộc chiến vệ quốc và gần 9 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chứa đựng trong nó ý nghĩa sâu sắc và những tâm huyết nhất của họa sĩ dành cho nhân dân, cho đất nước. Tác phẩm có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả và lẫm liệt.
Những tháng ngày còn mãi
Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc - kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ. Về giá trị thẩm mỹ, tác phẩm ghi nhận một phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm là sự kế thừa lối tạo hình của nghệ thuật phương Tây với thủ pháp hiện thực chắc khỏe, nhưng lại mang đậm tinh thần, màu sắc Việt. Tác phẩm là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống. Xét ở giá trị văn hóa, tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như: cổ động tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - thời điểm bức tranh ra đời; ảnh hưởng đến các thế hệ họa sĩ sau thời Nguyễn Sáng với tinh thần là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam.
"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" là bức sơn mài được họa sỹ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), sáng tác năm 1963. Nửa thế kỷ sau đó, vào năm 2013 bức tranh là một trong bốn tác phẩm hội họa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là "bảo vật quốc gia" cùng các tác phẩm của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí. Năm 1996, người họa sĩ tài ba cũng được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 với tác phẩm này.
Khi "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, Họa sĩ Hoàng Đình Tài từng chia sẻ về những ấn tượng mà ông cảm nhận khi xem bức tranh này: “Người ta thường kết nạp ở địa phương, sau những trận đánh. Nhưng Nguyễn Sáng đã đưa lên chiến hào vì đây là Đảng của những người hành động, Đảng của những người con chiến đấu cho quê hương, Đảng của những người nông dân được ông vẽ bằng màu đất đai họ gieo trồng. Lúc bức tranh này mới ra đời thì bị phản đối bởi vì ông vẽ người nông dân quá chính xác: trán hai phân, vai vuông, chân vuông. Những người nông dân Bắc Bộ là như vậy chứ không phải thị dân. Đảng của những người lao động vùng lên giải phóng quê hương”.
TS. Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Cho tới bây giờ, bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” vẫn là đỉnh cao của dòng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.”
Vượt ra ngoài những cam go của hiện thực, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” đã thành công khi đưa con người của hiện thực thành những người anh hùng thực sự. Sau kết nạp sẽ là chiến đấu, sau giây phút vinh dự và tự hào có thể là những hy sinh. Đưa những nét vẽ giản dị trên chất liệu truyền thống trở thành một áng sử thi bằng hội họa, đó chính là lý do tác phẩm sơn mài của Nguyễn Sáng trường tồn.
Trải qua 65 năm lịch sử của một Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những người lính chân đất trong tranh của Nguyễn Sáng vẫn sống động, vẫn là những người làm nên phút thăng hoa trong suốt mạch kháng chiến trường kỳ của dân tộc.