Nhà khoa học Stephen Hawking tại cuộc họp báo ở thủ đô London, Anh ngày 20/7/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay yêu thương của người thân tại nhà riêng ở thành phố Cambridge (Anh). Sự ra đi của ông tuy đột ngột, nhưng đã được tiên đoán từ cách đây gần 60 năm. Cuộc đời nhiều thành tựu của Hawking là minh chứng mãnh liệt nhất cho chân lý của ông: Sống tận tụy từng phút giây, vì ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng.
Dành cả cuộc đời để nghiên cứu vũ trụ, Stephen Hawking là người tìm ra câu trả lời cho những vấn đề hóc búa nhất của vật lý hiện đại. Song, bản thân ông cũng là một ẩn số lớn mà khoa học chưa thể giải mã, đó là: Làm sao ông có thể kéo dài sự sống tới hơn 55 năm so với dự báo của giới chuyên gia?
Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942 - đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo Galilei - cha đẻ của khoa học hiện đại. Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh Lou Gehrig’s (xơ cứng teo cơ) khi còn là một chàng sinh viên 21 tuổi đang theo đuổi luận án tiến sĩ về vũ trụ học tại Đại học Cambridge. Các bác sĩ lúc đó cho rằng Hawking chỉ có thể sống được vài ba năm nữa, thậm chí sẽ không đủ thời gian để ông hoàn tất luận án tiến sĩ.
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa được bệnh Lou Gehrig’s. Đây là một bệnh thần kinh tiến triển, gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động, khiến não và cột sống không thể điều khiển các cơ tự chủ. Người mắc bệnh khó có thể nói, nhai, thở và di chuyển. Bệnh này tiến triển nặng dần đối với tất cả những người mắc phải, khoảng 50% số người bệnh tử vong trong vòng 5 năm sau khi phát hiện bệnh và khoảng 90% tử vong sau 6 năm. Trừ trường hợp của Stephen Hawking!
"Tôi chưa từng biết bất kỳ người nào mắc bệnh Lou Gehrig’s lại có thể sống thêm lâu tới vậy", ông Ammar Al-Chalabi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chăm sóc người bệnh Lou Gehrig’s ở London cho biết. Ông Al-Chalabi gọi tuổi thọ của Hawking là "một điều phi thường", trong khi Giáo sư Rup Tandan thuộc khoa Thần kinh học của trường Đại học Vermont thì tiết lộ những người mắc bệnh này muốn kéo dài tuổi thọ phải nhờ vào sự trợ giúp của một chiếc “quạt gió” để có thể hô hấp, nhưng Hawking thì chẳng cần dùng tới.
Stephen Hawking lần đầu tiên được công chúng biết đến khi ông cho ra mắt cuốn "A Brief History of Time" (Lược sử thời gian) năm 1988 - một cái nhìn đơn giản hóa về tổng quan vũ trụ. Cuốn sách này bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới.
Những lý thuyết tiếp sau đó của Hawking đã cách tân nhận thức về các khái niệm như hố đen, học thuyết Big Bang về sự ra đời của vũ trụ hay sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Giống nhiều nhà vật lý khác, Hawking cũng tìm kiếm một lý thuyết của vạn vật có thể thống nhất lý thuyết hấp dẫn của Albert Einstein với vật lý lượng tử. Song điều ông thích thú nhất là chứng minh vũ trụ xuất hiện từ hư vô, một cách tự phát, không có sự can thiệp của một đấng “sáng thế” nào, thậm chí không cần một điều kiện ban đầu đặc thù nào.
Tình yêu dành cho khoa học đã giúp Hawking đạt rất nhiều thành tựu, ngay cả khi ông bị tê liệt hầu như toàn thân, phải gắn mình vào xe lăn kể từ năm 1970 và chỉ có thể giao tiếp bằng cách khẽ cử động má phải.
Kể từ khi bị viêm phổi năm 1985 và phải trải qua phẫu thuật mở khí quản, Hawking đã cần đến sự trợ giúp y tế 24/24 và nhờ tới một chiếc máy tính cùng một thiết bị tạo giọng nói để trò chuyện với người khác. Một bộ cảm biến hồng ngoại nhỏ xíu được gắn trên cặp kính của ông có chức năng kết nối với máy tính. Bộ cảm biến sẽ nhận biết từng dao động trên má của Hawking và sẽ lựa chọn các từ ngữ để hiển thị trên màn hình máy tính. Những từ được hiển thị sau đó sẽ được phát âm thông qua thiết bị tạo giọng nói. Với công nghệ này, sẽ mất 10 phút để Hawking có thể truyền đạt một câu nói đơn giản.
Theo trợ lý của ông, bà Judith Croasdell, "cách giao tiếp này chậm chạp đến mức gây bực mình cho người đối diện, nhưng ông ấy không để điều đó cản trở đến những suy nghĩ của mình".
Lúc sinh thời, Hawking cho biết ông thường không nghĩ đến những hạn chế về sức khỏe và tuổi thọ. "Trên thực tế, tôi đã phải chung sống với bệnh tật trong suốt cuộc đời của một người trưởng thành", ông tâm sự, “thế nhưng điều đó chẳng ngăn nổi tôi có được một gia đình đáng yêu và thành công trong sự nghiệp. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể và không nghĩ tới căn bệnh của mình hay hối tiếc về những điều mà vì bệnh tật mình đã không thực hiện được - kỳ thực thì những điều đó cũng chẳng có nhiều".
Trước khi qua đời, Stephen Hawking là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học của Đại học Cambridge. Trong suốt 30 năm trước đó, ông đã giữ cương vị Giáo sư Lucasian - chức danh dành cho giáo sư toán học tại trường này.
Văn phòng của ông nằm trên tầng cao nhất của Đại học Cambridge. Căn phòng chứa đầy kỷ vật, như những bức ảnh gia đình, một mô hình tàu vũ trụ con thoi của NASA hay bức ảnh ông chụp cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân, bà Michelle Obama. Trên giá sách có các tác phẩm của Carl Sagan, sách học thuyết của Isaac Newton, các bản dịch ra những thứ tiếng khác nhau của "A Brief History of Time" và nhiều cuốn sách vật lý khác. Trên tường là một tấm bảng đen viết đầy các phương trình, các bức chân dung của hai nhà khoa học Einstein và Newton, và đặc biệt là ảnh của đạo diễn Steven Spielberg cùng cô đào Marilyn Monroe.
Những bức ảnh treo tại văn phòng cho thấy nhà vật lý học đã đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia và các giáo hoàng. Ông thậm chí cũng đã thử cảm giác bay vào vũ trụ trong một chuyến bay không trọng lực hồi tháng 4/2007 ở Florida (Mỹ). Đó cũng là lần đầu tiên trong vòng 40 năm, ông rời khỏi chiếc xe lăn của mình. "Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Stephen mà tôi từng chứng kiến", Sam Blackburn - một trong những trợ lý của Hawking cho biết.
Sự nổi tiếng của Hawking đã giúp ông trở thành khách mời trong những chương trình truyền hình mà ông ưa thích như "The Simpsons" và "Star Trek". Tình yêu với các nhân vật hoạt hình trong "The Simpsons" thậm chí còn được nhận biết ngay trong cách bày biện văn phòng của ông, như hình các nhân vật trên bàn làm việc hay một chiếc đồng hồ có hình Homer Simpson ở phía trước nơi ông ngồi. Không những thế, giọng nói đặc biệt của Hawking cũng được sử dụng làm điểm nhấn trong album “Division Bell” (1994) của ban nhạc Pink Floyd và trong album “OK Computer” của Radiohead ba năm sau đó.
Stephen Hawking từng kết hôn hai lần, có ba người con và những đứa cháu xinh xắn. Cùng với cô con gái cả Lucy, ông đã viết nhiều cuốn sách vật lý cho thiếu nhi.
Câu chuyện cổ tích về "điều phi thường" mang tên Stephen Hawking đã chính thức khép lại rạng sáng 14/3/2018 - đúng vào dịp kỷ niệm 139 năm ngày sinh của Albert Einstein. Tuy nhiên, những thành tựu khoa học của Hawking cũng như những cảm hứng từ cuộc đời ông chắc chắn sẽ còn tồn tại mãi về sau.